Bùng nổ ngành công nghiệp xe điện tại ASEAN

KINH TẾ THẾ GIỚI
16:59 - 15/10/2021
Bùng nổ ngành công nghiệp xe điện tại ASEAN
0:00 / 0:00
0:00
Thái Lan, Indonesia và Brunei đang nỗ lực thiết lập những chính sách và ưu đãi nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xe điện trong nước và khu vực.

Những dòng xe điện, bao gồm cả ôtô điện tiết kiệm nhiên liệu hybrid, giúp giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường đang ngày càng thu hút khách hàng khu vực và trên thế giới. Theo dự đoán của Bloomberg Energy Finance, xe điện sẽ chiếm 54% số lượng ôtô mới được bán ra vào năm 2040 và chiếm 33% xe toàn cầu vào thời điểm đó. Một phần ba người tiêu dùng Đông Nam Á cũng sẵn sàng mua xe ôtô chạy điện theo một nghiên cứu của hãng Nissan, cho thấy triển vọng tươi sáng của ngành công nghiệp này.

Khách tham quan chiêm ngưỡng chiếc xe điện Twizy của nhà sản xuất ôtô Pháp Renault tại Triển lãm quốc tế Gaikindo Indonesia (GIIAS) hôm 15/7/2019. Ảnh: AFP

Khách tham quan chiêm ngưỡng chiếc xe điện Twizy của nhà sản xuất ôtô Pháp Renault tại Triển lãm quốc tế Gaikindo Indonesia (GIIAS) hôm 15/7/2019. Ảnh: AFP

Hiện doanh số bán xe điện đang tăng mạnh ở Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Châu Âu chủ yếu là do động lực từ những chính sách hỗ trợ từ chính phủ như miễn thuế trước bạ và các chính sách ưu tiên khác như bãi đậu xe ưu tiên, miễn phí đường bộ và quyền sử dụng làn đường xe buýt..., nhằm khuyến khích động lực sử dụng xe điện thay thế loại hình vận tải truyền thống.

Các chính sách hỗ trợ xe điện tương tự như vậy cũng đang được vận động áp dụng tại Đông Nam Á, nhằm giúp ngành kinh doanh xe "không khí thải "này bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ. Tại Thái Lan, các chuyên gia đang đề nghị chính phủ xem xét việc giá xe điện đang quá cao cùng với việc thiếu các trạm sạc pin đã cản trở khả năng phát triển của dòng xe này đối với người dùng trong nước.

Uỷ ban Đầu tư Thái Lan (BOI) đã đưa ra các đặc quyền đầu tư cho các hãng sản xuất xe điện từ năm 2017, nhưng hiện giá khởi điểm của dòng xe này vẫn giữ ở mức dao động từ 31.921 USD đến 63.842 USD mỗi xe, cao gần gấp đôi so với dòng xe truyền thống chạy bằng xăng. Mô hình trợ giá lên tới 7.500 USD cho mỗi sản phẩm xe điện được bán ra tại Mỹ đang được giới chức Thái Lan vận động áp dụng, hứa hẹn tăng thị phần của dòng xe thân thiện với môi trường này.

Chính phủ Thái Lan cũng đang thể hiện sự quan tâm hơn với thị trường xe điện đầy tiềm năng khi quyết định thành lập Uỷ ban Chính sách Xe điện Quốc gia (NEVPC) vào đầu năm 2021. Hồi tháng 3 vừa qua, cơ quan này đã phát đi thông báo rằng họ đang phát triển một lộ trình dành riêng cho dòng xe điện nhằm giúp ngành công nghiệp này có thể sản xuất tới 1,2 triệu chiếc trong 10 năm tới.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Thái Lan Suriya Jungrungreangkit cho biết, Bộ đang thực hiện theo lộ trình của NEVPC để đưa nước này trở thành trung tâm sản xuất xe điện lớn trong vòng 5 năm tới. Trong giai đoạn đầu của kế hoạch, Thái Lan đặt mục tiêu sản xuất 60.000 đến 110.000 xe ôtô chạy điện mỗi năm.

Trong khi đó tại Indonesia, trước đại dịch COVID-19, chính phủ đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là dòng xe điện và xe hybrid chiếm 20% sản lượng xuất khẩu vào năm 2025. Tuy nhiên nước này đang phải vật lộn với kế hoạch trở thành trung tâm sản xuất xe điện trong khu vực khi đại dịch bùng phát đã làm giảm nhu cầu đối với loại xe này.

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên dồi dào của Indonesia dùng làm nguyên liệu thô cho pin xe điện đang là thế mạnh chính trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Jakarta đã tổ chức các cuộc đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng của Trung Quốc và Hàn Quốc trong những tháng gần đây. Tập đoàn ôtô Hyundai của Hàn Quốc cũng đã xác nhận sẽ xây dựng một nhà máy lắp ráp xe mới tại Indonesia và dự kiến hoàn thành giai đoạn đầu vào cuối năm 2021.

Quốc gia nhỏ nhất ASEAN là Brunei cũng đang bắt đầu chuyển hướng sang xe điện. Gần đây, Hội đồng Quốc gia về Biến đổi Khí hậu (BNCCC) của nước này đã đưa ra chính sách về biến đổi khí hậu đầu tiên của đất nước có tên “Chính sách biến đổi khí hậu quốc gia Brunei” (BNCCP), nhằm cắt giảm khí cacbon và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại Brunei, hướng tới sự phát triển bền vững.

Chính sách này tập trung vào 10 lĩnh vực cốt lỗi với các mục tiêu sẽ được thực hiện trong 15 năm tới, trong đó có lĩnh vực xe điện. Theo The Asean Post, Brunei đang cố gắng nâng tổng thị phần xe ôtô điện lên 60% tổng doanh số bán xe hằng năm của nước này trong tương lai gần.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.