ADB: Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023, Việt Nam cần 3 đột phá chiến lược

KINH TẾ Việt nAM
13:14 - 04/04/2023
ADB: Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023, Việt Nam cần 3 đột phá chiến lược
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo lạc quan về tăng trưởng Việt Nam có thể đạt mức 6,5% trong năm 2023. Song để đạt được con số này, theo ADB, Việt Nam cần tận dụng tốt 3 đột phá chiến lược, trong đó có đầu tư công.

Tại họp báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về Dự báo Tình hình Phát triển Kinh tế Việt Nam ngày 4/4, các chuyên gia nhận định, sau kết quả ấn tượng trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo sẽ giảm nhẹ xuống mức 6,5% trong năm nay và tăng lên 6,8% trong năm 2024.

Đánh giá bối cảnh kinh tế Việt Nam, theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, tăng trưởng trong năm 2023 sẽ bị hạn chế do dự báo suy thoái toàn cầu sâu sắc hơn, xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở các đối tác thương mại lớn và sự leo thang trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Trong nước, nhu cầu thế giới giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất chế biến chế tạo khi chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,2% trong ba tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất chế biến chế tạo sau khi tăng lên 51,2 điểm vào tháng 2/2023 tiếp tục rơi xuống mức dưới 50 điểm vào tháng 3/2022 (47,7 điểm) khi sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm.

Công nghiệp được dự báo sẽ tăng chậm, ở mức 7,5% vào năm 2023, đóng góp 2,7 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Mặc dù, lĩnh vực xây dựng có thể tăng tốt nếu các dự án cơ sở hạ tầng lớn được thực hiện vào năm 2023 theo kế hoạch. Dịch vụ dự kiến tăng 8,0% trong năm 2023 nhờ du lịch và các dịch vụ liên quan được phục hồi.

Xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2023 giảm 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 14,7%. Cả nhập khẩu và xuất khẩu được dự báo sẽ giảm xuống 7,0% trong năm nay và năm tới. Tăng trưởng thương mại chậm lại có thể tạo ra thâm hụt tài khoản vãng lai tương đương 1,0% GDP trong năm nay, trước khi đạt mức thặng dư trở lại vào năm 2024.

Đại dịch kéo dài làm bộc lộ những vấn đề mang tính cơ cấu, và cũng là những thách thức chính với nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, thị trường vốn đang chịu áp lực. Mặc dù sự bất ổn của thị trường vẫn chưa gây ra những rủi ro hệ thống do khả năng chống chịu của các ngân hàng vẫn tốt, song rủi ro ngày càng hiện hữu.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam

3 đột phá tăng trưởng

Từ những phân tích trên, tại họp báo, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam đánh giá, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% không phải dễ dàng và Việt Nam cần tận dụng tốt 3 đột phá chiến lược.

Thứ nhất, theo chuyên gia ADB, đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Dự kiến một lượng đáng kể vốn đầu tư công sẽ được giải ngân trong năm 2023. Chính phủ cam kết giải ngân 30 tỷ USD trong năm nay, trong đó 90% đã được phân bổ cho các bộ ngành và tỉnh để giải ngân từ tháng 1/2023. Với việc một lượng vốn lớn được bơm ra thị trường kỳ vọng sẽ giúp kích thích lưu thông, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, góp 1% vào mức tăng trưởng GDP.

Thứ hai là việc chuyển hướng chính sách của Việt Nam, từ thắt chặt kiểm soát lạm phát sang hỗ trợ tăng trưởng. Theo ông Cường, chính sách giảm lãi suất điều hành bất ngờ khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ. "Đây là quyết định rất kịp thời và đúng đắn", chuyên gia ADB khẳng định.

Cở sở cho việc chuyển hướng chính sách trên được ông Cường nhìn nhận, thị trường vốn căng thẳng đã khiến tín dụng cho bất động sản bị thắt chặt và ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Đồng thời, áp lực duy trì tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam gia tăng khi nền kinh tế toàn cầu bị đình trệ.

Trong khi đó, lạm phát Việt Nam đang nằm trong tầm kiểm soát khi tình trạng bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng gần đây ở Mỹ được đánh giá là lý do khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm bớt chính sách thắt chặt tiền tệ, qua đó tác động chi phí đẩy (PV- đến từ giá cả hàng hóa và tỷ giá) từ bên ngoài đối với lạm phát Việt Nam càng không phải vấn đề đáng lo ngại, tạo dư địa cho việc chuyển hướng chính sách sang nới lỏng, hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam.

Cuối cùng, theo chuyên gia ADB là sự mở cửa của Trung Quốc. Hầu hết các lĩnh vực chủ chốt của Trung Quốc từ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đều tăng trưởng mạnh. Điều này hỗ trợ phục hồi của Việt Nam rất tốt.

Mặt khác, ngày 12/3/2023, danh sách các quốc gia có thể tiếp nhận khách du lịch Trung Quốc ra nước ngoài đã cho phép nối lại các tour du lịch từ Trung Quốc đến Việt Nam từ ngày 15/3. Trung Quốc vốn là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam, do đó Việt Nam sẽ được hưởng lợi đáng kể từ sự thay đổi này.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp. Trung Quốc có thể tạo ra nhu cầu đáng kể đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, vì quốc gia này tiếp nhận 45% lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 3,2% vào năm 2023.

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.