Bộ Công Thương: Xúc tiến thương mại bằng những kế hoạch cụ thể

Thương Mại BỘ CÔNG THƯƠNG
17:21 - 30/08/2022
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại lần thứ 2 của Bộ Công Thương.
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại lần thứ 2 của Bộ Công Thương.
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 30/8, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8/2022, hơn 300 đại biểu thương vụ và các doanh nghiệp đã tham dự.

Sự kiện này nằm trong chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” được thực hiện định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Chia sẻ với Mekong ASEAN, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương Vũ Bá Phú cho biết, hội nghị nhằm mục đích giúp hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cập nhật kịp thời nhu cầu xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu của địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và ngược lại.

"Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại hàng tháng của Bộ là nơi kết nối Thương vụ và địa phương, ngành hàng, từ đó thúc đẩy xúc tiến thương mại của Việt Nam tại các thị trường nước ngoài. Đây là một trong những hành động cụ thể để phát huy vai trò ngày càng quan trọng của hệ thống cơ quan Thương vụ, đồng thời góp phần đáp ứng yêu nhu cầu về thông tin thị trường xuất khẩu", ông Phú cho biết.

Ông Phú cũng cho biết, 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt được kết quả lạc quan bất chấp tình hình kinh tế thế giới biến động. Ngay từ đầu năm, hoạt động xúc tiến thương mại đã được đẩy mạnh, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã dẫn nhiều đoàn ra các thị trường nước ngoài nhằm kết nối giao thương.

Về phía Cục Xúc tiến thương mại, Cục được giao nhiệm vụ giao thương, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp tại các hội chợ lớn. Ông Phú khẳng định, việc tham gia hội chợ là yếu tố cần thiết để tăng cường xuất khẩu, qua đó doanh nghiệp có thể tiếp cận các đối tác lớn tham gia chương trình. Đồng thời, thông qua hội chợ, doanh nghiệp có thể tiếp thị sản phẩm, đưa thương hiệu Việt ra ngoài biên giới quốc gia.

Trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021. Nhìn chung các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều có sự tăng trưởng lạc quan.

Đáng chú ý, Việt Nam có 30 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, dệt may đạt 26 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11 tỷ USD, tăng 6,2%; thủy sản đạt 7,5 tỷ USD, tăng 35,5%...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, tình hình xuất nhập khẩu các ngành hàng của Việt Nam còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU…đang phải đối mặt với rủi ro lạm phát nghiêm trọng.

Chia sẻ về tình hình xuất khẩu thời gian qua, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may cho biết, 8 tháng đầu năm ngành dệt may xuất siêu hơn 12 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021. Năm nay, dự kiến ngành sẽ đạt mục tiêu đề ra với 43 tỷ USD xuất khẩu.

Dù vậy, ông Cẩm nhận định, ngành dệt may trong các tháng cuối năm dự kiến sẽ gặp khó khăn do biến động thế giới.

Trung Quốc là một trong những quốc gia cung cấp nguyên liệu chính của ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên các chính sách về phòng chống Covid của nước này đã khiến nguồn cung bị tác động. Ngoài ra, lạm phát tăng cao tại một số thị trường lớn như Mỹ, Anh, EU… cũng làm cho kim ngạch xuất khẩu dệt may bị ảnh hưởng.

Trước những khó khăn này, phía hiệp hội đã đề nghị các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tăng cường thông tin về thị trường, nhu cầu tiêu dùng thị trường, các chính sách liên quan.

Đối với các địa phương cung cấp nguyên liệu cho Việt Nam như Trung Quốc, ông Cẩm đề xuất phía các Thương vụ có thể làm việc với nước bạn để có thể tạo ra con đường thuận lợi hơn cho việc nhập khẩu nguyên liệu.

Về phía hiệp hội Gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng phía Thương vụ cần tăng cường truyền thông về các sản phẩm của Việt Nam.

Trong khi đó, theo bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), vào tháng 9 tới đây, phía Vụ sẽ làm việc với đoàn phân phối của Pháp thực hiện 2 chương trình là Lễ Trung thu và "Cơm Việt Nam Rice”, một hoạt động đánh dấu lần đầu tiên thương hiệu gạo Việt Nam bước vào 2 hệ thống siêu thị lớn của Pháp.

Cũng trong tháng 9, Vụ Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ cũng dự kiến sẽ tổ chức một loạt hội thảo, kết nối các nhà phân phối EU với một số tỉnh phía Nam.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại đầu tiên của Bộ Công Thương

Trước đó, ngày 29/7/2022, lần đầu tiên hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường nước ngoài được tổ chức. Tại hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề ra các nhiệm vụ cơ bản để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại.

Trong đó, các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được giao nhiệm vụ chủ động nắm bắt, đánh giá chính sách của nước sở tại, nghiên cứu sâu thị trường. Qua đó đưa ra khuyến cáo giúp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp địa phương đưa ra chiến lược phát triển phù hợp.

Phía Vụ Chính sách thương mại đa biên và các Vụ Thị trường ngoài nước cần chú trọng nghiên cứu, phân tích chính sách, kịp thời đưa ra đề xuất, khuyến nghị các giải pháp tháo gỡ về rào cản kỹ thuật, phi thuế quan của hàng hóa xuất khẩu.

Về phía Cục Xúc tiến thương mại, Cục cần phối hợp với các Thương vụ cập nhật kịp thời thông tin, dự báo xu hướng thị trường. Đồng thời tổ chức công tác tư vấn xuất khẩu cho địa phương, ngành hàng.

Về phía các doanh nghiệp cần tuân thủ chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của Bộ, ngành trong tổ chức sản xuất, kinh doanh. Các hiệp hội ngành hàng cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất.

Tin liên quan

Đọc tiếp