BIDV báo lãi 6.600 tỷ đồng quý 1/2023, tăng 58% so với cùng kỳ

BIDV NGÂN HÀNG
10:55 - 28/04/2023
BIDV báo lãi 6.600 tỷ đồng quý 1/2023, tăng 58% so với cùng kỳ
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo BIDV cho biết, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 1/2023 đạt trên 6.600 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4%.

Ngày 28/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng 10-15%

Năm 2023, BIDV trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng 10-15%, phù hợp với diễn biến thị trường, năng lực của BIDV và phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát không quá 1,4%. Dư nợ tín dụng tăng trưởng đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng do Ngân hàng Nhà nước giao. Huy động vốn phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng; bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Thông tin tại đại hội, lãnh đạo Ngân hàng BIDV cho biết, tính đến hết quý 1/2023, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt trên 6.600 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản đạt trên 2 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt trên 1,57 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 5%; huy động vốn đạt trên 1,65 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 2,3%; tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 kiểm soát dưới 1,4% theo định hướng.

Liên quan đến mục tiêu kinh doanh năm 2023, tại đại hội, giải trình thắc mắc của cổ đông về việc ngân hàng có quy mô dư nợ cao nhưng lợi nhuận lại thấp, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho biết, đối với BIDV nhiều năm trước có đặc thù trích lập dự phòng rủi ro lớn. Trong năm vừa rồi mức trích lập dự phòng rủi ro thấp xuống nên lợi nhuận năm ngoái là 23.000 tỷ. So với quy mô tổng tài sản là 2 triệu tỷ thì tương đương 1.000 đồng tài sản thì thu về 1 đồng lợi nhuận, tỷ lệ này là rất thấp. NIM các ngân hàng hiện nay đang thấp đi, BIDV cũng vậy.

"Nếu việc tái cơ cấu diễn ra thuận lợi, mức tăng trưởng lợi nhuận sẽ nhanh hơn như mức đạt trong năm ngoái là 70%. Năm nay chúng tôi đặt mục tiêu 10 -15% theo chỉ đạo và yêu cầu của Chính phủ", Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú khẳng định.

Chia sẻ về kế hoạch phát hành riêng lẻ tỷ lệ 9% đã được đề ra rất lâu, Chủ tịch Phan Đức Tú thông tin, trong năm 2022, đại hội đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ tỷ lệ 9%. Ngân hàng đã rất nỗ lực để thực hiện việc này, đã tiếp xúc tổng cộng 38 nhà đầu tư trong 3 năm qua nhưng có điều không thuận lợi là tình hình kinh tế các nước, sự thu hẹp của khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư tư đối với thị trường mới nổi, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước sẽ làm giảm sút việc mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

"Năm nay chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Hiện nay chúng tôi có một số nhà đầu tư tiềm năng. Ban lãnh đạo sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2023", ông Tú nhấn mạnh.

Tăng vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỷ trong năm 2023

Cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của BIDV đạt 104.189 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 50.585 tỷ. Tại đại hội, ngân hàng trình kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỷ trong năm 2023 .

Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tỷ lệ 12,69% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2022. Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận còn lại năm 2021 sau trích lập các quỹ. Thời gian thực hiện trong năm 2023. Theo đó, vốn điều lệ sẽ tăng thêm hơn 6.419 tỷ đồng.

Ngoài ra, BIDV cũng tiếp tục phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu theo theo Phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua (dự kiến 9% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022). Vốn điều lệ theo phương án này sẽ tăng thêm 4.552 tỷ đồng.

Năm 2022, lợi nhuận sau thuế của BIDV là 18.064 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ là 12.571 tỷ. Ngân hàng dự kiến dùng 11.634 tỷ đồng lợi nhuận để lại năm 2022 để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 23% so với vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022.

Bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027 .

Đại hội cũng trình đại hội thông qua việc bầu bổ sung Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027, thay thế cho bà Nguyễn Thị Thu Hương - Thành viên HĐQT (đại diện 30% vốn nhà nước tại BIDV) đã nghỉ hưu từ ngày 1/11/2022.

Ứng viên được đề cử là ông Đặng Văn Tuyên, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ thuộc NHNN. Ông Tuyên sinh năm 1973. Ông Tuyên sẽ đồng thời là người đại diện 30% vốn Nhà nước tại BIDV.

Từ tháng 4/1996 đến 8/2000, ông Tuyên từng đảm nhiệm các vị trí Chuyên viên, Thanh tra viên Thanh tra Ngân hàng Trung ương. Từ tháng 8/2000 đến 3/2016: lần lượt là Chuyên viên, Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng thuộc Vụ Tổ chức cán bộ NHNN; từ tháng 3/2016 đến 02/2020: là Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Từ tháng 2/2020 đến nay, ông Tuyên được bổ nhiệm vị trí Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.