Các doanh nghiệp nông nghiệp 'đầu đàn' sẽ quyết định mô hình kinh doanh bao trùm

NÔNG NGHIỆP Bền Vững
15:18 - 19/05/2022
TraphacoSapa là một trong những doanh nghiệp phát triển thành công mô hình kinh doanh bao trùm.
TraphacoSapa là một trong những doanh nghiệp phát triển thành công mô hình kinh doanh bao trùm.
0:00 / 0:00
0:00
Kinh doanh bao trùm trong nông nghiệp là một trong các mô hình kinh tế đem lại tác động xã hội lớn, hạt nhân của chương trình kinh doanh bền vững, đang được thúc đẩy phát triển với nhiều hỗ trợ từ về tài chính, kỹ thuật của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Do nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nên kết quả từ các mô hình kinh doanh bao trùm (IB) lĩnh vực này sẽ đóng vai trò lớn trong tác động xã hội, nhận định của tọa đàm “Thúc đẩy kinh doanh bao trùm tại Việt Nam trong nông nghiệp, thực phẩm” do Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP) phối hợp với Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức ngày 19/5.

Trách nhiệm đi cùng quyền lợi

Dẫn quyết định của Chính phủ phê duyệt ngày 18/2/2022 về chương trình hỗ trợ kinh doanh bền vững trong đó có mô hình kinh doanh bao trùm, huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ các mô hình này với mục tiêu tạo ra hệ sinh thái lan tỏa trong cộng đồng, bà Trịnh Thị Hương, Trưởng phòng Tổng hợp Chính sách, Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, kinh doanh bao trùm là mô hình hướng tới người thu nhập thấp để họ tham gia với tư cách là một mắt xích trong chuỗi cung ứng.

Ngoài nguồn lực ngân sách Nhà nước, Cục Phát triển doanh nghiệp sẽ huy động nguồn lực quốc tế về tài chính, kỹ thuật, thông tin về cơ hội và thách thức để thiết kế các chương trình phù hợp hơn giải quyết các vấn đề xã hội và mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

Làm rõ hơn về các thách thức, rào cản thực hiện mô hình kinh doanh bền vững ở Việt Nam, ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cho biết, mục tiêu tối thượng của mô hình này là làm sao cho những người nông dân trong khu vực dễ tổn thương có thể được thụ hưởng những điều kiện sinh kế tốt hơn thông qua các mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Thông qua doanh nghiệp, người nông dân có thể tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng.

“Tuy nhiên, các thách thức rào cản cho phát triển kinh doanh bao trùm vẫn còn khá nhiều. Có thể kể đến trở ngại đầu tiên là thiếu vốn đầu tư, thiếu thông tin kết nối, công cụ đo lường và hệ sinh thái kinh doanh bền vững. Hầu hết các doanh nghiệp còn thờ ơ chưa mặn mà với các mô hình kinh doanh bền vững. Vai trò của các doanh nghiệp ‘đầu đàn’ đôi khi còn chưa được xác định đúng tầm”, ông Tùng chỉ ra.

Theo ông Tùng, nếu có sự hiểu biết tổng thể về tiếp cận kinh doanh bao trùm sẽ khiến các doanh nghiệp hiểu được lợi ích lâu dài về sau, nếu họ có sự chia sẻ và nâng cao vai trò trách nhiệm với xã hội qua việc sáng tạo các mô hình kinh doanh mới.

Chia sẻ với MEKONG ASEAN về vai trò của các doanh nghiệp đầu đàn trong việc thúc đẩy các mô hình kinh doanh bao trùm, Tổng Thư ký VIDA nhìn nhận, đây là những đối tượng được định vị đứng đầu chuỗi hoặc trung tâm của chuỗi cung - ứng.

Ảnh tác giả

“Những doanh nghiệp này phải đảm bảo các yếu tố căn bản. Doanh nghiệp cần có công nghệ phù hợp đáp ứng được yêu cầu của thị trường, có thị trường đủ mạnh và bền vững để phát triển được các vùng nguyên liệu được đầu tư ở các nhà máy sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng cần đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng được quá trình đưa công nghệ vào phát triển sản xuất”.

Ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng Thư ký VIDA

Đặc biệt, ông Tùng nhấn mạnh năng lực tài chính của doanh nghiệp. Năng lực này phải xuất phát từ tự thân doanh nghiệp, đảm bảo tính minh bạch, công khai để các nhà đầu tư tài chính, ngân hàng muốn được đồng hành cùng với họ.

Khi đạt được những yếu tố trên, các doanh nghiệp sẽ đạt được niềm tin gửi gắm các trọng trách quan trọng, định vị vào vị trí trung tâm của một chuỗi cung ứng nào đó. Ngược lại, doanh nghiệp đầu đàn đó phải có sự cam kết quay lại với các mục tiêu phát triển bền vững ban đầu: mục tiêu vĩ mô của Nhà nước, Chính phủ; mục tiêu nâng cao tăng trưởng của địa phương; mục tiêu công bằng xã hội, nâng lương, nâng giá mua cho người nông dân; mục tiêu bảo vệ môi trường.

“Việc tìm kiếm một doanh nghiệp đầu đàn không hề dễ. Khó không phải do không có mà do họ còn đang thiếu những điều kiện tiêu chuẩn mang tính khách quan chứ không hoàn toàn do chủ quan doanh nghiệp. Xuất phát từ việc các doanh nghiệp còn chưa nhận thức được hoàn toàn vai trò của mình, nên cần có sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và trong nước”, đại diện VIDA chỉ ra.

