Chủ nhân Giải Nobel Hóa học 2022 là 3 nhà khoa học nghiên cứu phân tử

Giải Nobel THẾ GIỚI
18:13 - 05/10/2022
3 nhà khoa học nhận Giải Nobel Hóa học năm 2022 gồm Carolyn R. Bertozzi, Morten Meldal và K. Barry Sharpless. Ảnh: Nobel Prize
3 nhà khoa học nhận Giải Nobel Hóa học năm 2022 gồm Carolyn R. Bertozzi, Morten Meldal và K. Barry Sharpless. Ảnh: Nobel Prize
0:00 / 0:00
0:00

Ngày 5/10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố Giải Nobel Hóa học 2022 thuộc về 3 nhà khoa học Carolyn R. Bertozzi (Mỹ), Morten Meldal (Đan Mạch) và K. Barry Sharpless (Mỹ) với nghiên cứu về phát triển hóa học Click và hóa học trực giao. 

2 nhà khoa học Sharpless và Meldal là những người đã đặt nền móng cho nghiên cứu hóa học Click - một dạng hóa học chức năng. Trong đó, các khối xây dựng phân tử kết hợp với nhau một cách nhanh chóng và hiệu quả. Còn nhà khoa học Bertozzi đã đưa nghiên cứu này lên một tầm cao mới và sử dụng trong các tổ chức sống.

Theo Ban tổ chức Giải Nobel, hóa học Click và phản ứng sinh trực giao đang được giới nghiên cứu dùng rộng rãi trên toàn cầu để khám phá tế bào và theo dõi quá trình sinh học.

"Bằng việc sử dụng phản ứng sinh trực giao, các nhà nghiên cứu đã cải tiến thuốc điều trị ung thư, hiện nay đang được thử nghiệm lâm sàng. Hai nghiên cứu này đã góp phần đưa lĩnh vực hóa học nhân loại vào kỷ nguyên hữu dụng, mang lại lợi ích lớn nhất", ban tổ chức cho biết.

Với việc trở thành chủ nhân Giải Nobel Hóa học năm 2022, nhà khoa học K. Barry Sharpess đã trở thành người thứ 5 trên thế giới được nhận 2 giải Nobel. Trước đây, ông Sharpless từng nhận Giải Nobel Nobel Hóa học năm 2001. Trong khi đó, nhà khoa học Carolyn R. Bertozzi trở thành người phụ nữ thứ 8 trên thế giới được nhận Giải Nobel hóa học.

Giải thưởng 10 triệu Crown Thụy Điển (tương đương 915.072 USD) sẽ được chia đều cho 3 nhà khoa học trên.

Cuộc họp báo công bố chủ nhân Giải Nobel Vật lý năm 2022 tại Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: Reuters
Cuộc họp báo công bố chủ nhân Giải Nobel Vật lý năm 2022 tại Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: Reuters

Trước đó, vào năm 2021, Giải Nobel Hóa học được trao cho 2 nhà khoa học là Benjamin List và David WC MacMillan vì đã nghiên cứu "sự phát triển của phương pháp xúc tác hữu cơ không đối xứng”. Giải Nobel Hóa học năm 2020 đã được trao cho 2 nhà khoa học Emmanuelle Charpentier và Jennifer A. Doudna vì công trình nghiên cứu "sự phát triển của một phương pháp chỉnh sửa bộ gen".

Kể từ năm 1901 đến năm 2020, Giải Nobel Hóa học đã được trao 112 lần, cho 186 nhà khoa học. Trong đó, ông Frederick Sanger là người duy nhất đã được trao giải Nobel Hóa học hai lần, vào năm 1958 và 1980.

Nhà khoa học Marie Curie là người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel Hóa học. Bà được trao giải thưởng này vào năm 1911 “để ghi nhận những công lao của bà đối với sự tiến bộ của hóa học khi khám phá ra các nguyên tố radium và polonium, bằng cách phân lập radium và nghiên cứu bản chất và các hợp chất của nguyên tố đặc biệt này”.

Tuần lễ công bố giải Nobel bắt đầu vào ngày 3/10, trong đó Giải Nobel Y sinh năm 2022 thuộc về nhà khoa học, di truyền học người Thụy Điển Svente Paabo vì những phát hiện mang tính đột phá của ông về sự tiến hóa của con người. Giải Nobel Vật lý năm 2022 được công bố hôm 4/10 cho bộ 3 nhà khoa học Alain Aspect (Pháp), John Clauser (Mỹ) và Anton Zeilinger (Áo) nhờ những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực khoa học lượng tử.

Trong những ngày tiếp theo, Giải Nobel Văn học được công bố vào ngày 6/10. Giải Nobel Hòa bình là giải thưởng duy nhất được công bố ở Oslo (Na Uy) vào ngày 7/10, trong khi Giải Nobel Kinh tế sẽ được trao ngày 10/10.

Tin liên quan

Đọc tiếp