222 mã nằm sàn kéo VN-Index về sát mốc 1.000 điểm

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
15:50 - 11/10/2022
Các mã ngân hàng nằm sàn la liệt. MBS
Các mã ngân hàng nằm sàn la liệt. MBS
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index hôm nay chung đà giảm của thị trường thế giới khi dò đáy mới và đã có lúc thủng mốc 1.000 điểm. Kết phiên có 222 mã giảm hết biên độ, chủ yếu nằm ở nhóm tài chính - ngân hàng và bất động sản.

Sau phiên phục hồi hôm qua, thị trường chứng khoán lại mở cửa phiên 11/10 tiêu cực khi lực bán dồn dập. Kết phiên, chỉ số VN-Index giảm hơn 36 điểm so với kết phiên hôm qua, lùi về mốc 1.006,2 điểm. HNX-Index giảm hơn 11 điểm về mốc 218,18. UPCoM cũng giảm mạnh 2,19 điểm.

Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh toàn thị trường đạt hơn 13.000 tỷ đồng. Điểm sáng là khối ngoại mua ròng hơn 16 tỷ đồng trên sàn HoSE (trong tổng giá trị hơn 2.300 tỷ đồng). Khối này mua ròng mạnh nhất 2 mã VIC (66 tỷ đồng) và DGC (48 tỷ đồng). Tiếp theo là VNM, MSN, DPM, VHC, VHM… Ngược lại, NVL bị bán ròng mạnh nhất (54 tỷ đồng), theo sau là VND, STB, HAH, DXG, HPG, SSI…

Với mức giảm như trên, không có nhóm ngành nào giữ được mức tham chiếu hoặc tăng giá. Toàn thị trường có tới 222 mã giảm sàn, chủ yếu ở nhóm tài chính - ngân hàng và bất động sản. Đây cũng là những nhóm giảm mạnh nhất, gây gánh nặng lên chỉ số.

Tại nhóm ngân hàng, chỉ còn SGB giữ được sắc xanh với tỷ lệ +3,2%, VAB và VPB đứng ở tham chiếu. Còn lại đều giảm mạnh, trong đó LPB, MBB, MSB, SHB, STB, TCB, TPB là những mã giảm hết biên độ.

Tại nhóm chứng khoán, có 2 mã vẫn tăng giá là DSC và TIN, còn lại đa số là nằm sàn như AGR, APG, APS, ART, BSI, HCM, SSI, VND, VIX...

Riêng nhóm bất động sản và xây dựng có tới 77 mã giảm hết biên độ, có nhiều cái tên quen thuộc như VRE, KBC, DXG, DIG, NLG, HUT, DXS, CTD, KHG… Các “anh lớn” như VIC, VHM, BCM, NVL… cũng đều ở chiều giảm.

Các nhóm giảm mạnh về vốn hoá sau phiên hôm nay. Vietstock

Các nhóm giảm mạnh về vốn hoá sau phiên hôm nay. Vietstock

Diễn biến của VN-Index hôm nay tương đồng với chứng khoán thế giới. Phần lớn thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương cũng chìm trong sắc đỏ. Tính tới lúc 12h ngày 11/10 (giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,64%, còn Topix sụt 1,9%. Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi lao dốc 2,35% và Kosdaq rơi 4,3%.

Tại Hồng Kông (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng sụt 1,56%, còn Hang Seng Tech lao dốc 2,96%. Ở Australia, chỉ số ASX 200 chỉ giảm nhẹ 0,21%. Đáng chú ý, chỉ số chứng khoán chuẩn của Đài Loan (Trung Quốc) lao dốc hơn 4% sau khi Mỹ áp quy định mới với nhà sản xuất chip TSMC.

Đà giảm của chứng khoán châu Á nối tiếp phiên nhuốm sắc đỏ trên Phố Wall đêm qua (10/10). Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Nasdaq Composite rớt 1,04%, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 7/2020, chịu áp lực bởi đà sụt giảm của các cổ phiếu sản xuất chất bán dẫn như Nvidia và AMD.

Chỉ số S&P 500 cũng mất 0,75%, bị kéo giảm bởi nhóm cổ phiếu chất bán dẫn và các cổ phiếu công nghệ lớn như Microsoft. Trong khi, chỉ số Dow Jones lùi 93,91 điểm (tương đương 0,32%).

Mốc 1.000 điểm của VN-Index được coi là ngưỡng hỗ trợ cứng. Thị trường cũng đang trở về mức định giá rẻ đủ để hấp dẫn dòng tiền giải ngân đầu tư dài hạn. Nếu những phiên tới, VN-Index trụ vững được tại mốc này thì có thể tạo nền tích luỹ để hồi phục.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.