Chủ tịch Fed và 'một tâm thế khác' cho Hội nghị Jackson Hole

FED MỸ
06:00 - 23/08/2023
Chủ tịch Fed và 'một tâm thế khác' cho Hội nghị Jackson Hole
0:00 / 0:00
0:00
Giới đầu tư đang đổ dồn sự chú ý vào bài phát biểu rất được mong đợi của Chủ tịch Fed tại Hội nghị Jackson Hole để tìm manh mối về triển vọng lãi suất.

Thông tin về Hội nghị Chính sách Kinh tế do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Jackson Hole, bang Wyoming, còn gọi tắt là Hội nghị Jackson Hole đang nhận được sự quan tâm của giới đầu tư phố Wall. Đây là hội nghị thường niên của các ngân hàng trung ương do Fed chủ trì, năm nay tổ chức từ ngày 24 - 26/8.

Tâm điểm của hội nghị sẽ là bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến vào lúc 10h ngày 25/8 (theo giờ địa phương).

Giới đầu tư sẽ theo dõi bài phát biểu để tìm manh mối về triển vọng lãi suất, sau khi Fed đã tăng phạm vi lãi suất lên 5,25-5,5% vào tháng trước, mức cao nhất trong 22 năm.

Biên bản cuộc họp tháng 7 vừa được Fed công bố tuần trước cho thấy các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ vẫn cảnh giác trước rủi ro lạm phát duy trì cao hơn mong đợi, buộc họ phải tăng lãi suất hơn nữa, mặc dù một số quan chức muốn giữ lãi suất ổn định và cảnh báo về rủi ro chính sách quá thắt chặt khi lạm phát giảm.

Tại một cuộc họp báo vào tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng không loại trừ khả năng tăng lãi suất vào tháng 9. Ông cho hay: "Số liệu lạm phát đang có sự cải thiện mạnh mẽ, nhưng cũng có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Chúng tôi phải theo dõi sát sao dữ liệu và cho biết chúng tôi đã đi được bao xa. Chúng tôi có thể chậm lại một chút cũng như mạnh tay trước khi lạm phát nóng trở lại".

Đặc biệt, ông nhấn mạnh quan điểm rằng các quan chức có ý định "duy trì chính sách hạn chế cho đến khi có đủ bằng chứng rằng lạm phát sẽ giảm bền vững xuống mục tiêu 2% và sẽ sẵn sàng thắt chặt hơn nữa nếu cần".

Một tâm thế rất khác....

Nhớ lại năm ngoái, tại hội nghị Jackson Hole, ông Jerome Powell chỉ phát biểu rất ngắn gọn, khoảng 8 phút đồng hồ. Ông cũng không nói sâu và rộng về những vấn đề liên quan như thường lệ.

Chủ tịch Fed đã đi thẳng vào vấn đề là lãi suất với một tông giọng cứng rắn rằng cơ quan này sẽ sử dụng tối đa các công cụ để chống lại lạm phát. Đó là tiếp tục tăng lãi suất và giữ các lãi suất ở mức cao cho đến khi họ thực sự tự tin kiểm soát được lạm phát, về quanh mốc mục tiêu 2%.

Đây được đánh giá là phát biểu thẳng thắn và rõ ràng, truyền đi thông điệp rằng với Fed thời điểm đó thì ưu tiên số 1 là hạ nhiệt lạm phát cho dù có phải hy sinh phần nào đó của tăng trưởng.

Chủ tịch Fed và 'một tâm thế khác' cho Hội nghị Jackson Hole ảnh 1

Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Hội nghị Jackson Hole. Ảnh: Bloomberg

Hội nghị năm nay, chẳng rõ người đứng đầu ngân hàng trung ương quan trọng nhất thế giới có còn "kiệm lời" như thế nữa không nhưng rõ ràng ông Powell có cớ để "nhiều lời" khi đã quay lại Jackson Hole với tâm thế khác.

Hơn một năm trước, suy thoái kinh tế được coi là điều không thể tránh với nền kinh tế Mỹ nhưng giờ đây họ đang đứng trước triển vọng "hạ cánh mềm", bất chấp hàng loạt đợt tăng lãi suất. Hầu hết các nhà phân tích và kinh tế học đánh giá Fed đã khá thành công trong việc giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế.

