Chế biến là con đường dài để nông sản Việt nâng giá trị

Nông Sản Việt nAM
17:52 - 13/01/2022
Muốn xây dựng chuỗi bền vững trong sản xuất, khâu bảo quản, chế biến sản phẩm cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả các thành phần từ doanh nghiệp, hợp tác xã.
Muốn xây dựng chuỗi bền vững trong sản xuất, khâu bảo quản, chế biến sản phẩm cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả các thành phần từ doanh nghiệp, hợp tác xã.
0:00 / 0:00
0:00
Mỗi năm Việt Nam sản xuất được khoảng 28 triệu tấn rau quả, tuy nhiên năng lực sơ chế mới chỉ giải quyết 30% trong số này. Đại dịch Covid-19 gây ra những khó khăn trong tiêu thụ đang gia tăng áp lực phải đẩy mạnh khâu chế biến trong thời gian tới.

Tại Diễn đàn đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả ứng phó khó khăn của dịch COVID-19 ngày 13/1, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã thông báo tin tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam về việc cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai) chính thức thông quan trở lại sản phẩm thanh long của Việt Nam, từ sáng nay.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý các doanh nghiệp rằng trong bối cảnh nhiều loại nông sản của Việt Nam bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, sản lượng đang có nhu cầu tiêu thụ là rất lớn. Do đó các doanh nghiệp phải thường xuyên liên hệ với các đơn vị chức năng ở các cửa khẩu để nắm bắt kịp thời thông tin, điều tiết xe lên cửa khẩu xuất đi Trung Quốc một cách hợp lý, nếu không tình trạng ùn ứ sẽ tiếp tục gây ra thiệt hại rất lớn.

Việc phải phụ thuộc quá nhiều vào tình hình thông quan cửa khẩu sang Trung Quốc như thời gian qua cũng đang phản ánh một tình trạng cố hữu trong sản xuất nông sản của Việt Nam. Theo Thứ trưởng Nam, đó là việc hầu hết các đơn vị chỉ tập trung vào xuất khẩu các sản phẩm hoa quả tươi, mà không tập trung nhiều vào việc đưa các sản phẩm này vào các nhà máy chế biến để mở rộng kênh tiêu thụ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam

Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách nhằm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Năm 2021, Bộ triển khai thí điểm xây dựng ở 11 tỉnh các vùng nguyên liệu trái cây, cà phê, gỗ, thủy sản… để làm căn cứ nhân rộng ra cả nước theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu lớn.

“Bên cạnh đó, hiện nay các nhà máy chế biến rất cần và thiếu nguyên liệu. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là xây dựng được mối liên kết giữa doanh nghiệp với HTX, người sản xuất một cách lâu dài, bền chặt, qua đó nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm vẫn chưa được như mong muốn”, Thứ trưởng Nam đánh giá thêm.

Muốn xây dựng chuỗi bền vững trong sản xuất, khâu bảo quản, chế biến sản phẩm cần có sự chung tay của tất cả các thành phần từ doanh nghiệp, hợp tác xã… mới có thể đảm bảo gia tăng giá trị cho sản phẩm. Bên cạnh việc xây dựng chuỗi xuất khẩu, các địa phương, vùng nguyên liệu còn cần quan tâm đến xây dựng chuỗi liên kết để đưa sản phẩm của mình vào các nhà máy chế biến.

“Để làm được điều này, việc đầu tiên là phải chuyển biến về mặt tư duy nhận thức trong chế biến các mặt hàng nông lâm sản. Các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào xuất khẩu thô mà quan tâm nhiều hơn đến việc đưa các sản phẩm vào chuỗi liên kết chế biến”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

Cung cấp thông tin về năng lực chế biến rau quả của Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết năng lực sản xuất rau quả hàng năm của Việt Nam là 28 triệu tấn. Nhưng trình độ công nghệ chế biến rau, quả chỉ ở mức trung bình tiên tiến, năng lực sơ chế rau quả khoảng 30%.

Ông Toản cho rằng vai trò chủ lực để giải quyết vấn đề này nằm ở các doanh nghiệp, hiệp hội. Về phía người sản xuất, mấu chốt nằm ở việc nguyên vật liệu đầu vào phải đạt chuẩn. “Quan điểm về hoa quả chế biến dùng nguyên liệu không chuẩn là rất sai lầm. Đơn cử như Nafoods, đơn vị này chế biến nhiều loại quả sấy khô, sấy dẻo, yêu cầu cao về mặt đầu vào”, ông Toản nói thêm.

Ảnh tác giả

“Theo thống kê của Cục, trong 3 - 4 năm qua, công nghệ chế biến đang được quan tâm, không chỉ ở chính sách, mà ở cộng đồng doanh nghiệp. Từ 2018 - 2020, có đến 70 tổ hợp chế biến lớn với tổng đầu tư hơn 20 tỷ USD. Khâu chế biến quan trọng còn bởi đặc điểm của Việt Nam là nước có nhiều rau củ quả nhiệt đới, đa dạng về chủng loại”.

