CEO Boeing thừa nhận sai lầm sau sự cố máy bay

Hàng KHông MỸ
09:08 - 10/01/2024
Khu vực thân máy bay bị bung ra của chuyến bay 1282 Boeing 737-9 MAX của Alaska Airlines. Ảnh: Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB).
Khu vực thân máy bay bị bung ra của chuyến bay 1282 Boeing 737-9 MAX của Alaska Airlines. Ảnh: Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB).
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 9/1, CEO Boeing Dave Calhoun đưa ra lời xin lỗi liên quan tới việc một tấm kim loại ở thân máy bay 737 MAX 9 của hãng Alaska Airlines bung ra khi đang ở trên không, đồng thời cam kết sẽ không bao giờ để điều này xảy ra nữa.

Kể từ khi sự cố xảy ra khiến máy bay của Alaska Airlines buộc phải hạ cánh khẩn cấp, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã ban hành lệnh đình chỉ bay đối với 171 chiếc máy bay MAX 9 do Boeing sản xuất.

Theo dữ liệu từ công ty phân tích hàng không Cirium, có 144/171 chiếc MAX 9 bị cấm bay đang hoạt động tại Mỹ. Ở bên ngoài lãnh thổ Mỹ, các hãng hàng không Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ, Copa Airlines của Panama và Aeromexico của Mexico cho biết đã đình chỉ các máy bay bị ảnh hưởng. Indonesia cũng thông báo đã đình chỉ sử dụng 3 máy bay.

Lệnh cấm dòng máy bay MAX 9 đã khiến nhiều chuyến bay tại Mỹ bị hủy. Trong ngày 9/1 và 10/1, hãng hàng không United Airlines hủy 225 chuyến bay hàng ngày, tương đương 8% tổng số chuyến, trong khi Alaska Airlines hủy 109 chuyến, tương đương 18%.

Việc 2 hãng hàng không trên ngày 8/1 đưa ra tuyên bố đã tìm thấy các bu lông lỏng lẻo trên nhiều máy bay bị cấm bay trong quá trình kiểm tra sơ bộ, càng làm dấy lên nhiều lo ngại về tính an toàn trong quy trình sản xuất dòng máy bay phản lực bán chạy nhất của Boeing và quy trình phê duyệt của các cơ quan quản lý.

Bất kỳ mối lo ngại kéo dài nào cũng có thể làm tăng áp lực lên Boeing, nhà sản xuất vốn đã gặp phải nhiều vấn đề kể từ khi dòng máy bay 737 MAX bị cấm bay trong hơn 20 tháng sau 2 vụ tai nạn khiến 346 người thiệt mạng năm 2018 và 2019.

Trong bối cảnh đó, Giám đốc điều hành Boeing Dave Calhoun ngày 9/1 đã đưa ra tuyên bố chính thức, trong đó ông thừa nhận sai sót của nhà sản xuất máy bay lần đầu tiên kể từ sự cố ngày 5/1.

Theo hãng tin Reuters, ông cho biết: “Trước tiên, chúng tôi sẽ tiếp cận vấn đề này bằng cách thừa nhận sai lầm của mình”. Ông khẳng định nhà sản xuất máy bay “sẽ tiếp cận vấn đề với sự minh bạch 100% trong mỗi bước đi của mình”. Đồng thời, ông Calhoun cũng tuyên bố Boeing sẽ “đảm bảo mọi chiếc máy bay tiếp theo di chuyển lên bầu trời đều thực sự an toàn”.

Trước mắt, các hãng hàng không vẫn chưa bắt đầu quá trình kiểm tra chính thức các máy bay bị cấm bay do FAA vẫn chưa thông qua các hướng dẫn cụ thể nhằm kiểm tra và đảm bảo các sai sót về an toàn được khắc phục. Tuy nhiên, các hãng hàng không đã yêu cầu các nhà máy của mình và các nhà cung cấp đảm bảo những vấn đề như vậy được giải quyết trong khi tiến hành kiểm tra rộng rãi hơn các hệ thống và quy trình.

Trong một tuyên bố ngày 9/1, FAA cho biết Boeing đang sửa đổi các hướng dẫn về kiểm tra và bảo trì trước khi việc kiểm tra có thể bắt đầu. Cơ quan này khẳng định “sẽ tiến hành đánh giá kỹ lưỡng” và “xác định mốc thời gian” để đưa MAX trở lại hoạt động.

Đặc biệt, cơ quan này cũng nhấn mạnh sẽ kiểm tra từng chiếc 737 MAX mới trước khi "giấy chứng nhận đủ điều kiện bay được cấp và phê duyệt trước khi quá trình giao hàng được bắt đầu". Thông thường, FAA sẽ ủy quyền phê duyệt lần cuối đối với từng máy bay cho nhà sản xuất.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.