Chính quyền Biden tung đòn mới lên Huawei và ZTE

an ninh mạng MỸ
09:51 - 12/11/2021
Các công ty công nghệ Trung Quốc đều nằm trong tầm ngắm của đạo luật mới mà phía Mỹ đưa ra. Ảnh: Reuters
Các công ty công nghệ Trung Quốc đều nằm trong tầm ngắm của đạo luật mới mà phía Mỹ đưa ra. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 11/11 đã ký luật ngăn chặn các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei và ZTE nhận giấy phép cung cấp thiết bị mới từ các cơ quan quản lý Mỹ, do cả hai đều bị coi là mối đe dọa an ninh.

Quyết định của Tổng thống Joe Biden được đưa ra vài ngày trước khi ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến ​​sẽ tổ chức một cuộc hội đàm thượng đỉnh trực tuyến vào ngày 15/11, ngay trong bối cảnh căng thẳng giữa hai quốc gia về thương mại, nhân quyền và các hoạt động quân sự.

Đạo luật Thiết bị Bảo mật mới đã yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) không xem xét hoặc phê duyệt bất kỳ đơn xin cấp phép nào đối với thiết bị gây rủi ro đối với an ninh quốc gia. Quy định này được Thượng viện Mỹ thông qua vào ngày 28/10 và được Hạ viện Mỹ chấp thuận hồi đầu tháng 11 vừa qua.

Đây được xem là những nỗ lực mới nhất của phía Nhà Trắng nhằm trấn áp các công ty viễn thông và công nghệ Trung Quốc.

Ủy viên FCC Brendan Carr cho biết cơ quan này đã phê duyệt hơn 3.000 đơn đăng ký từ Huawei kể từ năm 2018. Tuy nhiên, theo quan chức này khi luật mới được áp dụng "sẽ giúp đảm bảo rằng các thiết bị không an toàn từ các công ty như Huawei và ZTE không còn có thể được đưa vào các mạng truyền thông của Mỹ".

Trước đó vào tháng 3, cơ quan FCC đã chỉ định 5 công ty Trung Quốc với cảnh báo là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, chiếu theo luật năm 2019 nhằm bảo vệ các mạng lưới liên lạc của Mỹ.

Các công ty được nêu tên bao gồm Huawei, ZTE, Hytera Communications, Hangzhou Hikvision Digital Technology và Zhejiang Dahua Technology.

FCC vào tháng 6 đã bỏ phiếu nhất trí thúc đẩy kế hoạch cấm phê duyệt thiết bị công nghệ từ các công ty Trung Quốc trong mạng viễn thông của Mỹ. Với đa số phiếu chấp thuận, FCC có quyền thu hồi giấy phép thiết bị trước đó đã cấp cho các công ty Trung Quốc.

Trước động thái trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phản bác: "Dù không có bằng chứng, Mỹ vẫn lạm dụng vấn đề an ninh quốc gia và quyền lực nhà nước để trấn áp các công ty Trung Quốc”.

Còn Huawei đánh giá các biện pháp của phía FCC là "sai lầm và là hình thức trừng phạt không cần thiết".

Hồi tháng 10, FCC đã bỏ phiếu thu hồi giấy phép của công ty con thuộc China Telecom hoạt động tại Mỹ, cũng với lý do quan ngại về an ninh quốc gia.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.