Chuyên gia 'hiến kế' cho doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ và vừa

XUẤT KHẨU DOANH NGHIỆP
20:36 - 26/10/2023
Các chuyên gia bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong xuất khẩu. Ảnh: Anh Thư
Các chuyên gia bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong xuất khẩu. Ảnh: Anh Thư
0:00 / 0:00
0:00
Theo ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (VIOIT), hai khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong xuất khẩu là đầu ra sản phẩm và vấn đề tín dụng.

Tín dụng là một trong hai khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong xuất nhập khẩu

Phát biểu tại Hội thảo "Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam", ngày 26/10, ông Nguyễn Văn Hội (Viện VIOIT, Bộ Công Thương) cho biết, tính đến năm 2021, có khoảng gần 97.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, tương đương 11,5%, tham gia vào xuất nhập khẩu trực tiếp. Như vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Ông Hội đánh giá, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang không ngừng mở rộng khả năng xuất nhập khẩu thông qua đa dạng thị trường, gia tăng quy mô thương mại, cải thiện cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tích cực, tận dụng ưu đãi từ các FTA đã ký kết…

Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận, hai khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là đầu ra sản phẩm và vấn đề tín dụng. Về đầu ra sản phẩm, hiện nay tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp khối này cao nhưng chưa có sự bền vững trong trung và dài hạn, tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu ổn định.

Ngoài ra, khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thấp, chậm được cải thiện, nhất là đối với các mặt hàng chế biến, chế tạo. Những doanh nghiệp này cũng chưa có sự quan tâm đúng mức tới tới yếu tố bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường của sản phẩm xuất khẩu hay quá trình sản xuất sản phẩm.

Còn về vấn đề tín dụng, ông Nguyễn Văn Hội cho rằng việc xây dựng các chiến lược, chính sách về tín dụng hiện nay chưa tiếp cận sát với nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, quá trình triển khai chiến lược, chính sách tín dụng còn bộc lộ một số vướng mắc cần tháo gỡ.

“Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được vay ưu đãi nhiều từ các tổ chức tín dụng nước ngoài hoặc tập đoàn mẹ với lãi suất thấp, trong khi lãi suất vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cao nên bị thua ngay từ điểm khởi đầu trong hoạt động xuất nhập khẩu”.

Ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Đồng tính với ý kiến này, về phía doanh nghiệp, trao đổi với Mekong ASEAN, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Nguyễn Anh Holding, một startup phân phối và xuất khẩu thực phẩm, cho rằng việc tiếp cận nguồn vốn là một trong những trở ngại chính của những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Một phần bởi họ hầu hết là những doanh nghiệp tự phát, không được huấn luyện hay đào tạo bài bản, do đó, họ không có thông tin, hiểu biết về các quy trình, thủ tục, hồ sơ xin cấp vốn hoặc vay vốn. Chi phí thuê người để làm những giấy tờ này một cách chính xác đầy đủ có thể rất cao, trong khi lượng vốn họ cần vay không lớn.

Ngoài ra, những doanh nghiệp này còn nhỏ, mới thành lập nên không có nhiều tài sản đảm bảo và chưa có nhiều thành tựu lớn, nên gặp khó khăn trong việc vay vốn tín dụng hoặc vay thế chấp tại các ngân hàng thương mại.

Do đó, ông Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị để khối doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển mạnh mẽ hơn, cần có sự hỗ trợ từ các chính sách, các ngân hàng.

Bên cạnh việc giảm lãi suất, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thông tin, để nguồn vốn tiếp cận nhiều hơn tới doanh nghiệp, theo ông Tuấn, ngân hàng có thể xem xét đến việc cho vay căn cứ dựa trên tiềm năng sinh lời của sản phẩm, doanh nghiệp. Như vậy, sẽ có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa với những ý tưởng tốt có thể tiếp cận được nguồn vốn hơn.

Các ngân hàng cũng có thể lựa chọn thêm phương thức là chuyển khoản vay đó thành khoản đầu tư góp vốn vào các doanh nghiệp tiềm năng, từ đó, trở thành “nhà đầu tư thiên thần” của họ. Tuy nhiên, điều này cũng cần sự hỗ trợ, tạo thuận lợi từ các chính sách.

Ông ông Nguyễn Anh Tuấn đề xuất ngân hàng có thể trở thành “nhà đầu tư thiên thần” của doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua biến khoản vay thành khoản đầu tư góp vốn. Ảnh: Anh Thư

Ông ông Nguyễn Anh Tuấn đề xuất ngân hàng có thể trở thành “nhà đầu tư thiên thần” của doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua biến khoản vay thành khoản đầu tư góp vốn. Ảnh: Anh Thư

Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội thị trường

Bên cạnh tín dụng, ông Nguyễn Văn Hội cũng đã chỉ ra khó khăn về việc tìm đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp. Trong đó, để nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm, doanh nghiệp cần đẩy mạnh hoạt động marketing và xúc tiến xuất khẩu, cần xác định thị trường trọng điểm và tiềm năng đối với sản phẩm xuất khẩu của mình.

