Cấp bách tái cơ cấu tài chính để ‘giải cứu’ Đạm Hà Bắc

phân bón Việt nAM
15:30 - 03/04/2022
Tuy 2021 Đạm Hà Bắc đã có lãi trở lại sau nhiều năm thua lỗ, nhưng hoạt động tài chính vẫn gây khó khăn cho kết quả kinh doanh của công ty này. Ảnh: Đạm Hà Bắc.
Tuy 2021 Đạm Hà Bắc đã có lãi trở lại sau nhiều năm thua lỗ, nhưng hoạt động tài chính vẫn gây khó khăn cho kết quả kinh doanh của công ty này. Ảnh: Đạm Hà Bắc.
0:00 / 0:00
0:00
Kể từ sau năm 2015, Đạm Hà Bắc liên tục thua lỗ vì dự án cải tạo và mở rộng bị chậm tiến độ. Để đưa doanh nghiệp này thoát khỏi thế khó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có buổi làm việc trực tiếp để thống nhất các phương án tháo gỡ.

Là một trong 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) phải xử lý theo Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc đã khiến công ty này liên tục thua lỗ. Sau nhiều năm khó khăn, phải đến năm 2021, Đạm Hà Bắc mới có lãi trở lại, tuy nhiên triển vọng lợi nhuận không ổn định.

Chi phí tài chính là gánh nặng của Đạm Hà Bắc kể từ năm 2015

Báo cáo tài chính năm 2020 của Đạm Hà Bắc cho thấy công ty lỗ ròng gần 693 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020. Ngoài chi phí sản xuất, lãi vay là khoản chi tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng mỗi kỳ của công ty này. Trong đó, khoản vay lớn nhất là để đầu tư dự án cải tạo và mở rộng với giá trị tổng cộng 7.000 tỷ đồng.

Hiện Đạm Hà Bắc đang vay của Ngân hàng Phát triển (VDB) và ngân hàng thương mại, phải chịu mức lãi suất cao, bình quân chung là 10,78%/năm và lãi phạt (do gốc và lãi đến hạn không trả được) lên đến 16,7%/năm. Có thời điểm, chi phí tài chính của công ty chiếm 42,5% doanh thu, lãi chồng lãi, dẫn đến rất khó khăn.

Bước sang năm 2021, Đạm Hà Bắc đã có chuyển biến tích cực với việc ghi nhận lãi sau nhiều năm thua lỗ. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải giải quyết rất nhiều vấn đề tồn đọng thì mới có thể thoát khỏi tình trạng kinh doanh bấp bênh.

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán của Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (mã chứng khoán DHB), năm 2021, công ty đạt 4.498 tỷ đồng doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 61% so với năm 2020. Lợi nhuận gộp thu về đạt 1.189 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với con số âm 294 tỷ đồng năm trước.

Tuy nhiên, do chi phí lãi vay đã chiếm gần hết lợi nhuận nên kết quả, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vẫn âm 2,5 tỷ đồng (cùng kỳ âm 1.461 tỷ đồng). Nhờ khoản lợi nhuận khác, công ty báo lãi sau thuế 625 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 1.460 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1,9 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát âm 1,3 tỷ đồng.

Sau 6 năm thua lỗ liên tiếp với con số lên đến 4.746 tỷ đồng thì việc Đạm Hà Bắc có lãi trở lại là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên với nhiều vấn đề còn tồn tại trong bức tranh tài chính, triển vọng duy trì lợi nhuận dương trong dài hạn của Đạm Hà Bắc bị đánh giá là khá bấp bênh nếu điều kiện kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Như trong năm 2021, chi phí lãi vay của công ty lên tới 979 tỷ đồng, chiếm gần gần hết phần lợi nhuận từ doanh thu bán hàng.

Tính tới thời điểm 31/12/2021, nợ phải trả của Đạm Hà Bắc là 10.006 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn đạt 8.029 tỷ đồng. Như vậy, vốn chủ sở hữu đã âm 1.977 tỷ đồng. Riêng khoản vay và nợ thuê tài chính chiếm 6.034 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản nợ tại các ngân hàng để đầu tư dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, xây dựng dây chuyền sản xuất H2O2.

Dự án cải tạo của Đạm Hà Bắc duy trì công suất trên 90%

Để tìm ra các phương án tháo gỡ khó khăn cho Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, ngày 1/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã làm việc tại công ty này. Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phùng Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Vinachem cho biết, những năm qua, Đạm Hà Bắc đã quyết liệt thực hiện tái cơ cấu, đổi mới công tác quản trị, tổ chức lại sản xuất và quản lý theo hướng tinh gọn.

Định biên của Đạm Hà Bắc năm 2015 là 1.774 người, đến nay giảm còn trên 1.200 người. Bên cạnh đó, các đầu mối của Đạm Hà Bắc cũng được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn. Nếu như năm 2015, Đạm Hà Bắc có 32 đầu mối thì đến năm 2020 còn 24 đầu mối. Dự kiến năm 2022 sẽ cắt giảm còn 18 đầu mối. Việc làm và thu nhập của người lao động Đạm Hà Bắc cũng được đảm bảo, bình quân năm 2021 đạt 8 triệu đồng/người/tháng.

