Xăng dầu giảm giá, hàng hoá chần chừ: Cần độ trễ nhưng không thể là vài tháng

GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG
19:45 - 04/08/2022
Xăng dầu giảm giá, hàng hoá chần chừ: Cần độ trễ nhưng không thể là vài tháng
0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia kinh tế, giá hàng hoá, thực phẩm chưa giảm theo giá xăng dầu bởi có độ trễ nhất định song "nước xuống thuyền xuống", độ trễ chỉ một vài tuần, không thể là hàng tháng hay là đến mấy tháng được.

Kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Trong đó, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế, xăng dầu cứ tăng giá 10% sẽ ảnh hưởng lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm và kịch bản tăng trưởng kinh tế giảm 0,5 điểm phần trăm. Đặc biệt, nó còn ảnh hưởng đến giá các nguyên liệu đầu vào khác như phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng…từ đó ảnh hưởng dây chuyền đến cả nền kinh tế.

Thời gian qua, giá xăng, dầu đã giảm liên tiếp nhiều lần trong sự mong ngóng, chờ đợi của người tiêu dùng. Mức giá xăng, dầu hiện nay đã tương đương với thời điểm tháng 1/2022.

Tuy nhiên, thực tế đến thời điểm hiện tại, giá của nhiều mặt hàng thiết yếu trong nước vẫn tiếp tục neo ở mức cao như: giá thịt lợn, cước vận tải hành khách, vận tải hàng hoá, lương thực, thực phẩm… làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đặc biệt là trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch 2 năm vừa qua.

Bàn luận về nguyên nhân vấn đề này, tại Tọa đàm "Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm - thực trạng và giải pháp" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4/8, bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, trước tiên là do một số mặt hàng chịu ảnh hưởng tác động của giá xăng dầu, khi điều chỉnh giá giảm có thời gian, độ trễ để các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu ảnh tác động trực tiếp rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá từ đó mới xác định giá bán giảm theo.

Đồng tình về độ trễ của thị trường, tuy nhiên TS Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, giá xăng dầu với giá hàng hoá là "nước lên thì thuyền lên, nước xuống thuyền xuống". Giá cả hàng hoá cần thời gian điều chỉnh nhưng không thể kéo dài một tháng hay vài tháng, rõ ràng chỉ sau một vài tuần, phải có sự điều chỉnh ngay.

Mặt khác, theo TS Cấn Văn Lực, thông thường các doanh nghiệp tính toán giá xăng dầu giảm như vậy, giả sử họ giảm ngay giá mặt hàng khác có liên quan thì họ lại sợ rằng, sau này tăng lên lại cực kỳ khó, người dân có khi lại phản đối, không đồng tình, nhưng sự thận trọng đó là không đủ thuyết phục.

Tọa đàm "Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm - thực trạng và giải pháp" - Ảnh: VGP
Tọa đàm "Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm - thực trạng và giải pháp" - Ảnh: VGP

Giải pháp trước mắt và lâu dài bảo đảm ổn định giá cả thị trường

Bàn về giải pháp ghìm giá cả hàng hóa theo đà giảm xăng dầu, TS Cấn Văn Lực cho rằng, phải có giải pháp đồng bộ, đặc biệt không nên phản ứng thái quá câu chuyện về giá cả.

Theo ông Lực cần nhìn nhận rõ nguyên nhân cụ thể, tăng cấu phần giá, giáo dục, công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông giảm… Có 3 nhóm mặt hàng khiến chỉ số CPI tăng nhanh mạnh vừa qua, chiếm đến 80%. Trong đó, thứ nhất là nhóm hàng giao thông vận tải, chiếm tới 55%, về cơ bản do giá xăng dầu tăng. Thứ hai là lương thực thực phẩm tăng 13% tổng mức tăng CPI. Thứ ba là nhà ở vật liệu xây dựng…

"Công điện 679 của Thủ tướng về cơ bản đã xử lý trúng các nhóm này (chiếm 80% tác động vào việc tăng chỉ số CPI) chứ không xử lý dàn trải", ông Lực nói.

"Hy vọng thời gian tới với việc giá cả xăng dầu thế giới, lương thực thực phẩm đi theo chiều hướng dịu hơn...Không nên lo lắng thái quá với lạm phát mà không dám làm gì vì nếu siết chặt có thể khiến kinh tế đình trệ, thiếu nguồn cung về lâu dài lại khiến giá tăng. Ở Việt Nam, tâm lý lạm phát quan trọng. Do đó, việc truyền thông rất quan trọng, giúp giảm bớt tâm lý lạm phát, té nước theo mưa", ông Lực nói.

Thứ nhất, cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng, cần phải sát tình hình hơn nữa và thêm một điều rất quan trọng là ý kiến phản ánh của người dân.

Người dân có quyền phản ánh nếu thấy giá xăng dầu giảm mà giá vận tải, giá một số mặt hàng mua bán, đi lại vẫn như cũ. Khi đó, họ có quyền phản ánh với các cơ quan chức năng, TS Cấn Văn Lực cho biết.

Thứ hai, theo ông Lực, cần phải làm rõ giá lên ở khâu nào, khâu trung gian trong giá cả hàng hoá hiện đang rất cao và thiếu minh bạch dẫn đến nhà cung ứng giảm giá nhưng người dùng vẫn không được hưởng.

"Tôi thấy nước ngoài làm rất tốt và chúng ta nên học tập, đó là phải công khai, minh bạch. Như thế sẽ biết chắc chắn rằng đến khâu này giá bị đội lên chừng này, đến khâu kia giá đội lên chừng kia, khâu nào cần phải xử lý", ông Lực nêu quan điểm.

