WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do xung đột Nga - Ukraine

KINH TẾ THẾ GIỚI
10:50 - 19/04/2022
Khủng hoảng Ukraine, hậu Covid-19 và lạm phát là những vấn đề mà kinh tế thế giới đang đối mặt. Ảnh: Reuters
Khủng hoảng Ukraine, hậu Covid-19 và lạm phát là những vấn đề mà kinh tế thế giới đang đối mặt. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 18/4, Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo đã hạ gần 1% dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,2%, do tác động của tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. 

CNBC đưa tin, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 sẽ bị cắt giảm từ mức 4,1% trước đó xuống còn 3,2%. Trong đó, nền kinh tế của Nga và Ukraine sẽ tiếp đà suy thoái, kéo theo sự suy giảm các quốc gia lân cận ở khu vực châu Âu và Trung Á.

Trước đó, Triển vọng kinh tế toàn cầu được WB công bố hồi tháng 1/2022, cơ quan này đã dự báo "mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ giảm xuống còn 4,1%, thấp hơn mức 5,5% của năm 2021, thậm chí có thể giảm xuống còn 3,2% trong năm tiếp theo".

“Chúng ta bắt đầu các hội nghị Mùa xuân trong bối cảnh đối mặt với cuộc khủng hoảng chồng chéo nghiêm trọng. Có Covid-19, có lạm phát và cả cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine", ông David Malpass nói thêm.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass (bên trái) và Thủ tướng Nicolae Ciuca ở Romania tuần trước. Ảnh: NYT
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass (bên trái) và Thủ tướng Nicolae Ciuca ở Romania tuần trước. Ảnh: NYT

Theo ông Malpass, những nhân tố này đang làm tăng tỷ lệ nghèo đói trên toàn cầu, trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với mức giá năng lượng, phân bón và lương thực tăng vọt. Người tiêu dùng tại các nền kinh tế sẽ phải cắt giảm chi tiêu trong năm nay do ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt năng lượng mà phương Tây áp đặt lên Nga. Các quốc gia nghèo vốn phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu sẽ chật vật để giải quyết nhu cầu trong nước, trong khi nguồn cung từ Ukraine bị đứt gãy.

Ngoài ra, ông Malpas đánh giá các biện pháp tăng lãi suất để kích thích kinh tế mà nhiều quốc gia đang triển khai "sẽ làm chậm tăng trưởng và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng". Hiện nay, "60% các quốc gia có thu nhập thấp đang rơi vào cảnh thiếu thốn, thậm chí là rủi ro cao", ông cho biết.

"WB đang chuẩn bị đối phó với một chuỗi khủng hoảng, với nhiều cuộc khủng hoảng liên tục. Trong vài tuần tới, tôi dự kiến ​​sẽ thảo luận với Hội đồng quản trị về một gói ứng phó khủng hoảng mới trị giá khoảng 170 tỷ USD được triển khai từ tháng 4/2022 đến tháng 6/2023. Khoảng 50 tỷ USD trong số tiền này sẽ được triển khai trong 3 tháng tiếp theo", người đứng đầu WB cho biết.

Theo đó, gói tài trợ cho cuộc khủng hoảng Ukraine này thậm chí còn lớn hơn gói trị giá 160 tỷ USD mà WB đưa ra để cứu trợ Covid-19.

Cùng ngày, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng lặp lại cảnh báo vào tuần trước của Giám đốc điều hành Kristalina Georgieva về vấn đề triển vọng kinh tế thế giới giảm sút, do cuộc chiến tại Ukraine và lạm phát phi mã là một mối nguy hiện tại của các nền kinh tế.

Bà Georgieva thông báo, IMF cũng sẽ hạ triển vọng tăng trưởng của 143 nền kinh tế (chiếm khoảng 86% tổng sản lượng kinh tế trên thế giới) vào năm 2022 và năm 2023.

"Cuộc xung đột đã gây ra 'làn sóng chấn động' trên toàn cầu, giáng một đòn mạnh vào các quốc gia vẫn đang phục hồi sau đại dịch Covid-19. Nó là nguyên nhân của tất cả vấn đề chúng ta đang đối mặt. Về mặt kinh tế, tăng trưởng giảm và lạm phát tăng. Về mặt con người, thu nhập của người dân giảm và khó khăn tăng. Chúng ta cần kết thúc cuộc chiến này ngay", bà nói.

Đầu tháng 4, WB dự báo GDP hàng năm của Ukraine sẽ giảm 45,1% - con số này được các chuyên gia nhận xét là "đáng kinh ngạc". Trước khi xảy ra khủng hoảng, GDP của Ukraine từng được dự báo sẽ tăng mạnh trong những năm tới.

Nền kinh tế Nga cũng đang hứng chịu tác động lớn do các lệnh trừng phạt và cấm vận thương mại mà NATO và phương Tây hậu thuẫn. WB cũng đoán rằng GDP của Nga sẽ giảm 11,2% trong năm nay.

Tin liên quan

Đọc tiếp