Phát hiện thêm bu lông bị lỏng trên máy bay MAX 9 của Boeing

Hàng KHông MỸ
09:12 - 09/01/2024
Máy bay MAX 9 điều hành bởi hãng hàng không Alaska Airlines với phần thân bị bung ra. Ảnh: Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB)
Máy bay MAX 9 điều hành bởi hãng hàng không Alaska Airlines với phần thân bị bung ra. Ảnh: Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB)
0:00 / 0:00
0:00
Các lo ngại liên quan tới quá trình sản xuất dòng máy bay 737 MAX của Boeing trở nên nghiêm trọng hơn ngày 8/1, sau khi hãng hàng không United Airlines thông báo tìm thấy nhiều bu lông bị lỏng trên một số máy bay MAX 9 đang bị cấm bay.

Ngày 5/1 trước đó, một phần thân máy bay MAX 9 vận hành bởi Alaska Airlines bung ra 7 phút sau khi cất cánh ở độ cao 4,8km, buộc các phi công phải hạ cánh khẩn cấp. Vụ việc này khiến các cơ quan quản lý tại Mỹ đưa ra lệnh cấm bay đối với 171 máy bay MAX 9.

Sau lệnh cấm này, Alaska Airlines – hãng hàng không đang vận hành 65 máy bay MAX 9 - đã hủy 141 chuyến bay, tương đương 20% số chuyến khởi hành theo lịch trình trong ngày 8/1. Hãng cho biết tình trạng gián đoạn dự kiến sẽ kéo dài ít nhất là tới giữa tuần. Trong khi đó, United Airlines, hãng đang vận hành 79 chiếc MAX 9, đã hủy 226 chuyến bay ngày 8/1, tương đương 8% số chuyến khởi hành theo lịch trình.

Theo dữ liệu từ công ty phân tích hàng không Cirium, có 144/171 chiếc MAX 9 bị cấm bay đang hoạt động tại Mỹ. Ở bên ngoài lãnh thổ Mỹ, các hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ, Copa Airlines của Panama và Aeromexico cho biết đã đình chỉ các máy bay bị ảnh hưởng. Indonesia cũng thông báo đã đình chỉ sử dụng 3 máy bay phản lực không nằm trong lệnh cấm này.

Tình hình dự kiến còn trở nên nghiêm trọng hơn nữa đối với Boeing sau khi hãng hàng không United Airlines ngày 8/1 tuyên bố đã phát hiện ra các bu lông cần siết chặt trên một số tấm kim loại ở thân máy bay. Theo Reuters trích dẫn thông báo chính thức, hãng hàng không cho biết: “Kể từ khi chúng tôi bắt đầu kiểm tra sơ bộ vào ngày 6/1, chúng tôi đã phát hiện các trường hợp có vẻ liên quan đến vấn đề lắp đặt ở chốt cửa – chẳng hạn như bu lông cần siết chặt hơn”.

Một nguồn tin của Reuters cho biết United Airlines tính tới hiện tại đã tìm thấy gần 10 máy bay bị lỏng bu lông trong quá trình kiểm tra sơ bộ, tăng so với 5 chiếc được báo cáo đầu tiên bởi tờ The Air Current. Người này cũng cho biết con số còn có thể tăng lên cao hơn nữa.

Trước mắt, các nguyên tắc kiểm tra chính xác vẫn đang được thảo luận giữa Boeing, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và các hãng hàng không. Sau khi quy trình cuối cùng được FAA phê duyệt, việc kiểm tra dự kiến sẽ mất vài ngày, buộc nhiều chuyến bay phải hủy bỏ. FAA cho biết các máy bay sẽ ở trong tình trạng bị cấm bay “cho đến khi các nhà khai thác hoàn thành các cuộc kiểm tra nâng cao” liên quan tới cửa thoát hiểm ở cabin bên trái và bên phải, các bộ phận cửa và dây an toàn”.

Alaska Airlines cho biết hãng đang chờ hướng dẫn sửa đổi cuối cùng từ Boeing trước khi có thể bắt đầu kiểm tra máy bay và cho biết mình sẵn sàng bắt đầu ngay khi nhận được sự chấp thuận cần thiết của FAA.

Về phía Boeing, nhà sản xuất khẳng định đang giữ liên lạc chặt chẽ với các nhà khai thác máy bay MAX 9 và sẽ giúp khách hàng giải quyết mọi vấn đề trong quá trình kiểm tra. Công ty tuyên bố: “Chúng tôi cam kết đảm bảo mọi máy bay Boeing đều đáp ứng các thông số kỹ thuật thiết kế cũng như các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn cao nhất. Chúng tôi rất tiếc về tác động mà điều này đã gây ra đối với khách hàng và hành khách của họ”.

Cổ phiếu Boeing đã giảm 8% ngày 8/1.

Bất kỳ mối lo ngại kéo dài nào cũng có thể làm tăng áp lực lên Boeing, nhà sản xuất vốn đã gặp phải nhiều vấn đề kể từ khi dòng máy bay 737 MAX bị cấm bay trong hơn 20 tháng sau 2 vụ tai nạn khiến 346 người thiệt mạng năm 2018 và 2019.

Tin liên quan

Đọc tiếp