Lợi ích mà các doanh nghiệp tiên phong trong xây dựng mô hình kinh doanh bao trùm được ông Tùng nhấn mạnh, không chỉ đơn thuần là thu về doanh thu nhiều hơn mà còn có những lợi ích rất lớn khác. Ví dụ như Bộ KH&ĐT mỗi năm chọn ra những doanh nghiệp kinh doanh phát triển bền vững để tôn vinh, từ đó thương hiệu cá nhân của các doanh nghiệp này sẽ tăng lên rất nhiều.

Một doanh nghiệp muốn vươn mình ra thế giới trước hết cần xây dựng được một thương hiệu đảm bảo. Những mục tiêu của họ hoàn toàn được Chính phủ, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức trong nước và quốc tế đồng hành, ủng hộ. Điều này tạo ra nhiều cơ hội phát triển khác cho doanh nghiệp.

“Bên cạnh trọng trách đưa cộng đồng cùng phát triển, các doanh nghiệp đầu đàn kinh doanh bền vững sẽ có được rất nhiều lợi thế không thể hình dung hết được mà chỉ khi họ thực sự ở vào vị trí đó mới thấy được các lợi thế tiềm ẩn khác”, ông Nguyễn Đức Tùng nhận định.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Phương Thảo

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Phương Thảo

Là một trong những doanh nghiệp xây dựng được mô hình kinh doanh bao trùm thành công, chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Phú Trí, cán bộ vùng của TraphacoSapa chia sẻ, công ty đã kết nối với hơn 300 hộ nông dân và dự kiến sẽ tăng lên 500 hộ vào năm 2023 bằng việc cung cấp cho nông dân giống, dịch vụ tư vấn đào tạo, thu mua nông sản cao hơn 30% giá trị trường.

Trong thời gian tới, đại diện TraphacoSapa cho biết, sẽ hoàn thiện mô hình kinh doanh thảo dược trong cộng đồng bà con dân tộc ít người kết hợp với phát triển du lịch. Trong đó, bà con nông dân chính là người làm chủ vừa tăng thu nhập cho họ vừa quảng bá hoạt động của công ty trong thương mại.

Xây dựng hệ sinh thái 3 bên cùng có lợi

Làm rõ hơn những tác động của mô hình kinh doanh bền vững tại tọa đàm, ông Ignacio Blanco, Quản lý Chương trình ESCAP đã đưa ra kết quả nghiên cứu về hiệu quả mang lại khi các doanh nghiệp thực hiện mô hình kinh doanh bao trùm. Ông cho biết, mô hình kinh doanh bao trùm ở Việt Nam chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, tạo ra nguồn thu nhập, sinh kế cho những người nông nghiệp thu nhập thấp.

Các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình bao trùm đều tạo ra tác động xã hội và được đánh giá dự kiến sẽ tăng doanh thu 65% từ 2018 – 2023. Con số này tăng hơn đáng kể so với dự kiến của các doanh nghiệp không có mô hình kinh doanh bao trùm, chỉ có thể tăng doanh thu khoảng 38%.

Ước tính cứ 13 doanh nghiệp nông nghiệp kinh doanh bao trùm sẽ mang lại việc làm cho 1,8 triệu nam giới và phụ nữ, con số này sẽ tiếp tục tăng lên 2,5 triệu người vào năm 2023.

Ảnh tác giả

“Như vậy, kinh doanh hướng tới người thu nhập thấp có tác động xã hội lớn hơn và sâu sắc hơn so với các doanh nghiệp thông thường và mang lại nhiều lợi nhuận, sự sáng tạo hơn so với kinh doanh thông thường”.

Ông Ignacio Blanco, Quản lý Chương trình ESCAP

Cùng với đó, bà Marta Perez Cuso, Cán bộ Kinh tế ESCAP cũng cho biết, ESCAP cùng các cơ quan Chính phủ Việt Nam, cộng động ASEAN, đã thúc đẩy sự phát triển và tầm quan trọng của kinh doanh bền vững. Trong giai đoạn thứ hai của dự án, ESCAP sẽ chuyển từ giai đoạn lý thuyết sang giai đoạn thực hiện để thúc đẩy kinh doanh bao trùm trong nông nghiệp.

“Kết quả từ các mô hình kinh doanh bao trùm lĩnh vực nông nghiệp sẽ đóng vai trò lớn trong tác động xã hội giúp những hộ kinh doanh nhỏ được nhận những cơ hội phát triển khác biệt so với trước. Chương trình sẽ có sự chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia khác để phát triển mô hình kinh doanh bao trùm ở Việt Nam”, bà Marta Perez Cuso cho biết.

Hệ sinh thái 3 bên cùng có lợi sẽ ra đời từ các mô hình này, trong đó, các doanh nghiệp có khả năng vận hành về mặt thương mại sẽ được tiếp cận các cơ hội thị trường mới, cơ hội đầu tư và đem lại giá trị về mặt xã hội; những người nông dân thu nhập thấp được tạo cơ hội sinh kế có điều kiện tiếp cận những điều kiện gia tăng thu nhập mỗi tháng; Chính phủ có vai trò cung cấp các chính sách và hỗ trợ cần thiết cho các bên trong hệ sinh thái.

Các hỗ trợ từ ESCAP: Xây dựng mô hình kinh doanh bao trùm (viết tắt là IB - Inclusive Business) bằng việc đào tạo, huấn luyện xây dựng IB cho 10 công ty của mỗi quốc gia, hỗ trợ phát triển mở rộng kinh doanh toàn diện thông qua tổ chức VIDA; hỗ trợ đối thoại giữa các bên liên quan (Chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư) để xác định các hoạt động thúc đẩy; trang bị kiến thức cho các doanh nghiệp về IB và thúc đẩy IB với các diễn đàn đầu tư IB khu vực và xây dựng cộng đồng thực hành IB trong khu vực.

Tin liên quan

Đọc tiếp