Ảnh tác giả

"Dự án Đạm Hà Bắc mở rộng, nâng công suất, đi vào vận hành từ tháng 4/2015 luôn duy trì công suất ổn định trên 90%".

Ông Phùng Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Vinachem

Năm 2021, tình hình sản xuất, kinh doanh của Đạm Hà Bắc có tín hiệu khả quan. Công suất đạt 92% với 473 nghìn tấn Ure thành phẩm (mức kỷ lục của nhà máy) được cung cấp cho thị trường, doanh thu 4.558 tỷ đồng, đồng thời lần đầu tiên lãi 6,25 tỷ đồng sau nhiều năm chịu lỗ.

Lãnh đạo Đạm Hà Bắc cho biết, bước sang năm 2022, tình hình sản xuất, kinh doanh tiếp tục có những tín hiệu tốt khi giá phân bón tăng, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó và dự kiến năm nay sẽ tiếp tục có lãi. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả sản xuất kinh doanh đang có dấu hiệu khởi sắc, thì khoản lỗ lũy kế trong 5 năm qua của Đạm Hà Bắc vẫn còn rất lớn. Nguyên nhân cơ bản là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng và chi phí tài chính tăng cao.

Đạm Hà Bắc đang vay của các ngân hàng với lãi suất cao và phải chịu lãi phạt (do không trả đúng hạn), dẫn đến lãi chồng lãi. Theo ông Phùng Quang Hiệp, nếu không tái cơ cấu tài chính thì Đạm Hà Bắc khó có thể phát triển ổn định, bền vững. Cũng theo phương án tính toán của Vinachem, nếu tái cơ cấu công ty này sẽ lãi khoảng 828 tỷ đồng/năm.

Theo đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam xây dựng 4 phương án xử lý vấn đề của Đạm Hà Bắc là: Chuyển vốn vay thành vốn góp; cơ cấu lại tài chính; bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cho phá sản doanh nghiệp.

Tái cơ cấu tài chính Đạm Hà Bắc là phương án tối ưu

Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, thời gian qua Ủy ban đã cùng với Tập đoàn Vinachem và nhà máy Đạm Hà Bắc đã bàn thảo, xây dựng các phương án tái cơ cấu. Sau khi tính toán kỹ lưỡng các mặt, Ủy ban và doanh nghiệp đã đồng thuận lựa chọn đề xuất lựa chọn phương án tái cơ cấu tài chính. Đồng thời, mong muốn các cơ quan liên quan và cấp có thẩm quyền sớm quyết định để tháo gỡ khó khăn cho Đạm Hà Bắc.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ của Đạm Hà Bắc là do cơ cấu tài chính trong đầu tư của dự án mở rộng, dẫn đến chi phí tài chính trong quá trình sản xuất đưa vào giá thành sản phẩm rất cao. Bên cạnh đó, giá một số nguyên, nhiên, vật liệu chi phí đầu vào tăng nhưng không được tính đến trong dự án, giá đầu ra sản phẩm trồi sụt, kể cả thời điểm hiện nay có lợi thế về giá bán nhưng cũng rất ngắn hạn.

Ảnh tác giả

“Sản phẩm của Đạm Hà Bắc rất cần phục vụ cho nền nông nghiệp, là đơn vị có truyền thống lâu đời, Bộ Tài chính ủng hộ phương án tái cơ cấu tài chính đối với đơn vị, đây là phương án tốt cho cả chủ nợ và chủ sở hữu”.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Đồng tình với Bộ Tài Chính, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho rằng, hiện tại lĩnh vực phân bón có thuận lợi về thị trường, giá cả, đáng chú ý sản phẩm của Nhà máy Đạm Hà Bắc sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết tới đó. Do đó, phương án xử lý gỡ khó cho công ty này hoàn toàn là vấn đề tái cơ cấu tài chính.

Sau khi nghe báo cáo của Vinachem, ý kiến của các bộ ngành, địa phương tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận những nỗ lực của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Hà Bắc đã nỗ lực xử lý những khó khăn vướng mắc, đưa công suất hoạt động đạt trên 90%.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo tại buổi làm việc

“Việc tìm giải pháp để xử lý yếu kém của Đạm Hà Bắc là yêu cầu cấp bách. Công ty đang nợ số tiền lớn. Nếu để lâu, vốn ngày càng mất đi, lỗ nhiều hơn, do đó phải có giải pháp khả thi, xử lý dứt điểm, không để kéo dài”.

Do đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp thu ý kiến các bộ, ngành tại buổi làm việc, tiếp tục chỉ đạo Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc hoàn thiện phương án tái cơ cấu, tổng hợp cùng những dự án còn lại để báo cáo Bộ Chính trị, chậm nhất phải có đề án hoàn chỉnh vào tháng 9/2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp