VN-Index suýt thủng mốc 1.490, cổ phiếu than bất ngờ tím lịm

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
16:35 - 28/02/2022
Cổ phiếu ngành than đua sắc tím. Vietstock
Cổ phiếu ngành than đua sắc tím. Vietstock
0:00 / 0:00
0:00
Đà bán mạnh từ nhóm cổ phiếu blueschip khiến VN-Index nới rộng biên độ giảm về cuối phiên, chỉ số rung lắc quanh mốc 1.490 điểm. Tuy nhiên vẫn có những nhóm ngành đi ngược xu hướng là phân bón, thép và than.

Căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine cùng việc dòng tiền chưa thực sự sẵn sàng quay trở lại đã tác động không nhỏ tới tâm lý giới đầu tư, khiến phiên giao dịch hôm nay (28/2) ngay từ đầu đã kém sắc. Áp lực bán ngày càng tăng mạnh khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm mạnh, kết phiên về sát ngưỡng 1490; đồng nghĩa với việc mất đi gần 9 điểm so với phiên cuối tuần trước.

UPCoM cũng có diễn biến tương tự khi giảm 0,4 điểm, về mốc 112.29; trong khi HNX-Index lại ngược dòng, tăng nhẹ 0,3 điểm lên mốc 440.42. Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt 27.960 tỷ đồng, lại trở về tình trạng ảm đạm sau 2 phiên tăng vọt trên 30.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài có phiên bán ròng mạnh với tổng giá trị bán là 1.974 tỷ đồng trong khi tổng giá trị mua là 1.180 tỷ đồng. HPG bị bán ròng mạnh nhất với 352 tỷ đồng, sau đó là CTG (121 tỷ đồng), VIC (105 tỷ đồng), KBC (55 tỷ đồng), HDB (53,5 tỷ đồng), POW (53 tỷ đồng)… Mã được mua ròng mạnh nhất là quỹ FUEVFVND với 140 tỷ đồng. NLG, TPB, VRE, STB, HSG, VND… cũng được nhà đầu tư nước ngoài gom nhiều trong phiên hôm nay.

Phiên giảm điểm hôm nay của VN-Index chủ yếu do gánh nặng từ nhóm vốn hóa lớn. Chỉ số VN30 đã giảm hơn 9 điểm do chỉ còn 8/30 mã giữ được sắc xanh khi kết phiên. Đó là BVH, FPT, GAS, GVR, HPG, MBB, SAB và TPB. Trong đó, HPG tăng mạnh nhất được 2,8%, FPT được 1,1% còn lại dưới 1%.

Chiều giảm có PNJ “lặn” sâu nhất khi mất 4,5% thị giá, trong bối cảnh giá vàng quay đầu giảm sau khi chạm đỉnh lịch sử. Các mã giảm mạnh khác là VJC -3,4%, PDR -2,9%, POW -2,8%, VIC -2,7%, CTG -2,1%, BID -1,9%...

Nhóm ngân hàng ngoài MBB và TPB ở chiều tăng, ABB và NVB đứng giá thì đồng loạt đổ đỏ. Giảm sâu nhất là EIB -3%. VBB - 2,9%, SSB -2,5% trong khi các mã khác giảm từ 0,5-2%.

Nhóm xây dựng và bất động sản vẫn ghi nhận 14 mã tăng trần nhưng chủ yếu là các mã nhỏ như LIC, MA1, TA6, RCL, VE3, L43, VE1, DC2… 69 mã tăng giá như REE +2,2%, NLG +1%, VCG +1%, VPI +0,5%, SJG +2,6%, HUT +1,6%... Trong khi đó số mã ở chiều giảm áp đảo hơn hẳn với 119 mã, đa phần là các cổ phiếu có vốn hóa lớn như VIC, VHM, NVL, BCM, VRE, THD, DIG, PDR, SSH, KDH, SNZ, CEO, ITA, HDG, KBC, DXG, BCG, CII… Giảm mạnh nhất là BCM -3,8%. VIC, DIG, PDR đều mất gần 2-3% giá trị.

