Bài toán rủi ro và cơ hội cho các công ty Trung Quốc kinh doanh tại Nga

KINH TẾ Nga - Trung Quốc
13:16 - 20/02/2023
Nhiều công ty Trung Quốc muốn thế chỗ các công ty phương Tây đã rời thị trường Nga kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt nổ ra. Ảnh: AP
Nhiều công ty Trung Quốc muốn thế chỗ các công ty phương Tây đã rời thị trường Nga kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt nổ ra. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Một năm kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, giao thương giữa nước này và Trung Quốc đã có nhiều sự thay đổi về cả quy mô lẫn chuỗi cung ứng, trong bối cảnh các công ty đại lục cố gắng cân bằng giữa cơ hội và rủi ro.

Một năm sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các vòng trừng phạt toàn diện đã khiến nhiều công ty phương Tây rời khỏi thị trường này, để lại một khoảng trống lớn trên thị trường. Nhiều công ty Trung Quốc do đó đang nhận thấy cơ hội kinh doanh lớn tại Nga và thế chỗ các đối thủ phương Tây.

Trên thực tế, dữ liệu từ Cục Hải quan Liên bang Nga cho thấy thương mại giữa Trung Quốc với Nga chứng kiến sự tăng trưởng lớn nhất trong số 5 đối tác thương mại hàng đầu của nước này năm 2022 là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Đức và Belarus. Xét về tổng thể, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa 2 nước tăng 29,3% lên 190,3 tỷ USD trong năm 2022 từ con số 147 tỷ USD của năm 2021 và 108 tỷ USD của năm 2018. Đặc biệt, thương mại năng lượng là hòn đá tảng cho thương mại song phương khi Nga là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất và là nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai cho Trung Quốc.

Theo SCMP trích dẫn nhận định của ông Gong Jiong, giáo sư kinh tế tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế ở Bắc Kinh, mục tiêu tăng gấp đôi thương mại lên ngưỡng 200 tỷ USD giữa Nga và Trung Quốc rất có thể sẽ hoàn thành trong năm 2023 nếu chiến sự vẫn tiếp diễn.

Ngoài ra, giáo sư Gong Jiong dự đoán các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ quan tâm hơn tới việc thu hút các dự án vốn có sự tham gia của các công ty phương Tây cũng như gia tăng số lượng các khoản đầu tư trực tiếp giữa 2 nước. Trong 20 năm qua, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Nga đã vượt mức 50 tỷ USD trong các dự án như Arctic LNG-2 và Dongfang Oil hay nhiều đợt IPO trên Sở giao dịch chứng khoán St. Petersburg, theo Sputnik News.

Cũng nhận định về triển vọng thương mại năm 2023 giữa Nga và Trung Quốc, bà Anna Kireeva, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moscow, cho biết việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trong năm nay sẽ thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu của Nga sang nước này.

Các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như hàng tiêu dùng, thiết bị điện tử, ô tô và phụ tùng ô tô, thiết bị và máy móc cũng được dự kiến sẽ tăng mạnh. Ngành ô tô sẽ là ngành hưởng lợi lớn do thị trường 150 triệu dân của Nga đang có nhiều nhu cầu không được đáp ứng vì các lệnh cấm vận. Trên thực tế, thị phần của các thương hiệu Trung Quốc trong lĩnh vực ô tô tại Nga đã tăng lên 30% vào tháng 11/2022 từ mức 10% của đầu năm 2022 theo tờ Economic Daily của Trung Quốc.

Lĩnh vực thương mại điện tử cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh khi nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thể hiện sự sẵn sàng mở rộng kinh doanh ở Nga. Theo ông Yan Lin, giám đốc bán hàng cấp cao của một công ty Thâm Quyến, nhiều công ty Trung Quốc đang nghiên cứu thị trường Nga cũng như văn hóa và các yếu tố khác để quảng bá sản phẩm Trung Quốc.

Ozon, nền tảng thương mại điện tử thay thế cho Amazon tại Nga, đã mở văn phòng Trung Quốc đầu tiên của mình tại trung tâm công nghệ Thâm Quyến phía nam của đất nước. Trước mắt, mục tiêu của công ty là thu hút 100.000 người bán hàng Trung Quốc đăng ký vào năm 2024 trong bối cảnh nhu cầu đối với các sản phẩm Trung Quốc ngày càng tăng và các biện pháp trừng phạt của phương Tây hạn chế cơ hội phát triển ở những nơi khác.

