Viettel Construction đăng ký chuyển 93 triệu cổ phiếu từ sàn UPCoM sang HoSE

DOANH NGHIỆP Việt nAM
19:39 - 25/11/2021
Trạm phát sóng BTS của Viettel Construction
Trạm phát sóng BTS của Viettel Construction
0:00 / 0:00
0:00
Viettel Construction muốn huỷ giao dịch toàn bộ cổ phiếu lưu hành tại UPCoM để chuyển sang HoSE với thời điểm kỳ vọng là trong năm nay hoặc năm 2022.

Mới đây, Tổng công ty Xây dựng Viettel - Viettel Construction (UPCoM: CTR) đã nộp hồ sơ tới Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) để đăng ký niêm yết 92,9 triệu cổ phiếu CTR trên sàn giao dịch này.

Kế hoạch chuyển sàn cho CTR đã được Viettel Construction thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. Cổ phiếu CTR được niêm yết tại UPCoM từ cuối tháng 10/2017 với giá đóng cửa phiên đầu là 28.000 đồng/cp.

Cũng tại Đại hội đồng cổ đông lần này, Hội đồng quản trị Viettel Construction đã thông qua việc bổ sung lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử, kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan.

Đầu tháng 11/2021, Viettel Construction công bố thông tin mua lại vốn góp của một số nhà đầu tư cá nhân để nâng tỷ lệ sở hữu 100% tổng vốn đầu tư của dự án tại thị trường Campuchia.

Cùng lúc, Viettel Construction cũng thông báo chấm dứt dự án đầu tư nước ngoài tại Mozambique và Lào; đóng cửa/giải thể Công ty Viettel Construction Mozambique., LDA và Mozambique Lao., Ltd.

Hiện nay, vốn hoá thị trường của Viettel Construction khoảng 7.712 tỷ đồng.

Kế hoạch kinh doanh năm 2021 rất tham vọng

Viettel Construction đặt mục tiêu doanh thu đạt 6.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 275,8 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức dự kiến chi trả ở mức 10 – 20%.

Năm 2021, Viettel Construction tiếp tục chiến lược hoạt động sản xuất kinh doanh theo 5 trụ lĩnh vực, bao gồm Đầu tư hạ tầng; Xây dựng (Xây dựng hạ tầng viễn thông, xây dựng dân dụng B2B và B2C); Công nghệ thông tin; Giải pháp tích hợp và Vận hành khai thác.

Đồng thời, đơn vị này đặt mục tiêu trở thành công ty đầu tư và cho thuê hạ tầng hàng đầu Việt Nam, mở rộng cung cấp dịch vụ xây dựng, vận hành khai thác cũng như phát triển các giải pháp năng lượng sạch, cơ điện thông minh theo kế hoạch đã trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 thông qua.

Năm nay, Viettel Construction đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng cho lĩnh vực hạ tầng cho thuê. Dự kiến số lượng trạm của Viettel Construction có thể tăng lên lần lượt khoảng 3.000/6.000 trạm vào cuối năm 2021/2023.

Trong bối cảnh Tập đoàn Viettel đang có nhu cầu lớn về hạ tầng mạng viễn thông dữ liệu di động và phát triển công nghệ 5G, Viettel Construction sẽ có rất nhiều tiềm năng phát triển kinh doanh mảng cho thuê hạ tầng viễn thông của mình.

Xây dựng dân dụng B2B và B2C là mảng Viettel Construction có thể bứt phá dễ dàng trong năm 2021. Hiện nay, Viettel Construction đang thi công các dự án tiêu biểu như: Dự án Kim Chung – Di Trạch (Chủ đầu tư WTO) giá trị 140 tỷ, Louis Hoàng Mai (Chủ đầu tư VFI) giá trị 440 tỷ,…và hàng trăm công trình nhà dân khác đang triển khai.

Với mảng vận hành viễn thông, Viettel Construction được dự báo sẽ hưởng lợi từ việc mở rộng mạng lưới viễn thông di động của Viettel và tăng trưởng thuê bao băng rộng cố định tại thị trường trong nước cùng với sự đóng góp từ thị trường nước ngoài.

Khối lượng công việc ngày càng tăng lên thông qua các hợp đồng hợp tác với các đối tác lớn ngoài Tập đoàn như CMC, MobiFone, Bộ Công An,… cho thấy triển vọng tích cực đối với lĩnh vực vận hành khai thác.

