Bán lẻ hạ nhiệt khiến lợi nhuận Thế giới Di động, FPT Retail giảm tốc

MWG FPT Retail
09:02 - 01/08/2022
Thế giới Di động ghi nhận lợi nhuận đi lùi trong quý 2/2022.
Thế giới Di động ghi nhận lợi nhuận đi lùi trong quý 2/2022.
0:00 / 0:00
0:00
Lạm phát sẽ làm ảnh hưởng đến sức mua, buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu đối với các mặt hàng không thiết yếu. Đây chính là một thách thức với các doanh nghiệp bán lẻ như Thế giới Di động, FPT Retail, Digiworld…

CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 với doanh thu đạt 6.213 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 59 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên tốc độ tăng đã giảm so với 2 quý trước. Trong quý 1/2022, doanh thu của FRT tăng trưởng 67% và lợi nhuận trước thuế gấp 5,3 lần so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp cho rằng kết quả quý 2 là nỗ lực lớn của toàn công ty trong bối cảnh thị trường bán lẻ đi vào vùng trũng khi nhu cầu mua sắm giảm sau dịp lễ tết.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của FRT đạt 13.999 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 52% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 263 tỷ đồng, gấp 3,5 lần và thực hiện 37% kế hoạch năm.

Trong cơ cấu doanh thu, chuỗi Long Châu trở thành điểm sáng khi đạt 4.008 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Còn ngành hàng laptop cũng tăng trưởng 35%, ghi nhận doanh thu 2.278 tỷ đồng. Kết thúc nửa đầu năm, chuỗi FPT Shop đạt 728 cửa hàng, tăng thêm 81 cửa hàng so với đầu năm 2022. Tại 30/6, Long Châu sở hữu 678 nhà thuốc trên cả nước, mở mới 278 nhà thuốc so với đầu năm.

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) thì ghi nhận lợi nhuận đi lùi trong quý 2/2022. Cụ thể, doanh thu trong quý đạt 34.337 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.131 tỷ đồng; lần lượt tăng 8% và giảm 6,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận giảm là do chi phí thuế tăng hơn 30%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Thế Giới Di Động đạt doanh thu 70.804 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.576 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 13% và 1% so với nửa đầu năm 2021. Trong cơ cấu doanh thu, hai chuỗi điện thoại điện máy chiếm 80,5%, gồm 19.000 tỷ của chuỗi Thế Giới Di Động và 38.000 tỷ của chuỗi Điện Máy Xanh. Chuỗi Bách Hóa Xanh đem về 12.800 tỷ đồng, tỷ trọng 18,1%. Còn lại là các mảng kinh doanh khác.

Theo MWG, quá trình tái cơ cấu toàn diện Bách Hoá Xanh bắt đầu từ tháng 4/2022 đang cho thấy tín hiệu tích cực khi tổng doanh thu của chuỗi không giảm sau khi đã đóng 251 cửa hàng trong tháng 5 và 6. Công ty dự kiến đạt mục tiêu doanh thu bình quân 1,3 tỷ đồng/cửa hàng sớm hơn kỳ vọng, ngay trong quý 3 năm nay. Tính đến tháng 7, doanh nghiệp cơ bản hoàn tất thay layout (sắp xếp) mới cho toàn bộ cửa hàng hiện hữu, doanh thu bình quân đạt 1,2 tỷ đồng/cửa hàng.

Một doanh nghiệp bán lẻ mảng ICT & CE (công nghệ thông tin và điện tử gia dụng) chiếm thị phần lớn khác là CTCP Thế Giới Số (Digiworld, mã DGW) cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng giảm nhiệt. Cụ thể, trong quý 2/2022, doanh thu thuần của công ty đạt 4.910 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 137 tỷ đồng, tăng 18%. Tuy nhiên, đây là mức doanh thu và lợi nhuận thấp nhất trong 3 quý gần đây.

Trong cơ cấu doanh thu của DGW, mảng máy tính xách tay và máy tính bảng đóng góp 1.130 tỷ đồng, giảm 15% do quý 2 là quý thấp điểm của thị trường laptop cùng với sự suy giảm nhu cầu của người tiêu dùng. Nhu cầu điện thoại di động cũng giảm nhưng doanh thu mảng này vẫn tăng 26%, đạt 2.703 tỷ đồng, nhờ gia tăng thị phần của Xiaomi và đóng góp của dòng iPhone.