Ông Nguyễn Quốc Toản

Một vấn đề tồn tại được Cục Chế biến chỉ ra là tỷ lệ chế biến nông sản Việt Nam còn thấp. Cụ thể, năm 2019, xuất khẩu thô là 90%. Đến năm 2020 - 2021, xuất khẩu qua chế biến là 30%, đó là bước tiến, tuy nhiên tỷ lệ này cần đẩy cao hơn nữa. Ở thị trường Trung Quốc, xu hướng giới trẻ hiện nay là dùng sản phẩm sấy khô, sấy dẻo, mở ra cơ hội cho nông sản chế biến của Việt Nam

Phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản Việt

Vấn đề chuỗi giá trị nông sản Việt cũng được các doanh nghiệp chia sẻ. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nafoods bày tỏ: “Tôi rất tâm đắc vấn đề Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu ra. Trong khủng hoảng, chúng ta có giải pháp quyết liệt để tiêu thụ cho bà con nông dân là điều rất tốt. Tuy nhiên, tôi cũng trăn trở là làm sao phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản Việt? Làm sao tránh việc Bộ cứ thi thoảng phải xử lý khủng hoảng?”.

Ông Hùng cho biết Nafoods cũng hòa mình vào cái chung của các doanh nghiệp sản xuất, chung tay xử lý việc ùn ứ ở cửa khẩu. Doanh nghiệp này mỗi ngày tiêu thụ 500 - 600 tấn thanh long, xoài tại các nhà máy chế biến ở khắp 3 miền đất nước. Tuy nhiên, trong chế biến thì câu chuyện về thuốc bảo vệ thực vật vẫn là thách thức cần xử lý.

Để phát triển bền vững chuỗi nông sản Việt, ông Hùng đề cập đến 4 mắt xích quan trọng: giống, vùng trồng, sản xuất - logicstic và tiêu thụ.

Về giống, Chủ tịch HĐQT Nafoods mong muốn Bộ NN&PTNT hạn chế nhập khẩu với những giống mà doanh nghiệp trong nước đã chủ động. Đại diện Nafoods cho biết đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng làm nên giống chanh leo thương hiệu Việt Nam.

“Mong rằng các địa phương cần quản lý chặt chẽ với các đơn vị nhỏ lẻ làm giống giả. Đây là việc làm ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Không thể để việc một hộ chỉ bỏ ra vài chục triệu để làm giống giả, rồi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu”, ông Hùng nêu vấn đề.

Ảnh tác giả

"Để thực hiện được mong muốn của Thủ tướng đưa Việt Nam lọt vào Top 10 nước chế biến, xuất khẩu nông sản hàng đầu, chúng ta cần đặt ra hồi chuông cảnh tỉnh về vùng trồng và nhấn mạnh tất cả cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân cần thay đổi. Cần truyền thông để thay đổi tư duy của người nông dân về số hóa, sản xuất an toàn".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng

Ông Hùng chỉ ra, hiện nay Trung Quốc đã bao tiêu hết thanh long, doanh nghiệp nước bạn yêu cầu phun thuốc gì thì phun, nông dân không biết. Đây là vấn đề cần đặt ra với cơ quan quản lý. Về truy xuất nguồn gốc, Nafoods khẳng định đơn vị này đã đi tiên phong. Còn về việc xây dựng nhà máy chế biến, ông Hùng kiến nghị Bộ NN&PTNT cũng như Cục Chế biến Phát triển thị trường nông sản cho doanh nghiệp vay ưu đãi bằng vốn từ ngân sách để nâng cao năng suất.

Văn hóa kinh doanh cũng là vấn đề mà lãnh đạo cao nhất của Nafoods đề cập. “Doanh nghiệp phải nắm tay nhau như ở Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc. Tôi lấy ví dụ, Nafoods với Đồng Giao đang bán chanh leo cô đặc với giá 4.500đ, song có doanh nghiệp nhỏ vừa ra mắt đã rao giá 4.000đ. Sản lượng của họ ít, thậm chí là không có. Song khách hàng dựa vào đó ép giá chúng tôi. Mà khi bị mất đầu ra, chúng tôi buộc phải mua của nông dân với giá thấp hơn. Thiệt hại theo chuỗi như thế là điều rất đáng buồn”, đại diện Nafoods chia sẻ.

Dưới góc độ là một doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit cũng tán thành ý kiến của ông Hùng về việc cần liên kết các doanh nghiệp lại để trao đổi xây dựng các đầu mối thông tin.

Ông Viên phân tích, năm 2021, có 113 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu và 110 doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu sản phẩm mít. Tuy nhiên số lượng lớn chỉ tập trung phần lớn ở 5 cá nhân của Việt Nam và 3 cá nhân Trung Quốc.

“Điều đó cho thấy, đây là cuộc chơi mang tính cá nhân của các thương nhân, thương lái Việt Nam và Trung Quốc. Nếu chúng ta không bắt tay, trao đổi với nhóm thương nhân này sẽ không nắm bắt được thông tin, tình hình diễn biến thị trường”, ông Nguyễn Lâm Viên nhận định.

Ảnh tác giả

"Để phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản cần kết nối thông tin thị trường bằng việc xây dựng trung tâm đầu mối tiếp nhận, phân bổ thông tin tại các vùng trồng".

Ông Nguyễn Lâm Viên

“Các các địa phương cần xây dựng, đầu tư nâng cao năng lực sơ chế, chế biến. Vấn đề cốt lõi là kết nối thị trường nên rất cần có những trung tâm tiếp nhận thông tin sau đó phân bổ cho các vùng trồng, qua đó có thể kiểm soát vùng trồng cũng như kiểm soát thị trường”, đại điện Vinamit đề xuất.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.