Cà phê chế biến sâu có giúp nâng giá trị xuất khẩu đạt 6 tỷ USD vào năm 2030?

XNK Việt nAM
11:30 - 13/01/2022
Cà phê chế biến sâu có giúp nâng giá trị xuất khẩu đạt 6 tỷ USD vào năm 2030?
0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia, để đạt được giá trị 6 tỷ USD xuất khẩu vào năm 2030, ngành Cà phê Việt Nam cần nâng tỷ lệ cà phê chế biến lên tới 25% trong tổng sản lượng xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết trong 10 năm tới (2030), mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 5 - 6 tỷ USD, tức gấp hơn 2 lần so với hiện tại, với phương châm "Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng".

Trong tương lai gần, ngành Cà phê Việt Nam hướng tới đẩy mạnh mặt hàng cà phê chế biến (cà phê rang xay, cà phê hòa tan…) thay vì chú trọng các mặt hàng cà phê nhân như hiện tại. Lý giải cho điều này, theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), từ bài học quá khứ cho thấy nếu tăng diện tích trồng, cơn ác mộng dư cung, giảm giá sẽ quay trở lại.

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cà phê niên vụ 2020 - 2021 đạt 2,8 tỷ USD, tương đương so với niên vụ 2019 - 2020 mặc dù lượng giảm khoảng 10% xuống 1,5 triệu tấn.

Trong niên vụ 2020 - 2021, Việt Nam xuất khẩu được 121.000 tấn, kim ngạch đạt 433 triệu USD cà phê chế biến sâu. Như vậy, mặc dù lượng chỉ chiếm 8% nhưng kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến chiếm 15% tổng kim ngạch của mặt hàng này.

Ảnh - International Trade Centre. Số liệu: Vicofa

Ảnh - International Trade Centre. Số liệu: Vicofa

Giá cho một tấn cà phê chế biến trung bình đạt gần 3.600 USD/tấn trong khi giá cà phê nhân trên sàn khoảng 2.400 USD. Đó là chưa kể, cà phê Việt Nam phải chịu cảnh "trừ lùi". Có thời điểm, cà phê nhân Việt Nam bị trừ lùi mức cao kỷ lục lên tới 500 USD/tấn.

Theo ông ông Đỗ Hà Nam Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn INTIMEX, đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Vicofa, hiện nay cà phê Việt Nam đang rẻ nhất thế giới (trước đây là Brazil) do cơ chế trừ lùi.

"Giá của Việt Nam phải trừ lùi tới 450 - 500 USD/tấn. Lịch sử ngành Cà phê Việt Nam chưa bao giờ phải trừ lùi nhiều như thế. Trong khi đó, giá cà phê của Brazil là giá cộng", ông Nam nói.

Ông cho rằng giải quyết bài toán 6 tỷ USD đồng nghĩa với việc nâng tỷ lệ cà phê chế biến từ dưới 10% như hiện nay lên khoảng 25% hoặc thậm chí phải hơn vậy.

Ảnh tác giả

"Nếu chúng ta làm được như Indonesia khi đưa 50% sản lượng cà phê vào trong sản xuất cà phê hòa tan, thì sự lệ thuộc vào "các nhà điều tiết" thị trường cà phê nhân sẽ không còn là cơn ác mộng nữa"

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, để nâng tỷ trọng cà phê chế biến là một thách thức lớn với doanh nghiệp do trình độ công nghệ, vận hành nhà máy phức tạp và nhận thức của người nông dân.

Tính đến hiện tại, Việt Nam đã có 160 cơ sở rang xay cà phê, 11 cơ sở pha chế cà phê và 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan. Số lượng cơ sở chế biến cà phê hòa tan còn ít và hầu hết hoạt động dưới công suất thiết kế.

Mặt khác, thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam chưa có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Ngoài vấn đề về nguồn cung trong nước thì nhu cầu thế giới đối với cà phê chế biến của Việt Nam cũng là một bài toán khó đối với ngành Cà phê.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, để đạt mục tiêu 6 tỷ USD, ngành Cà phê Việt Nam cần tăng cường kết nối sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, hướng tới xây dựng chuỗi giá trị cà phê bền vững.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, ngành Cà phê muốn phát triển bền vững thì phải có sự liên kết giữa các tỉnh, các vùng kinh tế để hình thành vùng sản xuất quy mô lớn hơn, xây dựng thương hiệu cho cà phê Tây Nguyên.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam sang thị trường EU sẽ hưởng mức thuế ưu đãi từ 0 – 5%.

Ông cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục thực hiện các dự án phát triển bền vững cho ngành Cà phê trong nước. "Hiệp định EVFTA đã mở ra cơ hội lớn cho ngành Cà phê trong nước. Trong thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng các đề án xuất khẩu nông sản sang EU, trong đó có cà phê. cũng có chiến lược để nông sản Việt Nam vào các hệ thống phân phối lớn ở châu Âu ”, ông Hoan nói.

Đối với các tỉnh Tây Nguyên, Bộ sẽ thiết lập cơ sở hạ tầng hậu cần cho ngành Cà phê để tạo ra giá trị cà phê cao hơn và nhiều sản phẩm chế biến hơn. Điều này sẽ hình thành chuỗi sản xuất cà phê nhằm nâng cao giá trị hạt cà phê và thu nhập cho người sản xuất cà phê.

Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, giá cà phê toàn cầu năm 2022 được dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao, trong đó đại dịch Covid-19 hạn chế nguồn cung từ các nước sản xuất cà phê lớn như Colombia và một số nước Nam Mỹ khác.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.