Các ngân hàng lớn tại Mỹ bơm 30 tỷ USD giải cứu First Republic Bank

NGÂN HÀNG MỸ
10:46 - 17/03/2023
Chiều ngày 16/3, các ngân hàng lớn tại Mỹ quyết định bơm 30 tỷ USD tiền gửi cho First Republic Bank, nhằm giải cứu ngân hàng đang bị cuốn vào cuộc khủng hoảng gây ra bởi sự sụp đổ của SVB và Signature Bank cuối tuần trước.

Kể từ khi ngân hàng SVB phá sản gần một tuần trước, cổ phiếu ngân hàng trên toàn cầu đã bị ảnh hưởng lớn và gây ra lo ngại hình thành một cuộc khủng hoảng có thể lan tới thị trường rộng lớn hơn.

Tới chiều ngày 16/3, các ngân hàng lớn tại Mỹ tiếp tục bơm 30 tỷ USD để hỗ trợ cho First Republic Bank - ngân hàng có cổ phiếu đã giảm tới 70% trong 9 phiên giao dịch gần đây. Các ngân hàng lớn này bao gồm JPMorgan Chase & Co, Citigroup Inc, Bank of America Corp, Wells Fargo & Co, Goldman Sachs và Morgan Stanley, phi vụ giải cứu này trị giá 30 tỷ USD.

Các nguồn tin của Reuters cho biết thỏa thuận này được sắp xếp bởi những cái tên lớn bao gồm Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell và Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon.

Trước đó trong một vòng cấp vốn ngày 12/3 được huy động thông qua JPMorgan, First Republic Bank tiếp cận được 70 tỷ USD. Tuy nhiên, động thái này không thể xoa dịu các nhà đầu tư khi lo ngại về sự lan rộng gây ra bởi sự sụp đổ của Signature Bank ngay sau SVB ngày càng sâu sắc và những người gửi tiền bắt đầu chuyển tiền mặt sang các ngân hàng lớn hơn.

Sau khi gói cứu trợ tài chính 30 tỷ USD này được công bố, cổ phiếu của First Republic Bank đóng cửa tăng 10% nhưng lại giảm 18% trong giao dịch sau thị trường khi ngân hàng cho biết sẽ tạm dừng chia cổ tức.

Dù vậy, tin tức về phi vụ giải cứu cũng giúp thúc đẩy các chỉ số của Phố Wall, với cổ phiếu JP Morgan, Morgan Stanley và Bank of America đều tăng hơn 1%, trong khi chỉ số S&P 500 Banks Index phục hồi 2,2%. Cổ phiếu các ngân hàng nhỏ hơn cũng phục hồi, với Fifth Third Bancorp, PNC Financial Services Group và KeyCorp, mỗi ngân hàng tăng hơn 4%.

Kể từ khi SVB bất ngờ phá sản gây ra sự rúng động trên thị trường, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ vẫn luôn cố gắng nhấn mạnh rằng tình trạng hỗn loạn hiện nay khác với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 15 năm trước. Nguyên nhân là do các ngân hàng được vốn hóa tốt hơn và nguồn vốn dễ dàng tiếp cận hơn.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn hoạt động tốt nhờ các hành động "quyết đoán và mạnh mẽ" sau sự sụp đổ của SVB. Trong khi đó Allianz, một trong những công ty tài chính lớn nhất châu Âu, cũng nhận định các nhà chức trách đã "được trang bị tốt" để đối phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng thanh khoản nào, "không giống như những gì đã xảy ra trong" cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008.

Credit Suisse là ngân hàng châu Âu bị ảnh hưởng ngay sau khi SVB và Signature Bank phá sản. Ảnh: Reuters

Credit Suisse là ngân hàng châu Âu bị ảnh hưởng ngay sau khi SVB và Signature Bank phá sản. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, Reuters trích dẫn dữ liệu của Fed ngày 16/3 cho thấy các ngân hàng đã tìm kiếm lượng thanh khoản khẩn cấp kỷ lục trong những ngày gần đây, làm tăng quy mô bảng cân đối kế toán của Fed sau nhiều tháng thu hẹp.

Tình trạng hỗn loạn của Credit Suisse, một ngân hàng có lịch sử 167 năm tại châu Âu cũng đang khiến tình trạng trở nên khó đoán hơn. Theo Reuters, chỉ trong vòng vài ngày sau khi SVB và Signature Bank sụp đổ, ngân hàng hàng đầu Thụy Sĩ là Credit Suisse đã bị ảnh hưởng, buộc ngân hàng trung ương nước này phải can thiệp cho vay 54 tỷ USD để tăng cường thanh khoản.

Credit Suisse đã trở thành ngân hàng lớn toàn cầu đầu tiên sử dụng hỗ trợ khẩn cấp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi lo ngại về khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu các ngân hàng trung ương châu Âu có thể duy trì việc tăng lãi suất mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát không.

Lãi suất tăng nhanh đã khiến một số doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ hoặc trả nợ, làm tăng khả năng thua lỗ cho những ngân hàng vốn đã lo lắng về suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản ngày 16/3, nhấn mạnh khả năng phục hồi của ngành ngân hàng khu vực đồng euro trong khi đảm bảo rằng họ có nhiều công cụ để hỗ trợ thanh khoản nếu cần.

Cổ phiếu của Credit Suisse đóng cửa cao hơn 19% cùng ngày. Tuy nhiên kể từ mức cao nhất hồi tháng 2/2007 là khoảng 91 tỷ USD, giá trị thị trường của ngân hàng này đã giảm 90% xuống còn khoảng 8,66 tỷ USD do cổ phiếu trượt dốc kéo dài.

Các nhà phân tích cho biết các biện pháp này sẽ kéo dài thời gian để Credit Suisse thực hiện kế hoạch tái cơ cấu và có thể thực hiện các bước tiếp theo để giảm bớt áp lực.

Tin liên quan

Đọc tiếp