Bản đồ doanh nghiệp 'như cám như cát' thì khó có ngành gỗ vững mạnh

Ngành gỗ Việt nAM
12:55 - 26/03/2022
Bản đồ doanh nghiệp 'như cám như cát' thì khó có ngành gỗ vững mạnh
0:00 / 0:00
0:00
Ngành gỗ đang có kết quả tăng trưởng tốt nhưng để đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2030, ngành cần xác định giải pháp chiến lược là tạo liên kết chuỗi để tránh sự rời rạc giữa các doanh nghiệp đang "như cám như cát", theo lời chuyên gia Trần Đình Thiên.

Ngành chế biến gỗ và sản xuất nội thất Việt Nam trong những năm gần đây có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu luôn ở mức 2 con số, giúp gỗ đứng trong top 10 ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nhưng trăn trở của các doanh nghiệp trong ngành gỗ là liệu đà tăng trưởng này có tiếp tục được duy trì giữa những thách thức bủa vây và nhiều bất cập trong chuỗi sản xuất.

Chuỗi liên kết trong ngành gỗ còn lỏng lẻo

Báo cáo “Ngành gỗ Việt Nam: Các vấn đề chiến lược và định hướng giải pháp phát triển đến năm 2030” được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) công bố tại hội thảo bàn giải pháp chiến lược ngành gỗ ngày 25/3 cho thấy, Việt Nam hiện nay đứng thứ 7 trên thế giới về sản xuất sản phẩm gỗ và đồ nội thất. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 5 thế giới, với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc.

Đồ nội thất gỗ và các bộ phận là mặt hàng đóng góp lớn nhất, chiếm tỷ trọng khoảng 50% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành với tốc độ tăng trưởng kép bình quân (CAGR) 11,6%/năm.

So sánh doanh thu theo chủ sở hữu giữa doanh nghiệp trong nước và FDI. Nguồn: trích dẫn từ báo cáo của Ban IV.

So sánh doanh thu theo chủ sở hữu giữa doanh nghiệp trong nước và FDI.

Nguồn: trích dẫn từ báo cáo của Ban IV.

Nhận diện xu thế phát triển trong giai đoạn 2010 – 2020, Ban IV chỉ ra rằng số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam quy mô vừa có tốc độ tăng nhanh hơn doanh nghiệp FDI, trong khi doanh nghiệp FDI quy mô lớn có tốc độ tăng số lượng nhanh hơn.

Số doanh nghiệp FDI sản xuất nội thất chiếm xấp xỉ 50% doanh nghiệp lớn sản xuất nội thất cả nước. Trong số các doanh nghiệp FDI, số lượng doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) là lớn nhất, thứ hai là Trung Quốc (tính cả Hong Kong), thứ ba là Nhật Bản.

Liên kết doanh nghiệp, chuỗi liên kết trong ngành gỗ Việt Nam hiện nay còn yếu và lỏng lẻo. Ban IV đã khảo sát 311 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, chỉ 10,5% doanh nghiệp có ký hợp đồng dài hạn (từ 36 tháng trở lên) với các nhà cung cấp nguyên liệu trong nước, hơn 7% doanh nghiệp có ký hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp nguyên liệu nước ngoài. Trong đó hầu như không có hợp đồng dài hạn liên kết với các doanh nghiệp thương mại hoặc khách hàng.

Phân bổ doanh nghiệp chế biến gỗ và sản phẩm gỗ trong tổng số 5659 doanh nghiệp. Nguồn: trích dẫn từ báo cáo của Ban IV.

Phân bổ doanh nghiệp chế biến gỗ và sản phẩm gỗ trong tổng số 5659 doanh nghiệp.

Nguồn: trích dẫn từ báo cáo của Ban IV.

Tán thành với những nội dung của báo cáo, ông Nguyễn Văn Diện, Vụ Phát triển sản xuất, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, ngành công nghiệp chế biến gỗ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, để tiếp tục đạt được những mục tiêu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, ngành gỗ cần tìm cách giải quyết những thách thức còn tồn tại.

Một loạt những vấn đề của ngành gỗ được ông Diện chỉ ra: phân bố doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ không đồng đều, chủ yếu tập trung ở miền Đông Nam Bộ; lao động trình độ cao chỉ chiếm 55%; chất lượng gỗ rừng trồng có những hạn chế; việc xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ chưa được chú trọng; sự hợp tác giữa các doanh nghiệp còn chưa cao làm giảm khả năng cạnh tranh; gian lận thương mại, làm giả nguồn gốc xuất xứ; các dòng thuế được cắt giảm trở thành yếu tố cạnh tranh; các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ… ngày càng kiểm soát chặt chẽ.

Theo ông Diện, đây chính là những vấn đề mà ngành gỗ cần liên kết lại cùng giải quyết trong bối cảnh hậu COVID-19 nhiều khó khăn và căng thẳng Nga – Ukraine phức tạp.

Giải pháp căn cơ của ngành gỗ là liên kết doanh nghiệp

Là người trực tiếp thực hiện báo cáo, ông Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng, đối diện với những khó khăn, thách thức ngành gỗ cần phải có những năng lực mới. Đặc biệt là năng lực liên kết khi thực trạng ngành gỗ mới chỉ có cao nhất 5% các doanh nghiệp bắt tay với nhau, chưa có sự ràng buộc cùng chiến đấu.