Hai chuyên gia Vũ Vinh Phú (phải) và Cấn Văn Lực (trái) tại Tọa đàm - Ảnh: VGP
Hai chuyên gia Vũ Vinh Phú (phải) và Cấn Văn Lực (trái) tại Tọa đàm - Ảnh: VGP

Cần giải pháp căn cơ cho vấn đề chuỗi cung ứng

Bàn về việc tìm giải pháp căn cơ cho vấn đề chuỗi cung ứng , chia sẻ tại tọa đàm, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhìn nhận, đây là vấn đề vừa trước mắt vừa lâu dài. Nếu như ở Hàn Quốc, xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn, đi từ sản xuất đến bán lẻ thì tại Việt Nam, một viên thuốc, một con lợn, một con cá đi từ bán buôn, bán lẻ rồi lò mổ, rồi vào siêu thị với chiết khấu cao, thậm chí chiết khấu còn cao hơn cả lợi nhuận người sản xuất. "Tất cả cái đó cho vào giá chứ đâu nữa."

Thậm chí ở các nước họ còn luật hóa về phân phối lợi nhuận trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, ông Phú lấy ví dụ, tại Thái Lan là 70% lợi nhuận cho người nông dân, người làm ra của cải vật chất cho xã hội, còn 30% là các khâu khác.

"Nhưng mà mình thì hình như ngược lại. Tôi theo dõi ngành thương mại mấy chục năm nay thì thấy ở ta siêu thị lại đắt hơn chợ 30%, dù đã có những yếu tố loại trừ như thuế giá trị gia tăng. Nhưng yếu tố chủ quan như siêu thị đẩy giá lên là có", ông Phú nói.

"Theo tôi trong cái đó có vấn đề hạ tầng thương mại. Tôi điểm mấy chục chợ đầu mối ở Việt Nam, chưa có chợ đầu mối nào có những sàn giao dịch. Tất cả những giao dịch của mình hiện nay nói vui là mua dấm bán dúi thôi, ép giá nhau, không công khai. Ở kia là có sàn giao dịch công khai, mớ rau muống cũng chạy, con lợn cũng qua. Siêu thị thì người ta đến đấy để mua về kinh doanh chứ không phải đến để xin siêu thị cho gửi hàng vào.

Như thế là hệ thống phân phối của chúng ta chưa phát triển. Cho nên mười bó rau sạch thì chúng ta mới có một bó vào siêu thị thôi, chín bó làm cho sạch cũng phải đi ra thị trường bán với giá rau không sạch. Rõ ràng cái giá trị của người nông dân bị suy giảm. Cái này là bài học các nước làm rồi", ông Phú nói.

Ông Phú cũng thông tin: Đại sứ Cộng hoà Pháp mới sang Việt Nam mấy năm nhưng ông ấy cũng hiến kế cho Việt Nam tạo những sàn giao dịch thương mại công khai. Tại sao chúng ta không làm? Khi ấy, một bó rau muống của nông dân bán ngoài thị trường 2.000 nhưng vào sàn giao dịch lên 6.000. Như thế nông dân được hưởng thêm, người tiêu dùng cũng mua bán hết sức thoải mái.

"Tiết kiệm chung cho xã hội nhưng đồng thời hai bên đều thắng. Tôi nghĩ phải chăm chút đến người nông dân, người công nhân, những người làm ra của cải vật chất trong chuỗi cung ứng đó, bởi, họ thua lỗ đồng nghĩa sẽ không có sản phẩm để tiêu dùng, xuất khẩu. Đó mới là cái gốc của sự phát triển bền vững.", ông Phú nhìn nhận.

Có đủ cơ sở cho kịch bản kiểm soát lạm phát năm nay là 4%

Cũng tại Tọa đàm, chia sẻ về mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ, TS Cấn Văn Lực nhìn nhận: Chính phủ đã tiên lượng bối cảnh phức tạp, không nên cứng nhắc dưới 4% mà là khoảng 4%. Thực tế, lạm phát thế giới bình quân là 6,2% toàn cầu so với 3,8% năm ngoái. Ta hội nhập lớn thế không thể đứng ngoài cuộc, dứt khoát dưới 4% thì lại phản tác dụng.

Ông Lực cho rằng, Chính phủ thành công thời gian vừa qua về kiểm soát lạm phát trong bối cảnh khủng hoảng an ninh lương thực, năng lượng là vấn đề lớn của nhiều nước.

Về cơ bản, ta đã có cơ chế chính sách điều hành quyết liệt kịp thời. Đến thời điểm hiện nay lạm phát thấp so với khu vực. Nhưng không thể chủ quan vì vẫn có độ trễ về lạm phát. Độ mở nền kinh tế lớn sẽ có rủi ro nhập khẩu lạm phát, giá cả hàng hoá, một số khoản như lương cơ bản tăng, các khoản phí trong lộ trình tăng lên, không thể kìm giữ mãi được.

Hơn nữa, thường về cuối năm, lượng cung tiền, giải ngân đầu tư công, FDI, lượng tiền nhiều hơn, vòng quay tiền nhanh hơn nên không thể chủ quan.

Nhưng theo ông Lực, có đủ cơ sở cho kịch bản kiểm soát lạm phát năm nay là 4%, kịch bản xấu nhất vượt 4% một chút cũng chấp nhận được, để chúng ta một mặt kiểm soát lạm phát tốt, đồng thời vẫn phải phục hồi phát triển kinh tế xã hội.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.
Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Định hướng quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.