Xuất khẩu nông sản đạt kỳ tích ấn tượng, sẽ mang về 47 tỉ USD năm 2021

XNK Việt nAM
07:30 - 09/12/2021
Xuất khẩu nông sản đạt kỳ tích ấn tượng, sẽ mang về 47 tỉ USD năm 2021
0:00 / 0:00
0:00
Dự kiến đến hết năm 2021 ngành nông, lâm, thủy sản sẽ đạt trên 47 tỉ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm năm 2020.

Phát biểu tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, cho biết 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 43,5 tỉ USD, tăng 14,2%. Nếu tiếp tục đà tăng như hiện nay, dự kiến đến hết năm 2021 ngành nông, lâm, thủy sản sẽ đạt trên 47 tỉ USD. Đây sẽ là kết quả rất ấn tượng của ngành nông, lâm, thủy sản Việt Nam năm 2021.

Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản, lâm, thủy sản ước đạt gần 43,5 tỉ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 19,3 tỉ USD, tăng 13,7%; xuất khẩu lâm sản đã đạt 14,3 tỉ USD và chắc chắn sẽ đạt trên 15 tỉ USD trong năm nay. Cùng với đó, xuất khẩu thủy sản có thể đạt 8,6 tỉ USD, chăn nuôi ước đạt 339 triệu USD.

(ước tính 2021)

(ước tính 2021)

Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm cà phê, cao su, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm, quế…

Châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản số 1 khi chiếm 43,1% thị phần, tiếp đến châu Mỹ (29,6%), châu Âu (11,5%).

Trong 11 tháng năm 2021, thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta trong cơ cấu ngành nông, lâm, thủy sản là Hoa Kỳ, đạt trên 11,9 tỉ USD (chiếm 27,5% thị phần). Thứ 2 là thị trường Trung Quốc với gần 8,4 tỉ USD, chiếm 19,2% thị phần. Đứng thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt gần 3 tỉ USD (chiếm 6,9%).

Lý giải cho kết quả này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết việc nhận định đánh giá đúng tình hình là yếu tố then chốt giúp ngành nông, lâm, thủy sản vượt qua tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế thừa kết quả đạt được của giai đoạn 2015-2020, Bộ đã chỉ đạo các địa phương, trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng được vùng nguyên liệu đảm bảo được các tiêu chí trên cơ sở tổng kết của giai đoạn trước như: vùng nuôi, vùng trồng và quản trị theo chuỗi từ cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại. Đặc biệt là xúc tiến thương mại, trong hoàn cảnh như vậy, phải đa dạng hóa các hình thức thương mại điện tử.

Bộ tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường, đặc biệt là các thị trường có tỉ trọng xuất khẩu cao như Mỹ, Trung Quốc… Gần đây, Trung Quốc có 2 lệnh là Lệnh số 248 quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và Lệnh số 249 về các Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Trung Quốc có hiệu lực từ năm 2022.

Với quy định mới này, Bộ đã chỉ đạo các địa phương tập trung đảm bảo các vùng nguyên liệu đạt được tiêu chí và trong quá trình triển khai sẽ không thể không có vướng mắc. Khi có vướng mắc ở các thị trường, các rào cản kỹ thuật, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ ngay khó khăn.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái là 56,5% và đạt gần 4,3 tỉ USD. Về vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, xuất siêu giảm do quy mô vật tư, con giống nhập khẩu thời gian qua tăng. Nhưng đây sẽ là tiền đề tăng trưởng cho giai đoạn sau.

Giá cả vật tư như thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật… và chi phí vận chuyển đều tăng lên. Như vậy, cần có giải pháp để giảm nhập khẩu. Đó là việc thực hiện đề án về phát triển thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; áp dụng quy trình sử dụng phân bón, tăng phân hữu cơ để giảm áp lực nhập khẩu; đồng thời có quy trình chăn nuôi, canh tác, trồng trọt thật sự hợp lý khi sử dụng vật tư đầu vào.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.