Chuyên gia dự báo khối thương mại mới sẽ hình thành do xung đột tại Ukraine

Hợp Tác Nga-Trung Quốc
09:21 - 22/03/2022
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 4/2. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 4/2. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Theo nhiều nhà đầu tư, những biến động xung quanh cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine trong những tháng tới có thể sẽ tác động định hình lại dòng tiền và thương mại toàn cầu, dẫn đến sự xuất hiện của khối kinh tế mới.

Tháng trước, ngay trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có tuyên bố chung tại Bắc Kinh về mối quan hệ đối tác "không có giới hạn". Bắc Kinh đã từ chối cùng các nước phương Tây lên án “hoạt động quân sự đặc biệt” của Nga, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế.

Theo dữ liệu từ Cục hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc - Nga đã tăng 35,9% trong năm 2021 lên mức kỷ lục 146,9 tỷ USD. Xu hướng này có thể sẽ gia tăng hơn nữa khi phương Tây gia tăng áp dụng các biện pháp trừng phạt mới nhằm cắt Nga ra khỏi các thị trường toàn cầu.

Kim ngạch thương mại Nga - Trung Quốc tăng trưởng qua từng năm. Nguồn: Fortune

Kim ngạch thương mại Nga - Trung Quốc tăng trưởng qua từng năm. Nguồn: Fortune

Ông Tom James, Giám đốc điều hành của TradeFlow Capital Management, một quỹ tài trợ thương mại tại Singapore, cho biết: "Nga đã bắt đầu giao dịch bằng đồng NDT với Trung Quốc”. Đồng thời ông nói thêm rằng: “Các ngân hàng có thể giao dịch với nhau bên ngoài mạng SWIFT. Vì Moscow hiện đã bị chặn, nên Bắc Kinh có thể hưởng lợi rất nhiều, mặc dù không phải là không có rủi ro”.

Hiện tại, hơn một phần tư hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga được thanh toán bằng đồng NDT trong nửa đầu năm 2021, tăng so với mức chỉ 2% trong năm 2013, do cả hai nước đều tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

Trung Quốc đứng trước áp lực ngày càng lớn

Các thị trường tài chính trên thế giới xoay chuyển vì lo ngại rằng khối Nga - Trung có thể đối mặt với sự trả đũa của Mỹ, trong đó cổ phiếu của Trung Quốc nằm trong số lĩnh vực hoạt động kém nhất kể từ khi chiến sự tại Ukarine bắt đầu nổ ra từ ngày 24/2. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc và Hang Seng của Hong Kong đều đã mất khoảng 6% kể từ khi cuộc giao tranh diễn ra. Con số đó trên đà lao dốc so với mức tăng khoảng 1% của cổ phiếu toàn cầu và 1,6% của Chỉ số S&P 500.

Đồng NDT ổn định của Trung Quốc cũng bắt đầu xuất hiện những điểm dễ bị tổn thương và biến động mạnh. Đặc biệt trong đầu tuần trước, giá chạm mức thấp nhất trong ba tháng qua.

Trong khi đó, thương mại của Trung Quốc với Nga cũng bị hạn chế bởi những rào cản mà phương Tây đặt ra. Thương mại của Trung Quốc trong tháng 2/2022 đạt tổng cộng 137 tỷ USD với EU và 123,3 tỷ USD với Mỹ, nhưng chỉ 26,4 tỷ USD với Nga.

Một tàu chở dầu thô tại cảng Qingdao, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Một tàu chở dầu thô tại cảng Qingdao, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Khi được hỏi về những rủi ro mà Bắc Kinh có thể gặp phải nếu trợ giúp kinh tế cho Moscow, bao gồm cả những lệnh trừng phạt, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố với Reuters: "Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục thực hiện hợp tác kinh tế và thương mại bình thường trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và đôi bên cùng có lợi”.

Tuy nhiên, căng thẳng đối với thương mại toàn cầu do chiến sự đã thể hiện rõ qua các lệnh cấm xuất khẩu và những khó khăn trong chuỗi cung ứng. Có thể kể đến tình hình nguyên liệu từ than của Indonesia cho đến dầu thực vật của Ai Cập không có sẵn cho các đơn hàng quốc tế. Những nước phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực thì đang tranh giành các đơn hàng gạo để thay thế lúa mì của Ukraine và Nga. Tình trạng thiếu hụt phân bón bùng phát khi thế giới không còn nhiều nguồn cung kali – thành phần quan trọng – từ Nga.

Tình hình căng thẳng hiện tại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và dường như có rất ít động lực để sửa chữa hệ thống an ninh lương thực và thương mại toàn cầu. Thay vào đó là những gợi ý về một trật tự mới, trong đó xuất khẩu hàng hóa và năng lượng của Nga tìm đến thị trường ở Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi nguồn cung khoáng sản và khí đốt của Australia cuối cùng sẽ thay thế Nga tại châu Âu.

"Manh nha" xuất hiện những thay đổi mới

Trong một podcast gần đây, chiến lược gia Jonathan Garner của Morgan Stanley cho biết, ông thận trọng hơn đối với Ấn Độ và Trung Quốc, trong khi đang tìm cách tiếp xúc với Australia với tư cách là một nhà xuất khẩu phù hợp với các nguồn vốn toàn cầu.

Ấn Độ, một khách hàng mua khí tài quân sự của Nga, đang cân nhắc lời đề nghị mua dầu thô giá rẻ của Nga. Đồng thời, theo các nguồn tin ngân hàng, Nga đang tìm cách thiết lập một cơ chế thanh toán cho giao dịch đồng Rupee - Ruble.

Trong khi đó, các quyết định của Trung Quốc, nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, có khả năng thúc đẩy dòng tiền và hàng hóa lớn bên ngoài hệ thống do đồng USD thống trị - điều mà Bắc Kinh đã tìm cách làm trong một thập kỷ qua.

Ông George Boubouras, trưởng nhóm nghiên cứu tại K2 Asset Management, công ty đầu tư toàn cầu từ Melbourne, cho biết: “Về bản chất, họ đang tạo ra nền tảng hoạt động của riêng mình, khác với hệ thống vốn toàn cầu do Mỹ đứng đầu suốt 70 năm qua”.

Tuần trước, Wall Street Journal đưa tin rằng các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Saudi Arabia về việc giao dịch dầu lấy đồng NDT thay cho đồng USD đã tăng tốc. Động thái này được xem là một bước tiến trong nỗ lực thúc đẩy đồng NDT như một đồng tiền thương mại và dự trữ.

Chiến lược gia Zoltan Pozsar của Credit Suisse dự báo: “Khi cuộc khủng hoảng này (và chiến sự) kết thúc, đồng USD sẽ yếu đi nhiều và ở chiều ngược lại, đồng NDT mạnh hơn nhiều”.

Trong khi đó, ông Diego Parrilla, người quản lý tại Quadriga Igneo, một quỹ trị giá 150 triệu USD để phản ứng trong tình trạng thị trường hỗn loạn, nhận định: “Sẽ không có sự trở lại nào từ đây. Nga đang hướng về phía Đông chứ không phải phương Tây. Tôi nghĩ rằng toàn cầu hóa như mọi người biết đã kết thúc. Trên thực tế, chúng ta đang ở trong một thế giới lưỡng cực”.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.