Xây dựng đề án đầu tư 1 triệu căn nhà ở xã hội ngay trong tháng 8

BDS Nhà ở
10:54 - 08/08/2022
Dự án nhà ở xã hội ở Hà Nội. Ảnh: BLĐ.
Dự án nhà ở xã hội ở Hà Nội. Ảnh: BLĐ.
0:00 / 0:00
0:00
Để thực hiện mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, Bộ Xây dựng cho rằng cần sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Đấu thầu sửa đổi, Luật Thuế để tăng tính hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Giảm thiểu thủ tục phiền hà

Tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì đầu tháng 8 mới đây, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp với quy mô 155.800 căn, tổng diện tích hơn 7,79 triệu mét vuông.

Trong đó, có 175 dự án nhà ở xã hội quy mô 93.090 căn, diện tích 4,6 triệu mét vuông và 126 dự án nhà ở công nhân với quy mô 62.700 căn hộ, tổng diện tích 3,1 triệu mét vuông. Bên cạnh đó, có 401 dự án đang triển khai bao gồm 274 dự án nhà ở xã hội quy mô 93.090 căn hộ và 127 dự án nhà ở công nhân quy mô 160.900 căn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, việc xây dựng nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn như thủ tục đầu tư kéo dài, phức tạp, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư.

Theo đó, để thực hiện mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho rằng cần sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Đấu thầu sửa đổi, Luật Thuế để quy định cụ thể về điều kiện thụ hưởng; quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án; cơ chế ưu đãi của Nhà nước. Chính sách nhà ở cho công nhân cần tách riêng để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển nhà lưu trú ở khu công nghiệp.

Đồng thời, Bộ cũng sẽ Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các địa phương rà soát, lập, công bố danh mục chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Một dự án nhà ở xã hội ở Hoài Đức - Hà Nội.

Một dự án nhà ở xã hội ở Hoài Đức - Hà Nội.

Yêu cầu các tỉnh, thành phố báo cáo về dự án nhà ở xã hội trước 15/8

Để đạt được mục tiêu từ nay đến năm 2030 phải có ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người lao động, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Xây dựng chủ trì và xây dựng đề án đầu tư ngay trong tháng 8/2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các tỉnh, thành phố báo cáo trước ngày 15/8 về các dự án nhà ở xã hội đang triển khai, các vị trí đất đã có chủ trương xây dựng nhà ở xã hội nhưng chưa triển khai, lập kế hoạch triển khai cho thời gian tới với số lượng dự án, căn hộ cụ thể từ nay tới năm 2030 để bảo đảm nhu cầu địa phương. Căn cứ vào các báo cáo địa phương, Chính phủ sẽ nghiên cứu, tổng hợp, giao kế hoạch cụ thể.

Thủ tướng cũng giao Các Bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong đó có nội dung về phát triển nhà ở xã hội.

Trong đó, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương tháo gỡ các vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện các quy định để triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho các chuyên gia; nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển các khu nhà trọ theo định hướng trên; trước hết là các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổng hợp, đề xuất và phân bổ nguồn vốn từ ngân sách trung ương theo kế hoạch trung hạn và hàng năm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để tăng nguồn cung cho thị trường.

Về phía Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu sửa đổi pháp luật về thuế để phù hợp với pháp luật về nhà ở đối với trường hợp ưu đãi thuế cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê. Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về phương án bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Nghiên cứu chính sách về nghĩa vụ của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại các khu công nghiệp có trách nhiệm hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp đó.

Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã giao những nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội...cùng phối hợp thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội.

Tin liên quan

Đọc tiếp