Xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện sang Trung Quốc tăng mạnh

THỊ TRƯỜNG Việt nAM
16:39 - 15/11/2021
Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Vĩnh Phúc
Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Vĩnh Phúc
0:00 / 0:00
0:00
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2021 đến nay, điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 11,85 tỷ USD, tăng mạnh 41,2%

Nhóm mặt hàng này xuất sang thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 7,87 tỷ USD, tăng 1,4% và sang thị trường EU (27 nước) đạt 6,29 tỷ USD, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính riêng trong tháng 10/2021, giá trị xuất khẩu đạt 5,56 tỷ USD, giảm 2,3% so với tháng trước. Lũy kế 10 tháng, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 46,57 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo số liệu công bố trước đó của Bộ Công Thương, điện thoại là một trong những sản phẩm công nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, trong đó xuất nhóm linh kiện điện thoại trong nước đã tăng 38,8%.

Trong khi đó, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt trị giá xuất khẩu trong tháng 10 là 4,22 tỷ USD, giảm 11,7% so với tháng trước. Lũy kế 10 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 40,85 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 10 tháng năm 2021, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Hoa Kỳ đạt 10,46 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước; sang thị trường Trung Quốc đạt 8,69 tỷ USD, giảm 6,1%; sang thị trường EU (27 nước) đạt 5,27 tỷ USD, tăng 5,5%.

Xuất khẩu một nhóm hàng khác cũng tăng cao là máy móc, thiết bị, dụng cụ với kim ngạch xuất khẩu 3,63 tỷ USD, tăng 22,9% so với tháng trước.

Theo đó, cộng dồn 10 tháng, trị giá xuất khẩu của máy móc thiết bị điện tử và phụ tùng khác đạt 29,9 tỷ USD, tăng mạnh 41,2% so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường chính của nhóm hàng này là Hoa Kỳ với 13,36 tỷ USD, tăng mạnh 47,2% còn sang EU đạt 3,52 tỷ USD, tăng 46,7%.

Đáng chú ý, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh vốn cho nhiều dự án sản xuất, gia công máy tính và linh kiện điện tử có quy mô vốn đầu tư lớn.

Điển hình là dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD; Dự án Nhà máy Fukang Technology (Singapore) với vốn đầu tư đăng ký 293 triệu USD để thực hiện việc sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại Bắc Giang.

Sự xuất hiện của Công ty Samsung Electronics đã khiến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất điện thoại di động thông minh của Tập đoàn Samsung Electronics trên thế giới.

Xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đã được xếp hạng thứ hai trên toàn thế giới, với giá trị là 51,18 tỷ USD trong năm 2020, giảm 0,4% so với năm 2019 do ảnh hưởng dịch bệnh. Xét theo chuỗi giá trị toàn cầu, thị trường được chia thành ba phần, gồm các hoạt động thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn.

Việt Nam chủ yếu hội nhập ở phần trung nguồn với giá trị gia tăng thấp hơn, bao gồm các cụm lắp ráp nhỏ như màn hình và các bộ phận đặc biệt, và các sản phẩm hoàn chỉnh như điện tử tiêu dùng, truyền thông và máy tính.

Tin liên quan

Đọc tiếp