Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: ‘Nông dân Việt Nam mới chỉ dừng ở khâu nuôi, trồng’

NÔNG NGHIỆP Nông dân
17:45 - 30/12/2023
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời câu hỏi của anh Y Pốt Niê. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời câu hỏi của anh Y Pốt Niê. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, ngành nông nghiệp Việt Nam có 4 khâu mấu chốt, tuy nhiên người nông dân mới chỉ thực hiện được khâu nuôi, trồng, tức là mới chỉ thực hiện được 25% trong bức tranh giá trị gia tăng của ngành.

Tại Hội nghị đối thoại nông dân Việt Nam năm 2023, Đại biểu Y Pốt Niê đến từ tỉnh Đăk Lăk đặt câu hỏi: Chính phủ sẽ có những chính sách gì để thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ nông dân thực hiện nhanh quá trình chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế trong nông nghiệp, từ nông nghiệp đơn giá trị sang nông nghiệp đa giá trị?

Bên cạnh đó, trong bối cảnh từ cuối năm 2024 Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu cà phê trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng, Thủ tướng, Chính phủ sẽ có những giải pháp gì để đáp ứng yêu cầu này, nhất là về vấn đề quy hoạch vùng trồng cà phê đảm bảo phát triển bền vững thời gian tới?

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, hầu hết các giải pháp để phát triển "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" đều đã được đề cập, nhấn mạnh trong Nghị quyết số 19-NQ/TW. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh giải pháp nâng cao năng lực của người nông dân. Nếu người nông dân không có năng lực, không cùng với nhau ngồi vào một bàn tròn kinh tế tập thể thì rất khó.

Diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam có 0,27 ha/người, trong khi đó Thái Lan là 0,56 ha/ đầu người, tức là sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chỉ bằng phân nửa họ. Nếu so với các nước ở châu Âu thì họ có tới 7 - 10 ha bình quân 1 hộ sản xuất. Mà quy mô càng nhỏ chi phí càng lớn.

“Chúng ta không thể nào cạnh tranh nếu không liên kết những mảnh đất nhỏ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Người đứng đầu Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ sẽ cùng với doanh nghiệp hỗ trợ người nông dân. Nếu nông dân liên kết được và hợp tác xã đủ mạnh thì cộng đồng doanh nghiệp luôn sẵn sàng tạo ra những vùng nguyên liệu, ví dụ như cà phê Tây Nguyên, doanh nghiệp sẽ đầu tư hỗ trợ thêm về máy móc cơ giới, kho dự trữ cà phê… Doanh nghiệp cũng là người đưa nông sản ra thị trường, trong khi đó Nhà nước đóng vai trò cầu nối và tạo ra những điều kiện phù hợp.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan: Trách nhiệm của Bộ NN&PTNT là sẽ thông tin đầy đủ với bà con, sẽ có tổ tư vấn của Bộ cùng các đơn vị chuyên môn của Bộ giúp đỡ, đồng hành cùng nông dân. Ảnh: VGP

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan: Trách nhiệm của Bộ NN&PTNT là sẽ thông tin đầy đủ với bà con, sẽ có tổ tư vấn của Bộ cùng các đơn vị chuyên môn của Bộ giúp đỡ, đồng hành cùng nông dân. Ảnh: VGP

Về quy định mới của châu Âu liên quan đến phá rừng, suy thoái rừng (Quy định không phá rừng của EU - EUDR), Bộ trưởng cho biết quy định này bắt đầu áp dụng từ 1/1/2025 với ba ngành hàng nông sản lớn của Việt Nam, trong đó có cà phê.

Để chuẩn bị tốt nhất cho việc thực thi quy định này, Bộ NN&PTNT đã cùng Hiệp hội cà phê ký chương trình hành động cụ thể, trợ giúp và đồng hành cùng nông dân hiểu để đáp ứng đúng quy định này. Dù vậy, vẫn cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế thích ứng với những điều kiện ngày càng khắt khe của châu Âu, không chỉ với cà phê mà với nhiều loại nông sản khác.

Trách nhiệm của Bộ NN&PTNT là sẽ thông tin đầy đủ với bà con, sẽ có tổ tư vấn của Bộ cùng các đơn vị chuyên môn của Bộ giúp đỡ, đồng hành cùng nông dân.

Về phía Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, hiện nay Việt Nam chuyển mạnh, chuyển ngay, chuyển sớm từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tối ưu hóa về mặt giá trị, chứ không tối ưu hóa về mặt sản lượng. Đạt giá trị cao nhất trên một diện tích sản xuất mới là mục tiêu cuối cùng. Để làm được điều đó, cần phải dựa trên công nghệ cao chứ không phải công nghệ cao là mục tiêu cuối cùng, công nghệ cao chỉ là công cụ phương tiện.

“Cái quan trọng nhất là chúng ta sản xuất bán được ở đâu và cuối cùng người nông dân thu nhập được bao nhiêu trên đơn vị diện tích đấy”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Theo Bộ trưởng, ngành nông nghiệp đang định hướng rất đúng và trúng, nhưng phải mạnh mẽ hơn. Trong nông nghiệp hiện nay có 4 vấn đề mấu chốt: giống; phân bón, thuốc trừ sâu; nuôi trồng; thu mua, chế biến, bảo quản, bán ra thị trường.

Mỗi một một khâu giả sử giá trị gia tăng chiếm 25%, nhưng hiện nay người nông dân mới làm được đúng khâu thứ 3 là nuôi, trồng; 3 khâu còn lại vẫn chưa làm được.

“Hiện nay, trong quy hoạch các vùng, chúng tôi yêu cầu mỗi vùng, mỗi khu vực nông sản của mình phải có 1 trung tâm giống. Hay phải hình thành các trung tâm chế biến, trung tâm đổi mới khoa học sáng tạo cho các khu vực. Các mặt hàng nông sản của chúng ta rất nhiều, rất tốt nhưng phải làm sao để sử dụng công nghệ cao, nâng cao được giá trị nông sản", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Với vai trò chủ thể của nông dân, nông nghiệp đã góp phần bảo đảm các cân đối lớn, giúp nước ta làm đủ ăn và có xuất khẩu. Đây là đóng góp của ngành nông nghiệp, của nông dân Việt Nam. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Với vai trò chủ thể của nông dân, nông nghiệp đã góp phần bảo đảm các cân đối lớn, giúp nước ta làm đủ ăn và có xuất khẩu. Đây là đóng góp của ngành nông nghiệp, của nông dân Việt Nam. Ảnh: VGP

Bổ sung thêm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, với vai trò chủ thể của nông dân, nông nghiệp đã góp phần bảo đảm các cân đối lớn, giúp nước ta làm đủ ăn và có xuất khẩu. Đây là đóng góp của ngành nông nghiệp, của nông dân Việt Nam

Hiện Việt Nam đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) với các luật như Luật Đất Đai, Luật Hợp tác xã… để phục vụ người dân nói chung, trong đó có người nông dân.

Việt Nam cũng triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới, chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) với tổng nguồn lực khoảng 800.000 tỷ đồng đến nay trong nhiệm kỳ này; đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông từ Bắc tới Nam, tương đối đồng đều trên các lĩnh vực; xây dựng hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu; đầu tư khắc phục các vùng lõm về điện và sóng viễn thông...

Việt Nam cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, trong đó có việc cắt giảm phát thải trong nông nghiệp, tiến hành sản xuất xanh, như triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, đây là chương trình rất lớn và có lẽ là duy nhất trên thế giới; từ đó đáp ứng yêu cầu của các đối tác nhập khẩu.

Tin liên quan

Đọc tiếp