Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình gửi tâm thư cho cổ đông

Hòa Bình Group Xây dựng
15:02 - 14/12/2022
Ông Lê Viết Hải sẽ chính thức rời khỏi vị trí HĐQT Xây dựng Hòa Bình từ ngày 1/1/2023.
Ông Lê Viết Hải sẽ chính thức rời khỏi vị trí HĐQT Xây dựng Hòa Bình từ ngày 1/1/2023.
0:00 / 0:00
0:00
Ngoài vai trò Chủ tịch Hội đồng sáng lập, tiếp tục tham gia tư vấn cho HĐQT Xây dựng Hòa Bình, ông Lê Viết Hải cho biết sẽ dành thời gian tập trung và đóng góp tích cực cho các hoạt động phát triển ngành xây dựng.

Ngày 14/12/2022, HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) công bố hai Nghị quyết thông qua việc chấp thuận đơn xin từ nhiệm Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải, đồng thời bầu Tiến sĩ Nguyễn Công Phú giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của Công ty.

Theo đó, HBC thông qua việc chấp thuận đơn xin từ nhiệm (ký ngày 12/12/2022) của ông Lê Viết Hải từ ngày 1/1/2023. Việc từ nhiệm này nhằm đảm bảo tính pháp lý trong việc đề cử ông Lê Viết Hiếu đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc (theo quy định của Luật Doanh nghiệp số 59/2022/QH14) vào kỳ ĐHĐCĐ năm 2023 sắp tới và được đồng thuận tuyệt đối (8/8 thành viên).

Nghị quyết cũng thông qua việc thành lập Hội đồng sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và ông Lê Viết Hải giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng sáng lập.

Đồng thời, HĐQT HBC cũng đồng thuận 8/8 thành viên cùng thông qua Nghị quyết về việc bổ nhiệm Tiến sĩ Nguyễn Công Phú – Thành viên HĐQT độc lập giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình kể từ ngày 01/01/2023.

Trong thư gửi cổ đông ngày 14/12, ông Lê Viết Hải cho biết, theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thì đây là cơ quan tham mưu, tư vấn và phản biện cho HĐQT và ban điều hành về chiến lược kinh doanh và các quyết sách trong hoạt động quan trọng.

Đồng thời, Hội đồng Sáng lập sẽ tham mưu, tư vấn, phản biện và thông qua các vấn đề quan trọng theo nguyên tắc đồng thuận nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông, đảm bảo sự hài hòa, công bằng và lợi ích của các bên. Cụ thể như: Sửa đổi điều lệ công ty; các hợp đồng mua bán, sáp nhập công ty, các dự án đầu tư trị giá 100 tỷ đồng trở lên; bổ nhiệm, thay thế hoặc thay đổi Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn và các công ty thành viên, công ty liên kết…

Bên cạnh đó, ông Hải cho biết sẽ dành thời gian tập trung và đóng góp tích cực vào các hoạt động phát triển ngành xây dựng, kết nối giao thương cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước tại các tổ chức ngành nghề xã hội mà ông tham gia điều hành. Hiện, ông Hải đang là Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP HCM (SACA), Chủ tịch danh dự Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNABC)…

Chia sẻ thêm với cổ đông, ông Lê Viết Hải cho biết, Hòa Bình bắt đầu khởi nghiệp từ năm 1987 với nhiều con số 0: Không văn phòng, không máy móc, không phương tiện vận tải, không phương tiện thi công, không uy tín thương hiệu… Nhưng theo ông có một thứ quan trọng đã giúp Hòa Bình có được vị trí hôm nay là "vốn vô hình". Nguồn vốn đó là khát vọng đổi mới đất nước, làm giàu cho bản thân và gia đình, lòng đam mê làm nghề xây dựng, nhiệt huyết tuổi trẻ…

Theo ông Hải, năm 2022 được xem là năm bắt đầu cho một chu kỳ 35 năm tiếp theo với hành trình “từ 0 đến 1” của một chu kỳ mới. Hòa Bình sẽ tiến ra thị trường quốc tế với những thách thức không hề nhỏ. “Nhưng khác với thời điểm khởi nghiệp là hôm nay, Hòa Bình đã có sự trưởng thành vững vàng hơn sau những gian nan vất vả của 35 năm qua”, ông Hải chia sẻ.

Ông Nguyễn Công Phú sinh năm 1951, là Tiến sĩ về cơ học đất và công trình ngầm (Đại học Khoa học Paris – Trường Cầu đường Paris), từng đảm nhiệm các chức vụ quản lý cấp cao trong Tập đoàn Apave tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại ĐHĐCĐ năm 2021 của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Tiến sĩ Nguyễn Công Phú được bầu vào Thành viên HĐQT độc lập, thành viên Ủy ban Kiểm toán. “Tiến sĩ Nguyễn Công Phú sẽ là một người quản trị hiệu quả cho chiến lược phát triển thị trường nước ngoài và ngay tại Việt Nam của Tập đoàn trong thời gian tới”, ông Lê Viết Hải kỳ vọng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.