Hai nhóm có sự phân hóa lớn là dầu khí và chứng khoán. Dầu khí có PVC và TOS tăng trần, PVB tăng 7%, PVS tăng 3,3%, PVD tăng 2%, BSR tăng 0,4% nhưng chiều ngược lại ghi nhận PVT -8%, POS -3,4%, OIL -0,5%, PLX -0,2%.

Còn chứng khoán cũng có 3 mã tăng trần là FIT, OGC và TVC. Các mã BSI, CTS, EVF, IBC, MBS, PSH, SHS, TIN, TVB, VCI, VND, VUA, WSS cũng kết phiên trong sắc xanh nhưng tỷ lệ chênh lệch không đáng kể, chỉ có PHS và TIN tăng hơn 2%. Các mã còn lại ở chiều giảm có CSI -5,2%, VFS -2,3%, IVS, VDS -2,1%, VIX -1,7%...

Top cổ phiếu có giao dịch đột phá trong phiên hôm nay. SSI

Top cổ phiếu có giao dịch đột phá trong phiên hôm nay. SSI

Lực mua giúp VN-Index không thủng mốc 1.490 điểm hôm nay đến từ nhóm phân bón, thép và gương mặt mới nổi là than. Phân bón có DCM, DPM, SFG tăng trần; nhiều mã khác cũng tăng mạnh như HPH +10,9%, LAS +9,5%, DDV +9,1%, PMB +3,6%, BFC +3,4%... Diễn biến khởi sắc của cổ phiếu phân bón thời gian qua xuất phát từ diễn biến tích cực giá phân bón thế giới trước những lo ngại ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Nhóm thép cũng có 3 mã tăng trần là HSG, NKG và SMC. TVN tăng 10%, TIS tăng 7,1%, POM tăng 4,6% trong khi “anh lớn” HPG cũng tăng được 2,8%. Nhóm thép trở lại đường đua sau khi nhóm ngành này được dự đoán có triển vọng khi Liên minh châu Âu (EU) cắt giảm nhập khẩu thép từ Nga. Bởi Nga hiện đang xếp thứ 2 về xuất khẩu thép vào EU, nếu bị cắt giảm do cấm vận thì sẽ tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu khác bước vào. Trong đó, nhóm tôn mạ của Việt Nam hiện đang xuất nhiều sang EU như CTCP Thép Nam Kim (NKG), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) có nhiều ưu thế hơn.

Nhóm than âm thầm bấy lâu, hôm nay đã chính thức “bung lụa” với hàng loạt mã tăng trần là HLC, THT, TVD, TC6, TDN, NBC, TMB, MDC, HPM, KSF. Nhiều mã khác tăng mạnh như CST +8,2%, MVB +5,5%, BMC +4,2%, C32 +3%, ITS +2,7%...

Cổ phiếu than gây bất ngờ vì trước nay, đây vốn được coi là nhóm ngành kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Bởi than là lĩnh vực kinh doanh đặc thù, nhiều khi được trợ giá để đảm bảo các mục tiêu chung nên mức biến động giá không được nhanh, nhiều như kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Ngoài ra, ngành than cũng đang đối mặt với không ít khó khăn khi trữ lượng than lộ thiên không còn nhiều, sản lượng than phụ thuộc nhiều vào việc khai thác than hầm lò với chi phí lớn, hiệu suất thấp…

Dù vậy, trong báo cáo triển vọng ngành, Chứng khoán SSI cho rằng sang năm 2022, ngành than sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực khi giá than trong nước dự kiến điều chỉnh tăng từ 10 - 15%, do chi phí sản xuất than của TKV và Đông Bắc đã tăng cao trong năm 2021 và nhu cầu nhiệt điện tăng trở lại khi các ngành sản xuất phục hồi.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.