Chủ tịch Quốc hội: Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em

QUỐC HỘI Trẻ em
15:55 - 10/09/2023
Sáng 10/9, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội đã diễn ra Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I - năm 2023. Ảnh: quochoi.vn
Sáng 10/9, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội đã diễn ra Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I - năm 2023. Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mô hình phiên họp Quốc hội giả định nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em.

Sáng 10/9, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội đã diễn ra Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I - năm 2023. Phiên họp có sự tham dự của 263 đại biểu thiếu nhi tiêu biểu và 64 đại biểu phụ trách tới từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước

Đây là lần đầu tiên phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” được tổ chức nhằm thực hiện Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hóa chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.

Đây là mô hình hoạt động mới thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với tâm lý, khả năng của trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức và tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Tại phiên họp giả định, đại biểu trẻ em được đóng vai, giả định mình được là đại biểu Quốc hội tham gia phiên họp của Quốc hội để thảo luận về 2 chủ đề gồm bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em.

Các nội dung quan trọng này đã được triển khai lấy ý kiến của cử tri trẻ em cả nước, các chuyên gia, nhà khoa học thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú như Diễn đàn Trẻ em, kỳ họp Hội đồng Trẻ em các cấp, khảo sát bằng phiếu hỏi trực tuyến, trực tiếp...

Phiên họp có sự tham dự của 263 đại biểu thiếu nhi tiêu biểu. Ảnh: quochoi.vn

Phiên họp có sự tham dự của 263 đại biểu thiếu nhi tiêu biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt cho trẻ em

Phát biểu tại Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt cho trẻ em.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam luôn đặt niềm tin và kỳ vọng vào thế hệ măng non, những chủ nhân tương lai của đất nước. Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.

Kế thừa và phát triển quan điểm này, Đảng ta đã đề ra hệ thống quan điểm nhất quán về chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, xác định trách nhiệm của toàn Đảng, của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Nhấn mạnh Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để khẳng định các quyền của trẻ em và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, của gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em như Luật Trẻ em 2016, Luật Giáo dục 2019, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em và nhiều chương trình, đề án về phát triển toàn diện trẻ em, Chương trình hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, còn rất nhiều việc phải làm để bảo vệ và chăm sóc tốt hơn nữa cho thế hệ tương lai của đất nước. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, còn rất nhiều việc phải làm để bảo vệ và chăm sóc tốt hơn nữa cho thế hệ tương lai của đất nước. Ảnh: quochoi.vn

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Nhiều trẻ em ở miền núi, vùng cao, trẻ em dân tộc thiểu số chưa có đủ điều kiện để tiếp cận những dịch vụ giáo dục, chăm sóc y tế có chất lượng cao, chưa được bảo đảm tốt về dinh dưỡng. Trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ không còn nơi nương tựa còn cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cơ quan nhà nước và của xã hội.

Tình trạng trẻ bị bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích nhất là đuối nước còn xảy ra ở nhiều địa phương; rất nhiều trẻ đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ những thông tin trên mạng internet; tình trạng trẻ em thiếu các sân chơi lành mạnh, bổ ích, an toàn còn khá phổ biến. Thực trạng đó cho thấy còn rất nhiều việc phải làm để bảo vệ và chăm sóc tốt hơn nữa cho thế hệ tương lai của đất nước.

Quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương và các cháu thiếu nhi đã lựa chọn hai nhóm vấn đề rất có tính thời sự để đưa ra thảo luận trong phiên họp. Đồng thời, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức Đoàn Thanh niên và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Cần chú trọng việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách, pháp luật, các chương trình, đề án về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, quan tâm, đầu tư các nguồn lực, cả về ngân sách và con người để thực hiện công tác trẻ em.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội, tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, kịp thời tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề thời sự cấp bách có liên quan đến trẻ em

Trong thời gian tới, cần nghiên cứu để đưa quy trình thẩm tra nội dung bảo đảm quyền trẻ em thành một khâu bắt buộc trong hoạt động lập pháp, tương tự như việc thẩm tra về bình đẳng giới hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức Đoàn Thanh niên và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức Đoàn Thanh niên và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Ảnh: quochoi.vn

Đối với Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vấn đề nổi lên trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, nhất là những vấn đề các em đã kiến nghị tại phiên họp Quốc hội giả định hôm nay. Rà soát để hoàn thiện và chỉ đạo thực hiện các chính sách chăm lo cho trẻ em, nhất là trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, con em công nhân, người lao động.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cần được thực hiện đồng bộ bởi gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình, nhà trường cần quan tâm đến sức khỏe thể chất, tâm lý của trẻ em, tránh gây áp lực cho các em về học tập và cuộc sống.

Tại các địa phương, chính quyền các cấp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cần đóng vai trò làm cầu nối, phối hợp giữa chính quyền, gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Hội đồng nhân dân, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần tăng cường các hoạt động đối thoại với trẻ em; nghiên cứu lồng ghép các chỉ tiêu phát triển trẻ em vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; bố trí ngân sách để thực hiện các chương trình, dự án, đề án về công tác trẻ em. Có giải pháp cụ thể nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của chính quyền và cán bộ làm công tác trẻ em cấp cơ sở.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan liên quan định kỳ tiếp tục tổ chức ngày càng tốt hơn Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” để lắng nghe, giải quyết những nguyện vọng, kiến nghị của trẻ em cả nước. Chú trọng triển khai tốt các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.

"Tôi đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương đặc biệt quan tâm, đảm bảo đầy đủ các điều kiện để Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương và các cấp bộ Đoàn, Đội thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em."

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, ý kiến thảo luận tại Phiên họp giả định, và đặc biệt là Nghị quyết của phiên họp giả định cũng là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, tiếp thu, có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình ban hành các chính sách pháp luật về các vấn đề có liên quan tới trẻ em.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương thành tích, sự nỗ lực của các em, dù tuổi còn nhỏ nhưng các đã chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu, thể hiện sự chững chạc, phong thái tự tin, có suy nghĩ chín chắn, sâu sắc khi đóng vai là những đại biểu Quốc hội, thậm chí lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ trong điều hành, thảo luận và có nhiều đề xuất, kiến nghị rất xác đáng để giải quyết những vấn đề của trẻ em.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn các đại biểu Quốc hội trẻ em tiếp tục phấn đấu, có hoài bão, ước mơ, sau này đóng góp thật nhiều cho sự phát triển của đất nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp