Xoài Campuchia hết nhu cầu đội lốt Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc

XNK Campuchia
15:40 - 29/12/2021
Công nhân phân loại xoài tại nhà của nông dân Lach Leab ở Campuchia. Ảnh: Yon Sineat
Công nhân phân loại xoài tại nhà của nông dân Lach Leab ở Campuchia. Ảnh: Yon Sineat
0:00 / 0:00
0:00
Xoài Campuchia từng phải tìm cách gắn nhãn "Made in Vietnam" trước khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, tuy nhiên vấn đề này có thể thay đổi khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Trung Quốc – Campuchia ra đời.

Trong nhiều năm qua, Chum Chamm, nông dân trồng xoài nhiều năm tại tỉnh Kampong Speu, thường xuyên chứng kiến cảnh các thương nhân người Việt sang Campuchia để thu mua vụ xoài.

Họ thường mua cả vườn và mang theo công nhân để hái quả và đóng gói bao bì bằng tiếng Trung Quốc, trước khi xuất sang thị trường Trung Quốc đại lục và các nơi khác trong khu vực.

Xoài Campuchia từng phải dán nhãn "Made in Vietnam" để xuất sang Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Xoài Campuchia từng phải dán nhãn "Made in Vietnam" để xuất sang Trung Quốc. Ảnh: SCMP

“Chúng tôi là nông dân. Chúng tôi không liên quan gì đến khâu vận tải nông sản. Nhưng tôi không thích khi phải gắn nhãn “Made in Vietnam” trên các sản phẩm Campuchia của chúng tôi”, người đàn ông 43 tuổi nói với This Week in Asia tại trang trại của anh, cách thủ đô Phnom Penh 90 km về phía tây.

Một người nông dân khác tên Lach Leab, 52 tuổi, có khoảng 40ha trồng xoài, chia sẻ về một trải nghiệm không mấy tốt đẹp khi ông từng làm ăn với thương nhân Trung Quốc. Họ trả cho ông cao hơn 30% so với giá thị trường và hứa hẹn sẽ thanh toán hết số tiền sau đó vì đang thiếu tiền mặt. Tuy nhiên, những thương nhân này đã chở hàng đi và không bao giờ quay lại để thanh toán số tiền còn thiếu.

Thị trường tiêu thụ nông sản khổng lồ

Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi khi Bắc Kinh và Phnom Penh ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) vào tháng 6/2020, cho phép các nhà xuất khẩu Campuchia tiếp cận với thị trường tỷ dân, nơi người tiêu dùng rất ưa chuộng các loại nông sản nhiệt đới.

Vào tháng 4, chính quyền Trung Quốc đã chứng nhận 37 nông trại trồng xoài và 5 nhà máy đóng gói của Campuchia là tuân thủ tiêu chuẩn.

Hiệp định thương mại tự do (FTA giữa Trung Quốc và Campuchia, chính thức có hiệu lực hôm 25/12, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang Trung Quốc, thông qua việc đưa mức thuế đối với hầu hết các mặt hàng, bao gồm cả xoài về mức 0.

Công nhân xếp trái cây lên thùng để vận chuyển. Ảnh: Yon Sineat

Công nhân xếp trái cây lên thùng để vận chuyển. Ảnh: Yon Sineat

Nhập khẩu xoài hàng năm của Trung Quốc - cả quả tươi và đã qua chế biến – đã ghi tăng đều đặn trong những năm qua, với mức tăng đột biến gấp 5 lần từ năm 2019 đến năm 2020.

Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu 84.000 tấn xoài, trong đó 80% trong số này đến từ Việt Nam, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết trong một đánh giá thị trường năm 2020.

Tuy nhiên, khối lượng hàng nhập khẩu tính đến tháng 11 năm nay đã giảm xuống chỉ còn hơn 10.000 tấn, do đại dịch Covid-19 đã tàn phá chuỗi cung ứng và làm chậm lại nhu cầu của người dân Trung Quốc.

Các nhà nhập khẩu xoài cho biết thỏa thuận thương mại vừa có hiệu lực giữa Campuchia và Trung Quốc sẽ không đảm bảo cho sự gia tăng giá trị nông sản của quốc gia Đông Nam Á này trong một sớm một chiều.

Một nhà nhập khẩu xoài ở Hong Kong, người đã thu mua xoài Campuchia trong nhiều năm, cho biết việc tồn tại các thị trường chợ đen ở những khu vực vùng biên của Campuchia cũng như tại tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng bất lợi đến cả giá trị và số lượng xoài có thể xuất trực tiếp sang Trung Quốc.

“Ở Quảng Tây có những “thành phố” tập kết nông sản rất lớn, giống như các trung tâm bán buôn bán trái cây vậy. Tuy nhiên, mọi mặt hàng đều “không rõ nguồn gốc xuất xứ”, một thương nhân giấu tên cho biết.

Xu hướng ưa chuộng nông sản nhiệt đới tăng vọt

Sự ưa chuộng đối với mặt hàng xoài của người Trung Quốc được phản ánh qua nhu cầu ngày càng tăng của nước này đối với trái cây nhập khẩu từ khắp châu Á. Tridge, nền tảng tìm nguồn cung ứng nông sản cho biết, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chi 172,45 tỷ USD để nhập trái cây từ nước ngoài trong sáu tháng đầu năm 2021 - tăng 26% so với năm trước. Con số này khả năng cao sẽ tiếp diễn trong những năm tới.

Trong số các quốc gia châu Á, năm ngoái, Thái Lan dẫn đầu với tư cách là nhà xuất khẩu trái cây và sầu riêng lớn nhất cho đất nước 1,4 tỷ dân. Đây là thành công của chính phủ Thái Lan sau khi ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc và một hiệp ước hợp tác giữa ASEAN-Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà tư vấn dịch vụ chuyên nghiệp của Thái Lan Mahanakorn Partners Group cho biết, FTA song phương cũng đã ảnh hưởng đến các nông dân trồng tỏi, nhãn và các sản phẩm tươi sống khác của quốc gia này do phải cạnh tranh với các sản phẩm rẻ hơn của Trung Quốc tràn ngập thị trường.

Một quầy bán sầu riêng ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Một quầy bán sầu riêng ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Malaysia cũng đang cố gắng thâm nhập thị trường sầu riêng, trong khi xuất khẩu trái cây hàng năm - bao gồm nhãn và chuối - sang Trung Quốc của Việt Nam, Philippines và Indonesia đã tăng 20% ​​vào thời điểm năm 2020, theo số liệu từ hải quan Trung Quốc.

"Nhu cầu của Trung Quốc đối với trái cây nhiệt đới rất cao trong vài năm qua vì họ thường không có sản phẩm thay thế tốt hơn", Jinwoo Cheon, một nhà phân tích thị trường tại Tridge cho biết. Ông cũng lấy dẫn chứng trường hợp của sầu riêng.

Tridge cho biết nhu cầu đặc biệt bùng nổ ở các thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh, nơi những người thuộc tầng lớp trung lưu giàu có coi những loại trái cây này là mặt hàng hiếm và cao cấp. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Trung Quốc mà còn ở Hàn Quốc và Nhật Bản, khi thu nhập của người dân tăng lên.

Trung Quốc là nhà nhập khẩu xoài, măng cụt và ổi lớn thứ hai toàn cầu sau Mỹ, mua tổng cộng khoảng 380.000 tấn vào năm 2020.

Công ty McKinsey cho biết, trong báo cáo người tiêu dùng Trung Quốc năm nay, lượng đơn đặt hàng trực tuyến đối với thực phẩm tươi sống và tốt cho sức khỏe đã tăng vọt trong thời gian đại dịch, mặc dù trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn do đại dịch Covid-19.

Tương lai xuất khẩu trái cây của các nước Đông Nam Á có vẻ sáng sủa hơn sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng trước cam kết nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp trị giá 150 tỷ USD từ các thành viên ASEAN trong 5 năm tới, như một biện pháp nhằm tăng cường hợp tác kinh tế giữa Bắc Kinh và khối.

Tuy nhiên, những hạn chế về di chuyển và sự đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 và gần đây là biến thể Omicron là trở ngại lớn đối với việc xuất khẩu hàng sang Trung Quốc. Đầu tháng 12, khoảng 4.000 container chở nhiều loại thực phẩm từ Việt Nam đã bị mắc kẹt tại biên giới đất liền với Trung Quốc do nước này siết chặt việc kiểm soát.

Tin liên quan

Đọc tiếp