Cà phê Robusta của Việt Nam lập kỷ lục thế giới về xuất khẩu

XNK Việt nAM
13:09 - 25/12/2021
Cà phê Robusta của Việt Nam lập kỷ lục thế giới về xuất khẩu
0:00 / 0:00
0:00
Mới đây, Liên minh Kỷ lục Thế giới đã xác lập mặt hàng cà phê Robusta của Việt Nam là loại cà phê được xuất khẩu nhiều nhất thế giới.

Trải qua gần 3 tháng làm việc để thống nhất bộ hồ sơ và tiêu chí, tháng 12/2021, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) đã chính thức quyết định về việc xác lập Kỷ lục Thế giới cho cà phê Robusta của Việt Nam, với kỷ lục "Quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta ra thị trường toàn cầu lớn nhất về sản lượng và năng suất".

Nhằm xác lập, khẳng định và nâng cao vị thế cho hạt cà phê Robusta của Việt Nam, công ty TNHH TNI King Coffee đã kết hợp Viện Kỷ lục Việt Nam và thông qua Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) để tiến hành các thủ tục hoàn thiện bộ hồ sơ đề cử Kỷ lục Thế giới đến Liên minh Kỷ lục Thế giới từ tháng 9/2021.

Trước đó, cà phê Việt Nam cũng được xác lập kỷ lục thế giới với 2 danh hiệu “Văn hóa pha chế Việt Nam: các giá trị di sản về nghệ thuật pha chế đặc trưng, độc đáo nhất” (cà phê Ê-đê, cà phê Vợt, cà phê phin) và “Nghệ thuật phối trộn và thưởng thức cà phê Việt Nam: đa dạng, sáng tạo và độc đáo nhất qua các thức uống, món ăn rất đặc trưng của Việt Nam" (cà phê trứng, cà phê sữa đá…).

Việt Nam hiện là 1 trong 2 quốc gia có sản lượng xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới cùng với Brazil. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt hơn 1,2 triệu tấn, giá trị ước đạt 2,45 tỷ USD.

Trong đó, cà phê Robusta hiện là chủng loại cà phê xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam. Trong tháng 10/2021,sản lượng xuất khẩu cà phê Robusta đạt 85.700 tấn, trị giá 157 triệu USD, tăng 10,6 về lượng và tăng 30,4% về giá so với tháng 10/2020.

Robusta chiếm gần 90% diện tích cà phê ở Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên bao gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông và Lâm Đồng.

Bên cạnh đó, một số vùng trung du như Vũng Tàu, Đồng Nai cũng trồng được loại cà phê này và cho năng suất tương đối cao. Những vùng trồng cà phê Robusta nổi tiếng như Pleiku, Ayun Pa, Buôn Hồ, Buôn Ma Thuột,… Trong đó, nổi bật nhất là Buôn Ma Thuột – nơi được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam.

Việc đề cử hồ sơ lên Liên minh Kỷ lục Thế giới cho cà phê Robusta của Việt Nam dịp này nhằm góp phần quảng bá cho ngành cà phê nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung tại một trong ba triển lãm lớn và lâu đời nhất hành tinh là EXPO Dubai.

Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, CEO TNI King Coffee cho biết, tiềm năng của ngành cà phê là rất lớn. Bởi cà phê là thức uống được phổ cập toàn cầu, ở bất kỳ nơi đâu cũng có cà phê và ở bất kỳ lúc nào người ta cũng uống cà phê, không có biên giới, chủng tộc, tôn giáo, quốc gia. “Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, song ngành nông nghiệp nào có thể xây dựng được thương hiệu, phổ cập toàn cầu, có thể đưa được văn hóa của chính sản phẩm đó và xây dựng văn hóa đó ra với thế giới như một sự tự hào thì đó là cà phê!”

Trong thời gian qua, giá cà phê Robusta không ngừng tăng. Ghi nhận tại thị trường thế giới trong tuần qua, giá cà phê Robusta tăng nhẹ tại sàn giao dịch London, trong ngày 25/12, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà Robusta giao tháng 1/2022 và tháng 3/2022 lần lượt ghi nhận tăng 16 USD/tấn và 14 USD/tấn.

Tính từ đầu tháng 12 đến nay, giá cà phê Robusta luôn ghi nhận đà tăng, cụ thể cà phê Robusta giao tháng 1/2022 tăng từ 2.260 USD/tấn lên 2.462 USD/tấn; cà phê Robusta giao tháng 3/2022 tăng từ 2.200 lên 2.353 USD/tấn.

Tại thị trường trong nước, giá cà phê trong phiên giao dịch gần nhất ngày 25/12 ghi nhận ngưỡng giao dịch đạt 41.000 – 41.800 đ/kg.

Cà phê Robusta có nguồn gốc từ Congo – Bỉ từ những năm 1800, đến khoảng năm 1900, chúng bắt đầu được du nhập vào Đông Nam Á. Năm 1908, cà phê Robusta chính thức có mặt tại Việt Nam.

Hiện nay, loại cà phê này chiếm đến gần 40% tổng sản lượng cà phê trên toàn thế giới. Đặc biệt, tại Việt Nam, nhờ điều kiện thích hợp, Robusta được trồng cực kỳ phổ biến, chiếm khoảng 90% tổng sản lượng.

Tin liên quan

Đọc tiếp