CEO Tép Bạc: Công nghệ IoT giúp hạn chế rủi ro cho ngành nuôi tôm Việt

số hóa THỦY SẢN
12:04 - 10/02/2022
CEO Tép Bạc: Công nghệ IoT giúp hạn chế rủi ro cho ngành nuôi tôm Việt
0:00 / 0:00
0:00
Trăn trở với những khó khăn của ngành nuôi tôm Việt Nam, ông Trần Duy Phong, CEO Tép Bạc chia sẻ với MEKONG ASEAN về khát khao giúp nông dân Việt làm chủ công nghệ trong nuôi trồng thủy sản.

Bất chấp những diễn biến phức tạp của COVID-19, ngành sản xuất tôm của Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ. Sản phẩm tôm chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trị giá 8,8 tỷ USD của cả nước vào năm 2021. Tuy nhiên, các nhà sản xuất tôm của Việt Nam đang phải đối mặt với vô số thách thức trong việc giám sát trang trại và kiểm soát dịch bệnh. Vấn đề này làm cản trở khả năng tăng trưởng và tính bền vững của ngành.

Nhiều người nuôi tôm chia sẻ rằng các công nghệ hiện có trên thị trường Việt Nam còn hạn chế và biến đổi khí hậu cũng góp phần làm những sự cố nuôi trồng thủy sản thêm trầm trọng.

Đứng trước những vấn đề này, Công ty TNHH Tép Bạc đã sáng chế ra các giải pháp công nghệ để giảm thiểu rủi ro của ngành nuôi tôm nói riêng và ngành thủy sản Việt Nam nói chung. Trong đó, việc ứng dụng IoT của Tép Bạc đến các trang trại nuôi tôm trên khắp Việt Nam đã được GRAFT Challenge Vietnam 2021 vinh danh là 1 trong 9 giải pháp công nghệ nông nghiệp thế giới của năm.

Khát khao nâng tầm giá trị thủy sản Việt

Trao đổi với MEKONG ASEAN, ông Trần Duy Phong, CEO của Công ty TNHH Tép Bạc - quán quân Startup Việt 2020 cho biết, từ việc nhìn thấy những khó khăn, bất cập của ngành thủy sản, Tép Bạc mong muốn đưa giải pháp công nghệ giúp các hộ nuôi tôm tiết kiệm chi phí, giảm sức lao động, giảm rủi ro trong sản xuất, vận hành chính xác và tìm ra nguyên nhân của những vụ sản xuất chưa thành công.

Việt Nam hiện xuất khẩu thủy sản đến hơn 150 nước với công nghệ chế biến xếp loại ở mức khá, tuy nhiên quá trình nuôi trồng còn gặp nhiều vấn đề khiến thủy sản của Việt Nam không được đánh giá cao.

Hiện nay ngành thủy sản Việt Nam có nhiều khó khăn, người nông dân gặp trở ngại nhiều nhất trong chuỗi cung ứng. Nếu không thể vượt qua những thách thức, các hộ nuôi tôm sẽ không thể bán sản phẩm dẫn đến thua lỗ.

Theo ông Phong, nguyên nhân xuất phát từ việc hàng xuất khẩu thủy sản Việt Nam không được các nhà nhập khẩu EU, Mỹ, Nhật đánh giá cao, dẫn đến việc trả hàng. Trung bình mỗi năm, có 8% hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị hoàn trả do vi phạm các tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn môi trường.

CEO Tép Bạc: Công nghệ IoT giúp hạn chế rủi ro cho ngành nuôi tôm Việt ảnh 1

Thiết bị theo dõi môi trường nước đưa ra các cảnh báo và tự động điều chỉnh về chỉ số tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, giá thành sản xuất của Việt Nam đang ở mức cao nhất so với các nước xuất khẩu tôm. Các nước cạnh tranh với tôm Việt Nam như Malaysia, Thái Lan, Ecuado, Ấn Độ… đều có giá thành thấp hơn Việt Nam nhiều.

“Một khó khăn tồn tại lâu nay mà chưa được giải quyết là các chứng nhận thủy sản của Việt Nam còn có một bộ phận thiếu trung thực. Các nước nhập khẩu đánh giá thủy sản của Việt Nam có nhiều rủi ro về an toàn vệ sinh thực phẩm, tác động lớn đến môi trường. Khi sản xuất và có những bằng chứng chứng minh quá trình nuôi trồng minh bạch, người nông dân sẽ bán được giá cao hơn, lợi nhuận ngành từ đó sẽ tăng lên”, ông Phong cho hay.

Trên cơ sở hỗ trợ tối ưu sản xuất của từng hộ nông dân, ông Phong kỳ vọng các giải pháp công nghệ có thể liên kết với các doanh nghiệp đầu vào và đầu ra thành một chuỗi hoàn chỉnh để tối ưu giá trị ngành thủy sản. Việc lược bỏ các khâu trung gian, các công đoạn rườm rà sẽ giúp tiết giảm chi phí sản xuất.

