Xuất nhập khẩu 2021: Nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm hơn 86%

XNK Việt nAM
08:15 - 10/01/2022
Ảnh:
Ảnh:
0:00 / 0:00
0:00

Vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm trước, trở thành điểm sáng của nền kinh tế và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Thông tin đó được Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ tại Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công Thương” do Bộ Công Thương vừa mới tổ chức tại Hà Nội.

Cũng tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2021, sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng và duy trì mức tăng trưởng gần 5%, cao hơn cùng kỳ năm trước; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục khẳng định vai trò động lực cho tăng trưởng của toàn ngành, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội...

Để đạt được kết quả này, đó là sự nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu cùng với Bộ Công Thương.

Xuất khẩu lập kỷ lục

Năm 2021, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, thương mại toàn cầu suy giảm, bảo hộ mậu dịch gia tăng, tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nền kinh tế sụt giảm.

Tuy nhiên xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn bứt phát, đạt mức tăng trưởng cao, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 4-5%). Đây cũng là năm thứ 6 Việt Nam ghi nhận mức xuất siêu với mức thặng dư trên 4 tỷ USD.

Xuất khẩu thủy sản về đích ngoạn mục đạt 8,89 tỷ USD - Ảnh: minh họa

Xuất khẩu thủy sản về đích ngoạn mục đạt 8,89 tỷ USD - Ảnh: minh họa

Bên cạnh đó, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển đã trở thành động lực tăng trưởng mới, góp phần quan trọng trong việc chống đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm khoảng 86,24% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm trước.

Các mặt hàng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 57,5 tỷ USD (tăng 12,4%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 51,01 tỷ USD (tăng 14,4%)...

Đặc biệt, dệt may và da giày là 2 nhóm hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020 đã có sự phục hồi, với kim ngạch ước đạt 32,74 tỷ USD và 17,65 tỷ USD, ước tăng lần lượt 9,8% và 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Trong năm 2021 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 1 mặt hàng so với năm 2020 và chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, tăng 2 mặt hàng so với năm 2020).

Thị trường xuất khẩu gia tăng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và đặc biệt tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới.

Nhờ Hiệp định EVFTA, thương mại Việt Nam - EU năm 2021 tăng trưởng mạnh - Ảnh: minh họa
Nhờ Hiệp định EVFTA, thương mại Việt Nam - EU năm 2021 tăng trưởng mạnh - Ảnh: minh họa

Kim ngạch xuất khẩu sang các khu vực thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương, tăng cao ở những thị trường có FTA với Việt Nam như: Trung Quốc tăng 15%, Hoa Kỳ tăng 24,2%; EU tăng 14%; ASEAN tăng 25,8%, Hàn Quốc tăng 15,8%...

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, cho thấy hiệu quả cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu (xuất khẩu sang Canada đạt 5,2 tỷ USD, tăng 19,5%; xuất khẩu sang Mexico đạt 4,6 tỷ USD, tăng 46,1%)...

Xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng 40,07 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, điển hình như thủy sản, tôm, gạo…

Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam

Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt gần 110 tỷ USD - Ảnh: minh họa

Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt gần 110 tỷ USD - Ảnh: minh họa

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020. Trong đó khối doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 114 tỷ USD, tăng 21,8% so với năm 2020; khối doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu 218,18 tỷ USD, tăng 29,1%.

Kiểm soát nhập khẩu được thực hiện tốt, theo đó, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đã tăng trưởng chậm lại và nhập khẩu các mặt hàng cần thiết cho sản xuất. Tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu đều tăng khá.

Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu luôn chiếm gần 90%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 6%.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 109,79 tỷ USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 56,09 tỷ USD, tăng 19,6%; thị trường ASEAN đạt 41,1 tỷ USD, tăng 34,9%; Nhật Bản đạt 22,52 tỷ USD, tăng 10,7%; thị trường EU đạt 17 tỷ USD, tăng 16,1%; Hoa Kỳ đạt 15,5 tỷ USD, tăng 13%.

Khó khăn còn tồn đọng

Dù xuất nhập khẩu nước ta đạt được những kết quả “bùng nổ” trong năm 2021, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể,

Mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI lại tăng lên so với những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 247,5 tỷ USD tăng 21,1%, chiếm 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ước đạt khoảng 88,7 tỷ USD, tăng 13,4%, thấp hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước (19%) và chỉ chiếm 26,4% kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm 2020 chiếm 27,7%).

Tính đến ngày 7/1, có gần 7.000 xe container còn tác nghẽn ở cửa khẩu phía Bắc. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, hiện nay số lượng hàng tồn đọng tại cửa khẩu biên giới Trung Quốc chủ yếu là hàng xuất khẩu tiểu ngạch. Muốn chuyển sang chính ngạch lại gặp khó khăn về chất lượng sản phẩm.

Lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sụt giảm (cà phê, chè, hạt tiêu, gạo) do gặp khó khăn về thị trường. Tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết.

Một số nông sản quá dựa vào hình thức trao đổi cư dân nên luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc tại cửa khẩu kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại qua biên giới.

Lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên giá cả, chứ chưa dựa trên giá trị. Vì vậy, phát triển xuất khẩu của ta chưa thực sự bền vững, khi hàng hóa trên thị trường biến động sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu chung.

Ảnh tác giả

"Một số nông sản quá dựa vào hình thức trao đổi cư dân nên luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc tại cửa khẩu kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại qua biên giới. Bên cạnh đó, năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa cao…”

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

Đồng quan điểm, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Lê Minh Hoan: “Năm 2021, xuất khẩu nông nghiệp đạt gần 49 tỷ USD, nhưng chưa bền vững, vì vậy cần có sự tham gia của các cơ quan liên quan để thành lập các liên minh xuất khẩu cho từng thị trường”.

Về phía Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ, ngành trong việc thực thi phối hợp, triển khai các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, quảng bá hàng hóa, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.

Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu năm 2022

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, để giải quyết khó khăn từ tác động của đại dịch, nâng cao năng lực xuất khẩu năm 2022, Bộ Công Thương cần thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, ứng phó kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Song song với đó, đẩy mạnh phát triển TMĐT khi đây là hướng đi tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Ảnh tác giả

“Tiếp tục tập trung phát triển thương mại nội địa, mở rộng hệ thống phân phối như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối... nhằm thúc đẩy tiêu dùng, phát triển TMĐT gắn với thương mại truyền thống để khai thác hiệu quả sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng chuyển đổi số".

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành

Để tạo đà cho xuất khẩu, Bộ Công Thương cần tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết.

“Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa cho sản xuất, xuất khẩu, giảm chi phí logistics,” Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại được xác định là giải pháp đột phá trong đại dịch. Chính vì vậy, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh việc triển khai hiệu quả nội dung này, qua đó giúp địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cụ thể, tập trung vào những giải pháp phù hợp với từng thị trường, ngành hàng, đối tượng hỗ trợ, cũng như tập trung nguồn lực cho các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên sâu, có tính trung và dài hạn…

Chú trọng, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại theo chuỗi giá trị từ phát triển sản phẩm đến xây dựng thương hiệu và thâm nhập thị trường. Tập trung ưu tiên hoạt động xúc tiến xuất khẩu khai thác thị trường đã có FTA với Việt Nam.

“Nâng cao năng lực về Phòng vệ thương mại để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là củng cố cơ chế phối hợp thống nhất, xuyên suốt xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương; giữa các cơ quan trong nước và ngoài nước; giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và hiệp hội ngành hàng,” lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay.

Tin liên quan

Đọc tiếp