Dự kiến Viettel Construction hoàn thành doanh thu năm 2021 lên đến 7.200 tỷ, thậm chí đạt mức 8.000 tỷ trong các điều kiện lý tưởng.

Một điểm đáng chú ý, những năm gần đây Viettel Construction đều hoàn thành vượt xa kế hoạch đề ra. Nếu năm 2021 tiếp nối truyền thống này, Viettel Construction sẽ nối dài chuỗi tăng trưởng lợi nhuận 5 năm liên tiếp.

Các lĩnh vực hoạt động kinh doanh mới đầy tiềm năng

Một trong những mảng kinh doanh mới Viettel Construction đang triển khai là dịch vụ giải pháp công nghệ thông tin. Công ty sẽ hướng đến tư vấn các sản phẩm, quy trình chuyển đổi số các hộ kinh doanh và cá thể. Đây là thị trường rất lớn khi nhu cầu doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số ngày càng nhiều tại khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Dù đang trong giai đoạn bắt đầu tổ chức kinh doanh nhưng đã đem lại doanh thu hơn 5 tỷ đồng từ giải pháp may đo chuyển đổi số, cũng như các sản phẩm thương mại khác như 1Office, Sapo, Viettel Sale,… Dự kiến trong năm 2021, Viettel Construction đặt mục tiêu doanh thu từ mảng Công nghệ thông tin thu về gần 20 tỷ đồng.

Mới đây, Viettel Construction đã chính thức bổ sung mảng dịch vụ VCCServices bao gồm Home Care (bảo dưỡng thiết bị gia đình), Solar Care (bảo dưỡng pin mặt trời), IT Support (hỗ trợ kỹ thuật các thiết bị công nghệ thông tin) bước đầu đã có doanh thu lên tới hàng chục tỷ đồng. Dự kiến mảng VCCServices năm 2021 ước tính doanh thu đạt hơn 200 tỷ đồng.

Với mảng Giải pháp tích hợp, dù mới ra đi vào hoạt động từ cuối năm 2019 nhưng đã đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh năm 2020 của Viettel Construction khi mang về hơn 1.300 tỷ đồng doanh thu, gấp 2,2 lần năm trước. 6 tháng đầu năm 2021, lĩnh vực này đóng góp tới 417,7 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 126,3% so với cùng kỳ và hoàn thành 75% kế hoạch năm 2021.

Bên cạnh việc thực hiện lắp đặt hơn 2000 camera giám sát các điểm cách ly phục vụ chống dịch Covid-19, trung tâm Giải pháp tích hợp còn đẩy mạnh kinh doanh các giải pháp mới tiềm năng, mang lại giá trị cho xã hội như đèn năng lượng mặt trời, camera an ninh nông thôn mới, giải pháp thu phí không dừng ePass, mở rộng, đa dạng sản phẩm đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng (điều hòa Carrier, điều hòa Akito, thiết bị lọc nước Karofi,…)

Lĩnh vực Giải pháp tích hợp tập trung vào các giải pháp ICT, cơ điện (M&E), Smart Solutions, năng lượng mặt trời. Ước tính tăng trưởng doanh thu bình quân giai đoạn 2020 – 2025 của mảng giải pháp tích hợp sẽ ở mức 35%/năm.

Trong đó, điện mặt trời áp mái được xem là ngành mũi nhọn trong chiến lược giai đoạn 2020-2025 nhờ nguồn nhân lực đông đảo trên cả nước.

Tiền thân của Viettel Construction là xí nghiệp khảo sát thiết kế, xây lắp công trình (trực thuộc Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội) được thành lập từ năm 1995.

Đến năm 2006, đơn vị này được đổi tên thành Công ty TNHH Nhà nước MTV Công trình Viettel và được kỳ vọng cán mốc doanh thu 15.000 tỷ đồng đến năm 2025.

Đặc biệt trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) hàng năm của doanh thu lên đến 40% trong khi con số này đối với lợi nhuận là 29%.

Năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh thu và lợi nhuận của Viettel Construction đều tăng trưởng 2 chữ số và là mức cao nhất kể từ khi thành lập.

Tin liên quan

Đọc tiếp