Lạm phát đã giảm đáng kể từ mức báo động, giảm 2/3 so với mức 9,1% còn 3,2% trong tháng 7 vừa qua. Thị trường lao động vẫn tốt, thất nghiệp thấp, người Mỹ vẫn tăng chi tiêu tiêu dùng.

Kỳ vọng "hạ cánh mềm"

Nhìn rõ hơn bối cảnh kinh tế Mỹ hiện tại, theo Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 7/2023, CPI tăng 3,2%, so với cùng kỳ năm trước. Số liệu này cao hơn mức 3% của tháng 6 nhưng lại thấp hơn mức dự báo 4,8% của các chuyên gia. CPI lõi - loại trừ thực phẩm và năng lượng - tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm nhẹ so với mức tăng 4,8% trong tháng trước.

Bộ Thương mại Mỹ cũng ra báo cáo cho biết nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,4% trong quý 2/2023, cao hơn nhiều so với mức 1,8% mà các nhà kinh tế dự báo và cao hơn mức tăng trưởng 2% trong quý 1/2023.

Lập trường về khả năng "hạ cánh mềm" của Mỹ của giới chuyên gia cũng đã lạc quan hơn khi lạm phát đang ở mức vừa phải và sẽ tiếp tục duy trì trong khi tỷ lệ thất nghiệp sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới.

Trong đó, một trong những tín hiệu kinh tế lạc quan phải kể đến đầu tiên là khả năng phục hồi của thị trường lao động. Nhiều lập luận cho rằng chính sách tiền tệ sẽ đẩy nhu cầu lao động đi xuống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy về cơ bản thị trường lao động Mỹ đã có những phục hồi đáng kể, ngoại trừ trong lĩnh vực công nghệ xảy ra các đợt sa thải lớn do hậu quả của việc tuyển dụng nhân sự quá mức trước đó. Ở các lĩnh vực khác như ngành dịch vụ, tỷ lệ tuyển dụng lao động mới vẫn được duy trì với tốc độ cao.

Khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng của Mỹ cũng là điều đáng ghi nhận. Lạm phát thời gian qua ở Mỹ là do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, cho đến nay, nguồn cung đang phục hồi do các chuỗi cung ứng được nối lại và đa dạng hóa hơn.

Bên cạnh đó là khả năng phục hồi của người tiêu dùng. Mặc dù một số nhà kinh tế lo ngại tiền lương tăng trưởng có thể gây ra lạm phát nhưng nó lại giúp vực dậy người tiêu dùng Mỹ, khiến họ mạnh dạn chi tiêu hơn. Sản lượng kinh tế Mỹ tăng tốc trong những tháng gần đây cũng là nhờ vào chi tiêu của người tiêu dùng vững chắc.

Fed chưa thể vội ăn mừng

Dẫu vậy, Fed chưa thể vội vàng hân hoan và chúc tụng nhau về niềm vui chiến thắng tại Jackson Hole lần này khi chính bản thân Fed không thể chắc chắn rằng đã tăng lãi suất đủ cao để kiềm chế lạm phát hay chưa.

Thậm chí, cơ quan này còn chưa xác định rõ được việc chính sách thắt chặt sẽ được duy trì trong bao lâu. Đây là câu hỏi quan trọng nhất, có ảnh hưởng lớn tới thị trường tài chính.

Chưa kể, nền kinh tế Mỹ vẫn phải đối mặt với vô vàn thách thức từ cả bên trong và bên ngoài. Tình trạng lạm phát có thể vẫn là vấn đề của vài tháng tới do hàng nhập khẩu rẻ từ Trung Quốc tràn vào thị trường Mỹ ngày một nhiều, cùng với đó là sự thông suốt của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như giá nhà thuê giảm đi.

Ngoài ra, mặc dù giai đoạn đầu tiên của cuộc "hạ cánh mềm" là một thành công, nhưng loại trừ khả năng xảy ra suy thoái sẽ là một sai lầm. Suy thoái thậm chí vẫn có thể xảy ra và theo thời gian thì đây là điều không thể tránh khỏi.

Một điều nổi bật trong các cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh quý 2 vừa qua là nhiều CEO tuyên bố ngành kinh doanh của Mỹ đã suy thoái. Thực tế, hoạt động kinh doanh đang suy giảm trong một số ngành cụ thể như sản xuất, hóa chất, hộp carton, vận chuyển hàng hóa, công nghệ/điện tử, bất động sản dân cư và thương mại, thâu tóm và sáp nhập và quảng cáo...

Đọc tiếp