Bất chấp rủi ro, Anh sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế Covid-19

COVID-19 ảnh
16:20 - 20/02/2022
Người đi bộ đeo khẩu trang tại phố Oxford, ở trung tâm London (Anh). Ảnh: CNN
Người đi bộ đeo khẩu trang tại phố Oxford, ở trung tâm London (Anh). Ảnh: CNN
0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ Anh hôm 19/2 tuyên bố rằng những người mắc Covid-19 sẽ không bị bắt buộc phải tự cách ly bắt đầu từ tuần tới. Động thái này là một phần của kế hoạch “sống chung với Covid -19 ”, cũng như xem xét khả năng thu hẹp của quy mô dịch bệnh hiện nay.

Thủ tướng Boris Johnson cho biết, việc chấm dứt tất cả các hạn chế phòng chống dịch bệnh sẽ cho phép công dân Anh “tự bảo vệ mình mà không bị hạn chế các quyền tự do”.

Tuy nhiên, các cố vấn khoa học của chính phủ cho biết đây là một động thái mạo hiểm, có thể làm gia tăng các ca mắc trở lại và làm suy yếu khả năng phòng thủ của đất nước trước các biến chủng nguy hiểm hơn trong tương lai.

Loại bỏ các hạn chế Covid-19 còn lại

Chính quyền ông Johnson đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế Covid-19 như loại bỏ hộ chiếu vaccine, không bắt buộc đeo khẩu trang tại mọi địa điểm công công, ngoại trừ các bệnh viện. Scotland, Wales và Bắc Ireland cũng đã mở cửa trở lại, mặc dù chậm hơn.

Sự kết hợp giữa tỷ lệ tiêm chủng cao ở Anh và biến chủng Omicron gây bệnh nhẹ hơn đồng nghĩa với việc nới lỏng các hạn chế sẽ không dẫn đến sự gia tăng số ca nhập viện và tử vong. Mặc dù ghi nhận mức giảm về các ca nặng và tử vong, Anh vẫn có số lượng ca mắc Covid-19 cao nhất châu Âu sau Nga, với hơn 160.000 ca tử vong được ghi nhận kể từ đầu đại dịch.

Thủ tướng Johnson tuyên bố sẽ xóa bỏ “tất cả các quy định về Covid-19 còn lại trong nước vì chúng hạn chế các quyền tự do công dân". Ảnh: Telegraph

Thủ tướng Johnson tuyên bố sẽ xóa bỏ “tất cả các quy định về Covid-19 còn lại trong nước vì chúng hạn chế các quyền tự do công dân". Ảnh: Telegraph

Ở Anh, 85% người từ 12 tuổi trở lên đã tiêm hai mũi vaccine cơ bản và gần 2/3 đã tiêm mũi tăng cường thứ ba.

Giờ đây, chính phủ Anh tuyên bố họ sẽ xóa bỏ “tất cả các quy định về Covid-19 còn lại trong nước vì chúng hạn chế các quyền tự do công dân”, như một phần của “chuyển từ sự can thiệp của chính phủ sang trách nhiệm cá nhân”.

Quy định cách ly bắt buộc ít nhất năm ngày sau khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sẽ được thay thế bằng các phương pháp tư vấn sức khỏe. Covid-19 sẽ được điều trị giống bệnh cúm hơn khi nó trở thành bệnh đặc hữu.

Kế hoạch mới dự kiến vẫn đề cao tiêm ​​vaccine và các phương pháp điều trị để ngăn chặn loại virus này. Chính phủ cho biết "các hệ thống giám sát và các biện pháp dự phòng sẽ được giữ lại" trong những trường hợp cần thiết.

“Covid-19 sẽ không đột nhiên biến mất và chúng ta cần học cách sống chung với loại virus này. Do vậy, chúng ta cần tiếp tục bảo vệ bản thân mà không hạn chế các quyền tự do”, Thủ tướng Boris Johnson, người dự kiến ​​sẽ công bố chi tiết về kế hoạch vào đầu tuần sau tại Quốc hội cho biết.

Ông nhận định: “Chúng tôi đã xây dựng các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ để chống lại loại virus này trong hai năm qua, thông qua việc triển khai vaccine, nghiên cứu và thử nghiệm các phương pháp điều trị mới để hiểu biết thật rõ về những gì mà Covid-19 có thể gây ra”.

Sự phản đối từ giới khoa học và y tế

Thông báo này sẽ làm hài lòng nhiều nhà lập pháp của Đảng Bảo thủ, những người cho rằng các hạn chế không hiệu quả đối với tình hình nước Anh. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng thế giới vẫn còn nhiều điều chưa biết về loại virus này và các biến chủng trong tương lai có thể nghiêm trọng hơn chủng Omicron hiện đang chiếm ưu thế.

Bên cạnh việc nêu lên các mối đe dọa về các biến chủng mới, các chuyên gia trong Nhóm khoa học lập mô hình đại dịch cúm của Chính phủ Anh (SPI-M-O) tuần trước chỉ trích, quan điểm virus Covid-19 đang trở nên yếu dần "là một quan niệm vô cùng sai lầm”. Họ nhận định, chủng Omicron gây triệu chứng bệnh nhẹ hơn là “một sự may mắn” và các biến chủng trong tương lai có thể nghiêm trọng hơn hoặc có khả năng né tránh các loại vaccine hiện hành.

Các biện pháp phòng dịch Covid-19 đã giúp làm giảm mức độ lây nhiễm tại Anh từ 20%-45%. Ảnh: Zac Goodwin/PA

Các biện pháp phòng dịch Covid-19 đã giúp làm giảm mức độ lây nhiễm tại Anh từ 20%-45%.

Ảnh: Zac Goodwin/PA

Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng: “Nếu có một sự thay đổi đột ngột về lệnh chấm dứt xét nghiệm và cách ly người mắc bệnh, có khả năng cao sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng các ca mắc trở lại. Mọi người không nên tỏ ra chủ quan”.

Trong tài liệu công bố ngày 18/2, nhóm khoa học này đã dẫn phân tích của Đại học Warwick chỉ ra rằng, các biện pháp phòng dịch Covid-19 (bao gồm xét nghiệm, tự cách ly, đeo khẩu trang, làm việc tại nhà và thay đổi hành vi của người dân) đã giúp làm giảm mức độ lây nhiễm từ 20%-45%.

Tuy nhiên, nếu các biện pháp này bị rút lại, tỷ lệ lây nhiễm có khả năng tăng lên từ 25%-80%. Chưa kể, các yếu tố khác như khả năng miễn dịch suy giảm và sự xuất hiện của các biến thể mới cũng sẽ góp phần đẩy nhanh lây lan dịch bệnh. Hiện biến thể BA.2, dòng phụ của biến thể Omicron, đang tăng mạnh ở Anh so với các biến thể khác.

Các cơ quan y tế Anh cũng đưa ra phản đối về việc chấm dứt cung cấp miễn phí các bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 tại nhà, giảm xét nghiệm PCR - phương pháp đã giúp phát hiện hàng triệu ca mắc và lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Họ khẳng định việc xét nghiệm hàng loạt đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm chậm sự lây lan của Covid-19.

Tiến sĩ Chaand Nagpaul, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Y tế Anh (BMA), cũng bày tỏ lo ngại về những thay đổi trong quy định xét nghiệm và cách ly. cũng phản đối việc tính phí xét nghiệm Covid-19 vì điều này sẽ khó xác định những người mắc bệnh và khiến ngành y tế khó ứng phó với các đợt bùng phát dịch mới.

Theo ông, chính phủ Anh chỉ nên nới lỏng từng bước các biện pháp hạn chế dựa trên các dữ liệu thực tế và tham vấn với các chuyên gia nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng và không gây áp lực cho Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) vốn đang quá tải.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng lo ngại việc chính phủ Anh có thể kết thúc cuộc Điều tra về Covid-19 do Văn phòng Thống kê Quốc gia thực hiện. Đây được coi là biện pháp quan trọng vì sẽ điều tra được người dân đang mắc Covid-19 nặng hay nhẹ, có triệu chứng hay không.

Matthew Taylor, Giám đốc điều hành của Dịch vụ y tế Quốc gia (NHS) cho biết: “Đây không phải là lúc để chấp nhận rủi ro. Chúng tôi cần hoạt động theo cách dựa trên bằng chứng về số ca mắc gia tăng”.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.