Bên cạnh đó, doanh thu của Digiworld còn được đóng góp từ thiết bị văn phòng với các sản phẩm IOT đến từ thương hiệu Xiaomi, Huawei và Apple, sản phẩm thiết bị gia dụng từ Whirlpool, Tivi Xiaomi. Và mảng hàng tiêu dùng với các sảm phẩm như nước giặt, nước xả, kem đánh răng, nước rửa chén, dược… Hai mảng này ghi nhận tăng trưởng 48% và 18% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, DGW mang về 11.919 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 29%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 348 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, công ty thực hiện được 45% chỉ tiêu doanh thu và 43% chỉ tiêu lợi nhuận.

Khó khăn đã phản ánh vào giá cổ phiếu

Như vậy có thể thấy, mặc dù vẫn giữ được tăng trưởng dương so với cùng kỳ nhưng tốc độ tăng của các công ty bán lẻ trên đang cho thấy sự giảm nhiệt. Theo đánh giá của Trung tâm phân tích chứng khoán SSI (SSI Research), lạm phát chính là yếu tố ảnh hưởng lớn đến ngành bán lẻ, khiến tăng trưởng của các doanh nghiệp trong ngành này có thể không cao như kỳ vọng trước đây.

SSI cho rằng, tăng trưởng doanh thu 6 tháng cuối năm 2022 của mảng ICT& CE sẽ lớn hơn mức tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm, do nền cơ sở thấp trong nửa cuối năm 2021. Đối với các công ty có tỷ trọng doanh thu máy tính xách tay trong tổng doanh thu cao (như FRT và DGW), tăng trưởng doanh thu có thể ở mức thấp một con số do nền cơ sở cao trong 6 tháng cuối năm 2021. Ảnh hưởng của vấn đề thiếu chip đã giảm bớt do nhu cầu tăng trưởng chậm hơn.

Sang năm 2023, tăng trưởng doanh thu sẽ thấp hơn so với mức tăng trưởng trước dịch Covid, do tỷ lệ sở hữu điện thoại di động và thiết bị gia dụng lớn hiện nay cao hơn trước đây. Đối với các thiết bị gia dụng nhỏ, nhu cầu vẫn có thể tăng trưởng do mức độ thâm nhập thị trường hiện nay của các sản phẩm này còn ở mức thấp.

Do đó, SSI dự báo doanh thu đi ngang đối với mảng ICT và tăng trưởng ở mức một con số đối với mảng CE. Diễn biến ngành sẽ tiếp tục theo mô hình chữ K. Các công ty lớn sẽ giành được nhiều thị phần hơn nhờ khả năng thương lượng mạnh mẽ với các nhà cung cấp, cho phép họ giảm thiểu tác động của giá vốn tăng cao và từ đó đưa ra được nhiều chiết khấu hơn để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh áp lực lạm phát.

Về các doanh nghiệp bán lẻ đầu ngành, SSI cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của DGW và FRT đã đạt đỉnh vào quý 4 năm 2021. Còn MWG vẫn có thể tăng lợi nhuận nhờ tăng thị phần trong mảng ICT và CE, mặc dù tăng trưởng từ mảng này sẽ thấp. Tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 của MWG còn phụ thuộc vào thành công của hoạt động tái cơ cấu Bách Hóa Xanh được thực hiện trong quý 2 và quý 3 năm 2022. Nếu quá trình tái cấu trúc thành công, tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai có thể bắt kịp mức tăng trưởng trước đại dịch (mức tăng trưởng 30-40% trong giai đoạn 2017-2019).

Trong khi ngành bán lẻ được dự báo bị ảnh hưởng bởi lạm phát thì trên sàn chứng khoán, mối lo ngại này cũng đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. FRT giảm 36% từ đỉnh hồi tháng 4, về vùng 72.000 đồng; MWG giảm 24% về vùng 61.000 đồng; DGW giảm 33% về vùng 58.000 đồng. Trong bối cảnh lạm phát chưa có nhiều chuyển biến tích cực và kết quả kinh doanh chậm lại như trên, các cổ phiếu này chưa có động lực để phục hồi trong ngắn hạn.

SSI đánh giá, lạm phát và suy thoái sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mức chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu. Người thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, trong khi chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu của người thu nhập cao vẫn ổn định. Tuy nhiên, nếu tình trạng lạm phát và suy thoái kéo dài, chi tiêu của những người thu nhập cao cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh đó, tăng vốn sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp bán lẻ, vì số tiền thu được sẽ được sử dụng để tài trợ cho việc mở rộng trong tương lai hoặc để giảm tỷ lệ D/E (hệ số nợ/vốn chủ sở hữu) xuống mức an toàn hơn trong môi trường lãi suất tăng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.