Một chiếc xe tải vận chuyển một container của China Shipping Group tại một cảng thương mại ở thị trấn Baltiysk, Kaliningrad, Nga. Ảnh: Reuters

Một chiếc xe tải vận chuyển một container của China Shipping Group tại một cảng thương mại ở thị trấn Baltiysk, Kaliningrad, Nga. Ảnh: Reuters

Một trong các lĩnh vực chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể giữa Trung Quốc và Nga trong bối cảnh Moscow hướng tới các quốc gia thân thiện chính là lĩnh vực thiết bị y tế. Dữ liệu chính thức của chính phủ Trung Quốc cho thấy trong năm 2022, kim ngạch nhập khẩu các dụng cụ và thiết bị y tế Trung Quốc của Nga tăng 50,2% so với cùng kỳ năm 2021 lên ngưỡng 404,39 triệu USD.

Dù vậy, các công ty Trung Quốc hiện vẫn chưa thể cạnh tranh để giành thị phần phân khúc thiết bị y tế cao cấp của Nga do phân khúc này vẫn đang được thống trị bởi các công ty phương Tây.

Công ty xuất khẩu vải ở tỉnh Chiết Giang của ông Steve Xie cũng là một trong các nhà sản xuất được lợi trong bối cảnh chiến sự. Ông cho biết việc thanh toán của các khách hàng Nga vốn gặp khó khăn trong những ngày đầu chiến sự, nhưng tới hiện tại, mọi chuyện đã trở về bình thường. Ông cho biết việc thanh toán hiện tại thậm chí còn nhanh và tiện hơn khi sử dụng đồng NDT và các khách hàng cũng có nhu cầu các mặt hàng khác như trái cây, rau và thịt hộp.

Tuy nhiên, việc thế chỗ các doanh nghiệp phương Tây tại thị trường Nga không phải là một điều dễ dàng do các công ty Trung Quốc còn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các quốc gia khác.

Ông Rick Wang là giám đốc bán hàng một công ty sản xuất áo khoác lông vũ tại tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc. Biết rằng thời tiết ở Nga luôn rất lạnh, ông đã có một chuyến thăm các khách hàng Nga sau kỳ nghỉ Tết âm lịch với hy vọng có thể tìm kiếm thêm các đơn hàng.

Tuy nhiên chuyến đi đầu tháng 2 này của ông đã không mang lại kết quả mong đợi. Nguyên nhân là do ông đã gặp mặt 5 khách hàng hiện tại của công ty và thêm 2 khách hàng tiềm năng nữa nhưng không ai đặt thêm các đơn hàng mới. Thay vào đó, ông cho biết nhiều công ty Nga lại tăng cường tìm kiếm nguồn hàng từ các công ty Việt Nam.

Ông cho biết các công ty Việt Nam đã thành công lấy được các đơn hàng lớn nên công ty ông chỉ có thể nhận được các đơn hàng nhỏ hơn. Các sản phẩm của Việt Nam đã trở nên cạnh tranh do thuế quan và chi phí lao động thấp hơn so với Trung Quốc trong khi các khách hàng Nga cũng đang tìm kiếm các sản phẩm rẻ hơn do triển vọng kinh tế ảm đạm và sự thu hẹp của tầng lớp trung lưu tại quốc gia này.

Ngoài ra, các rủi ro trừng phạt thứ cấp khi kinh doanh tại thị trường Nga cũng là một mối lo đối với các công ty Trung Quốc, đặc biệt là các công ty lớn. Theo bà Kireeva, các công ty lớn của Trung Quốc thường có mối liên hệ quá chặt chẽ với các thị trường phương Tây và trong nhiều trường hợp vẫn còn quá phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ.

Ngược lại, các công ty nhỏ và ít phụ thuộc hơn có xu hướng chấp nhận rủi ro, tuy nhiên đây không phải là một yếu tố chắc chắn. Đối với các công ty này, sự gia tăng thương mại với Nga có thể sẽ không bù đắp được sự sụt giảm ở phần còn lại của thị trường toàn cầu trong bối cảnh triển vọng thương mại yếu kém và những phức tạp về địa chính trị.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.