Ảnh tác giả

“Ngành gỗ cần xây dựng được nhiều chuỗi, nhiều đoạn chuỗi với một tập đoàn/doanh nghiệp lớn đứng đầu tạo sức kéo cả chuỗi đi lên. Giao số vốn đầu tư cho một ông lớn nhất chịu trách nhiệm nhận vốn và hỗ trợ cả chuỗi phát triển. Một bản đồ doanh nghiệp như cám như cát thì khó mà hình thành ngành gỗ vững mạnh”.

Ông Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Theo ông Thiên, ngành gỗ cũng nên bàn lại cách chơi mới khi xem xét tương quan giữa doanh nghiệp trong nước và FDI. “Các doanh nghiệp FDI hiện nay đang tập trung vào đồ nội thất, giá trị lớn. Còn các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là sản phẩm giá trị thấp hơn. Vậy trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt nên làm thế nào để đảo lại sân chơi”, ông Thiên đặt câu hỏi.

Để làm được điều này, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng phải đẩy cho khu vực doanh nghiệp Việt Nam lên cao hơn nữa, không phải kéo doanh nghiệp FDI xuống mà song song phát triển cùng tiến lên, nâng cả những doanh nghiệp nhỏ cùng đi lên.

Đồng tình với ý kiến của ông Thiên, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cũng khẳng định, việc xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp là rất cần thiết với một mô hình hoàn chỉnh: doanh nghiệp đầu chuỗi là trồng – doanh nghiệp cuối chuỗi là chế biến – doanh nghiệp giữa chuỗi là nguyên liệu, phụ trợ.

Ảnh tác giả

“Xây dựng thương hiệu cần xét đến nhiều góc độ, tầm vóc, năng lực, sản lượng, chất lượng, số lượng đơn hàng. Như vậy phải hình thành các khu cụm công nghiệp, khi xét quy mô phải xét vấn đề xây dựng khu cụm công nghiệp. Đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ xây dựng 5 khu cụm công nghiệp cho ngành gỗ”.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam

Ông Lập cũng cho biết thêm, ngành gỗ sẽ thu về một mối bằng việc thành lập hội chợ thường niên của cả ngành tại Bình Định.

Khơi thông chính sách để vùng nguyên liệu được phát triển

“Chúng ta đang rất thất vọng về chính sách đến kỹ thuật trồng, quy mô, cây giống vùng gỗ nguyên liệu chưa được như mong đợi. Phân bổ nguyên liệu mất cân đối và hiệu quả thấp, vấn đề đầu tư trồng rừng, chuyển nhượng đất rừng cần có bước đột phá hơn nữa”, là trăn trở của Chủ tịch VIFOREST Đỗ Xuân Lập.

Là một doanh nghiệp đã trồng rừng ở Quảng Ninh, Cà Mau, Quảng Ngãi, Đại diện Tập đoàn Hào Hưng cho biết đất lâm nghiệp còn rất nhiều, nhưng cơ chế chính sách lại vướng mắc. Nhất là đất của các doanh nghiệp lâm nghiệp nhà nước tuy nhiều nhưng không sử dụng hết hiệu quả. Do vậy, Hào Hưng kiến nghị Ban IV đề xuất với Chính phủ đưa các vùng đất này ra để xây dựng vùng nguyên liệu.

Đưa ra góc nhìn về vấn đề này, chuyên gia Trần Đình Thiên cho rằng, vấn đề then chốt của ngành gỗ lâu dài vẫn là nguyên liệu đầu vào. Việc xây dựng vùng nguyên liệu hiện nay phụ thuộc nhiều vào Luật đất đai, vào quy hoạch của từng tỉnh. “Đây là lúc ngành gỗ cần gì phải có tiếng nói kiến nghị chứ đừng nói thầm với nhau không có ý nghĩa gì", ông Thiên nêu quan điểm.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, không được có tư tưởng xin tiền Chính phủ, mà chỉ xin những cơ chế, chủ trương, chính sách được rộng cửa, tạo điều kiện hết sức có thể. Ngành gỗ cần xác định tư tưởng này để tiếp cận và hiểu rõ hàm ý về chính sách.

Gợi ý cho ngành gỗ

Việc đầu tiên là khoán sản phẩm, chia đất cho dân. Thứ hai là phân việc cho tư nhân vào cuộc. Tập trung vào 2 điều này giải bài toán cho cả ngành, ngành gỗ có ‘kêu khóc’ gì cũng chỉ nên tập trung vào 2 cái đó thôi là sẽ giải quyết được bài toán vùng nguyên liệu. Ngành gỗ cần khẳng định tầm vóc vai trò của ngành đang lớn lên và thay đổi cấu trúc rất tốt, sử dụng tốt nguồn lực để từ đó nêu ra giả thiết nếu Chính phủ có chính sách tốt hơn, có vốn đầu tư nhiều hơn ngành gỗ sẽ thăng hoa.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên

Tin liên quan

Đọc tiếp