Đặc biệt, các giải pháp công nghệ của Tép Bạc hướng đến hỗ trợ hiệu quả khâu truy xuất nguồn gốc, từ minh bạch trong sản xuất với việc ghi lại nhật ký rõ ràng sẽ chứng minh được chất lượng các sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Chuỗi cung ứng trong sản xuất cũng chính là định hướng của ngành nông nghiệp trong thời gian tới được thể hiện ở Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phê duyệt.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh rằng việc xây dựng chuỗi cung ứng sẽ hướng Việt Nam đến nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới.

Ứng dụng IoT của Tép Bạc đến các trang trại nuôi tôm trên khắp Việt Nam.

Ứng dụng IoT của Tép Bạc đến các trang trại nuôi tôm trên khắp Việt Nam.

Vượt khó khăn để người Việt dùng công nghệ Việt

Chia sẻ về câu chuyện phát triển giải pháp công nghệ thủy sản, CEO của Tép Bạc cho biết, khó khăn lớn nhất là tiếp cận người nông dân, vì họ có ít hiểu biết về công nghệ nên khả năng ứng dụng thấp. Vấn đề đặt ra là phải tìm cách thay đổi thói quen của người nông dân khi họ đã quen với việc nuôi trồng theo kinh nghiệm mà không có quản lý, quy trình cụ thể, cứ thả nuôi đến mùa là thu hoạch.

“Các thiết bị IoT trong môi trường nước ao nuôi cũng đối mặt với nhiều thách thức bởi độ mặn cao, nắng gắt dài ngày do đó các thiết bị điện tử dễ hư hỏng, không chính xác và không ổn định”, ông Phong cho biết thêm.

3 sáng chế công nghệ của Tép Bạc: Giải pháp ứng dụng quản lý trại nuôi, hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi tôm; Thiết bị IoT giúp vận hành các thiết bị ao nuôi tự động (máy bơm, máy cho ăn…) mà người nông dân không phải ra trực tiếp ao nuôi; Thiết bị theo dõi môi trường nước đưa ra các cảnh báo và tự động điều chỉnh về chỉ số tiêu chuẩn.

Khắc phục khó khăn, ông Phong chia sẻ, Tép Bạc đã ứng dụng thành công các công nghệ này sau nhiều lần thử nghiệm và hợp tác với các đối tác lớn như Minh Phú, Vĩnh Hoàn… những công ty hàng đầu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Là một trong 9 giải pháp công nghệ nông nghiệp được trao giải của Chương trình GRAFT Challenge Vietnam 2021, CEO Tép Bạc nhận định đây là cơ hội được học hỏi, tiếp xúc với nhiều chuyên gia công nghệ thế giới, được hỗ trợ định hình chiến lược trong quá trình phát triển sản phẩm để tối ưu hơn.

Nằm trong tình hình chung của các ngành, ông Phong cho biết, COVID-19 cũng gây ảnh hưởng nặng nề tới ngành thủy sản. Tôm cá đến mùa thu hoạch không bán được, đứt gãy chuỗi cung ứng không thể vận chuyển sản phẩm làm giảm giá tiêu thụ.

“Các trang trại nuôi gặp khó khăn khi nguyên liệu đầu vào tăng cao cùng với giá thủy sản giảm sút do đó họ ít cân nhắc nhiều đến đầu tư công nghệ. Kể cả các khi có những trại quan tâm thì Tép Bạc cũng không thể đi lại để lắp đặt và hỗ trợ trực tiếp được”, đại diện Tép Bạc cho biết thêm.

Tuy nhiên, COVID-19 cũng giúp các giải pháp công nghệ của Tép Bạc ghi thêm dấu ấn, khi giãn cách xã hội làm phát sinh nhu cầu quản lý ao nuôi từ xa của các hộ sản xuất. Do đó, họ cân nhắc nhiều hơn đến các giải pháp quản lý trang trại tự động.

Trong năm 2022, ông Trần Duy Phong chia sẻ sẽ đẩy mạnh đưa các giải pháp công nghệ đến đông đảo các hộ nuôi trồng. Cụ thể, Tép Bạc sẽ kết hợp với các đối tác cung cấp vật tư đầu vào nhân rộng hơn các giải pháp công nghệ.

Bên cạnh đó, Tép Bạc cũng sẽ xây dựng các đại lý ở những tỉnh thành có trang trại nuôi để tiếp cận các hộ nông dân dễ hơn, kết hợp trực tiếp – trực tuyến hướng dẫn người nuôi tôm lắp đặt và vận hành.

Công ty cũng đặt mục tiêu đạt doanh thu 1 triệu USD trong năm tới và đạt 6 triệu USD vào năm 2024 để trở thành nền tảng quản lý nuôi trồng thủy sản hàng đầu tại Việt Nam.

“Vượt qua hàng trăm dự án đại diện cho Việt Nam tham gia GRAFT 2021, Tép Bạc đã khẳng định được giá trị của mình trong cộng đồng khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp Việt Nam”, ông Nguyễn Đức Tùng, Cố vấn kỹ thuật cấp cao của GRAFT Challenge Vietnam nhận định.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.