Đồng thời, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tiếp cận các thị trường mới và tìm hiểu về nhu cầu của từng thị trường địa phương, chú trọng các yêu cầu về chất lượng và cấu trúc thị trường. Để làm được việc này, doanh nghiệp có thể tham gia các hội chợ, triển lãm, giao thương, các cửa hàng bán lẻ ở các quốc gia mục tiêu khác nhau để nắm bắt thông tin thị trường, tiếp cận những đối tác mới.

Một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua ứng dụng những công nghệ mới, công nghệ xanh, sạch, đổi mới sáng tạo. Ông Hội cho rằng, để tiếp cận thị trường công nghệ, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần cập nhật thông tin, liên kết, hợp tác chuyển giao và khuyến khích hoạt động nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh.

Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện mục tiêu này, theo ông Hội, cần có cơ chế hình thành quỹ phát triển công nghệ để tạo nguồn tài chính thường xuyên cho hoạt động khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp.

Bà Cao Cẩm Linh nhìn nhận, thực sự với doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện tại, vấn đề họ quan tâm trước mắt không phải là chuyển đổi xanh hay chuyển đổi số, mà là ‘ngày mai có đơn hàng hay không?’. Ảnh: Anh Thư

Bà Cao Cẩm Linh nhìn nhận, thực sự với doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện tại, vấn đề họ quan tâm trước mắt không phải là chuyển đổi xanh hay chuyển đổi số, mà là ‘ngày mai có đơn hàng hay không?’. Ảnh: Anh Thư

Đối với vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp, bà Cao Cẩm Linh, Trưởng ban Nghiên cứu Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) cho rằng, đây là vấn đề rất cần thiết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước nhằm đón đầu xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng.

Bà Linh lấy ví dụ về ngành dệt may, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỷ USD, khi xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng mới bắt đầu, ngành được kỳ vọng đón nhiều nhà đầu tư lớn từ nước ngoài vào.

Tuy nhiên, dòng chảy vốn đầu tư ngành này lại đổ vào Bangladesh, nguyên nhân là vì quốc gia này đã ‘xanh hóa” rất nhanh ngành dệt may của mình. Rất nhiều nhà máy tại Bangladesh hiện nay đã đáp ứng được tiêu chuẩn xanh. Bằng chứng là 9/10 nhà máy "xanh" lớn nhất thế giới của ngành dệt may nằm ở Bangladesh.

Tuy nhiên, bà Linh cũng nhìn nhận, với doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện tại, vấn đề họ quan tâm trước mắt không phải là chuyển đổi xanh hay chuyển đổi số, mà là "ngày mai có đơn hàng hay không?". Bởi quy mô, nguồn vốn nhỏ, nên doanh nghiệp không có nguồn vốn để đầu tư cho những công nghệ cao, đòi hỏi quy mô đầu tư lớn.

Do đó, bà Cao Cẩm Linh cho rằng muốn tuyên truyền, tiếp cận với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì phải sử dụng ngôn ngữ của họ, hướng tới giải quyết vấn đề riêng của chính họ.

Theo đó, về chuyển đổi xanh, bà Linh đề xuất những biện pháp tương đối đơn giản như sử dụng năng lượng tái tạo thay vì năng lượng hóa thạch, sử dụng tiết kiệm năng lượng; tối ưu quá trình vận tải như tích hợp đầy tải, giảm lượng xe chạy rỗng, tối ưu hành trình vận tải, kết hợp vận tải đa phương thức…

Về tổng thể hơn, bà Linh đề xuất doanh nghiệp cần áp dụng các giải pháp về quản lý, công nghệ, thiết bị, kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo; giảm phát thải khí nhà kính …

Về chuyển đổi số, doanh nghiệp cần xây dựng tầm nhìn chiến lược về ứng dụng công nghệ số trong công tác tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Đồng thời, cần tăng vốn đầu tư cho chuyển đổi số. Doanh nghiệp có thể tìm kiếm vốn đầu tư từ Nhà nước, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, liên kết với doanh nghiệp cùng ngành nghề.

Doanh nghiệp cũng cần chính sách đãi ngộ tốt cho nhân lực chất lượng cao, tăng cường đào tạo và liên kết với các doanh nghiệp khác về đào tạo.

Tin liên quan

Đọc tiếp