Chuyên gia Việt nói gì về đà giảm tốc của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc?

KINH TẾ TRUNG QUỐC
20:57 - 25/10/2021
Chuyên gia Việt nói gì về đà giảm tốc của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc?
0:00 / 0:00
0:00
Trung Quốc gần đây công bố tăng trưởng GDP quý III đạt 4,9%, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý III/2020. 

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, Việt Nam có chịu tác động?

Trung Quốc gần đây công bố tăng trưởng GDP quý III đạt 4,9%, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý III/2020.

Một số nhận định lạc quan cho rằng mức tăng trưởng GDP quý III 4,9% mặc dù thấp hơn nhiều so với con số 18,3% và 7,9% trong hai quý đầu tiên, nhưng chỉ giảm nhẹ so với mức dự kiến là 5%. Bên cạnh đó, mức tăng trưởng mục tiêu mà Trung Quốc đề ra năm 2021 chỉ là 6%, tức con số 4,9% không ảnh hưởng lớn đến khả năng bắt kịp mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.

Tăng trưởng GDP Trung Quốc từ quý I/2020 đến nay (Ảnh: CGTN)

Tăng trưởng GDP Trung Quốc từ quý I/2020 đến nay (Ảnh: CGTN)

Ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến cho hay con số 4,9% là dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang mất dần đà tăng trưởng. Hàng loạt thách thức như vụ khủng hoảng nợ của nhà phát triển bất động sản China Evergrande, tình trạng thiếu nhiên liệu, gián đoạn chuỗi cung ứng do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài đang gây sức ép lớn lên các lĩnh vực trong nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh.

Cụ thể, ở lĩnh vực sản xuất, chỉ số quản lý thu mua (PMI) tháng 9 của Trung Quốc chỉ đạt 49,6 điểm, thấp hơn nhiều dự báo 50,1 điểm của giới phân tích và phản ánh sự thu hẹp hoạt động sản xuất.

PMI tháng 9 của Trung Quốc rơi xuống dưới mức trung lập, chỉ còn 49,6 điểm (Ảnh: CGTN)

PMI tháng 9 của Trung Quốc rơi xuống dưới mức trung lập, chỉ còn 49,6 điểm (Ảnh: CGTN)

Ở lĩnh vực tiêu dùng, doanh số bán lẻ Trung Quốc trong tháng 9 đạt mức tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều mức tăng 8% hồi tháng 9/2019, thời điểm trước đại dịch.

Ở lĩnh vực bất động sản, nhà kinh tế Trung Quốc Bo Zhuang tại Loomis Sayles Investments Asia dự báo đầu tư bất động sản của Trung Quốc có thể giảm 10% trong nửa đầu năm 2020. Cuộc khủng hoảng thanh khoản của nhà phát triển bất động sản China Evergrande đang khiến thị trường bất động sản nội địa lạnh đi. Trong khi đó, các chính quyền địa phương cũng gặp khó trong việc tìm kiếm các dự án khả thi để đầu tư. Bất động sản và các ngành liên quan đóng góp tới 1/4 vào GDP quốc gia Trung Quốc.

Tính đến giữa tháng 10, CNBC cho hay 10 trong số 13 ngân hàng hàng đầu thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay, với mức dự báo tăng trưởng GDP bình quân năm 2021 hiện là 8,2%, tức thấp hơn 0,3% so với dự báo trước khi cắt giảm.

Houze Song, nhà nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Viện Paulson (Mỹ) bi quan hơn khi nhận định GDP Trung Quốc năm nay có thể đạt dưới 8% khi cuộc khủng hoảng thanh khoản và tình trạng thiếu điện tiếp tục làm chậm đà tăng GDP quý IV.

Bank of America Corp. và Citigroup Inc. thậm chí cảnh báo sự giảm tốc tăng trưởng có thể kéo dài đến năm 2022.

Kinh tế Trung Quốc “cảm lạnh”, ASEAN “hắt hơi”?

Ông Frederic Neumann, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings nhận định: “Khi động cơ kinh tế của Trung Quốc bất ổn, tăng trưởng kinh tế thế giới cũng chao đảo… Tăng trưởng ở nhiều nền kinh tế lớn, chẳng hạn Mỹ và EU, có vẻ mạnh mẽ, nhưng tăng trưởng của Trung Quốc mới là động lực chính cho đà phục hồi kinh tế toàn cầu”. Sự tham gia sâu rộng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng, thương mại và đầu tư toàn cầu là nguyên nhân lý giải nhận định này.

Một nghiên cứu do HSBC thực hiện chỉ ra sự thay đổi trong mỗi đơn vị tăng trưởng GDP của Trung Quốc có tác động nhiều hơn đến các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương so với sự thay đổi mỗi đơn vị GDP của các nền kinh tế Mỹ hay châu Âu.

Nhu cầu tại Trung Quốc suy yếu sẽ gây hệ lụy tiêu cực đến các quốc gia xuất khẩu hàng hóa như Úc, Nam Phi hay Brazil. Tác động sẽ lan tỏa rộng ra nền kinh tế toàn cầu, theo bà Tuuli McCully, trưởng bộ phận kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Scotiabank (Singapore).

Trong đó, các nền kinh tế ASEAN có nguy cơ chịu tác động sâu sắc nhất do liên kết thương mại chặt chẽ và hội nhập sâu rộng trong chuỗi cung ứng khu vực. Năm ngoái, ASEAN là đối tác thương mại số 1 của Trung Quốc tính theo kim ngạch thương mại song phương (4,74 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 733,6 tỷ USD).

Trước khi đại dịch bùng phát, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc (Ảnh: CGTN)

Trước khi đại dịch bùng phát, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc (Ảnh: CGTN)

“Một khi đà tăng trưởng của Trung Quốc suy yếu, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa dịch vụ từ các quốc gia khác cũng giảm tốc theo. Việc đà tăng trưởng của một nước phụ thuộc vào nhu cầu của một nước khác là lỗ hổng lớn. Các quốc gia ASEAN có nguy cơ chịu tác động nặng nề nhất do khối này ngày càng tỏ ra phụ thuộc vào nhu cầu từ Trung Quốc trong những năm gần đây” , nhận định của bà Sue Trinh, chiến lược gia vĩ mô từ Quỹ quản lý đầu tư Manulife.

Nhu cầu từ Trung Quốc suy yếu không chỉ tác động trực tiếp đến kim ngạch thương mại mà còn có thể ảnh hưởng đến tỷ giá tiền tệ của nhiều quốc gia,

Ông Paul Mackel, chiến lược gia tiền tệ các thị trường mới nổi tại HSBC nhận định rằng trong lịch sử, các đồng tiền châu Á nói chung và ASEAN nói riêng có xu hướng di chuyển song song với Nhân dân tệ khi tăng trưởng kinh tế đạt đỉnh. Xu hướng này cần được theo dõi chặt chẽ, vì các đồng tiền tệ trong khu vực vốn có độ nhạy cảm lớn với mọi biến động của đồng tệ.

Tiền tệ suy yếu có thể làm tăng sức cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của một quốc gia trên thị trường toàn cầu, nhưng đồng thời cũng làm tăng chi phí mua nguyên liệu thô cũng như linh kiện đầu vào, qua đó làm xói mòn lợi nhuận doanh nghiệp sản xuất.

TS.Lê Xuân Nghĩa: Trung Quốc vẫn là một động lực tăng trưởng cho kinh tế khu vực

Oxford Business gần đây nhận định kim ngạch thương mại song phương với Trung Quốc tăng nhanh là một động lực góp phần vào tăng trưởng GDP Việt Nam trong thập kỷ qua.

Năm 2020, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam Trung Quốc đạt 133,09 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 48,9 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2019. Khoảng một nửa trong đó là thiết bị điện và điện tử. Theo báo cáo của DBS, nhập khẩu hàng điện tử từ Việt Nam chiếm tới 8,8% tổng nhập khẩu điện tử của Trung Quốc vào năm 2020.

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc năm 2020 đạt 133,09 tỷ USD

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc năm 2020 đạt 133,09 tỷ USD

Tính đến hết 9 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ hai của nước ta sau Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu 38,5 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trao đổi với MEKONG ASEAN về vấn đề tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và tác động đến kinh tế Việt Nam, TS.Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng: “GDP quý III vừa qua toàn cầu yếu, không riêng gì Trung Quốc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đà giảm tốc của kinh tế toàn cầu: Tình trạng giá nhiên liệu tăng, sự đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến thiếu nguyên vật liệu, quan trọng hơn là một số quốc gia bắt đầu có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ”.

“Riêng Trung Quốc, tình trạng thiếu điện dẫn tới một số nhà máy phải hoạt động dưới công suất, ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất kinh doanh. Một nguyên nhân quan trọng khác, cuộc khủng hoảng thanh khoản của China Evergrande đã khiến thị trường bất động sản và các thị trường liên quan bất động sản như vật liệu xây dựng...tăng trưởng chậm lại. Tuy vậy, cho đến thời điểm này, Chính phủ Trung Quốc đã xử lý cuộc khủng hoảng Evergrande - một trong những thách thức lớn nhất của nền kinh tế - rất cẩn trọng nhưng hiệu quả, với giải pháp sát sao, kịp thời. Trong năm nay, dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn ở mức cao nhất thế giới, xấp xỉ 8%, vẫn là động lực tăng trưởng lớn cho kinh tế toàn cầu và khu vực”, TS.Lê Xuân Nghĩa nhận định.

TS.Lê Xuân Nghĩa: dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn ở mức cao nhất thế giới, xấp xỉ 8%, vẫn là động lực tăng trưởng lớn cho kinh tế toàn cầu và khu vực

TS.Lê Xuân Nghĩa: dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn ở mức cao nhất thế giới, xấp xỉ 8%, vẫn là động lực tăng trưởng lớn cho kinh tế toàn cầu và khu vực

“Nếu tác động của các xu hướng kinh tế toàn cầu đến kinh tế Việt Nam, chỉ có một rủi ro đáng quan ngại: Hiện tượng một loạt đồng tiền trượt giá so với đồng bạc xanh. Điều này xảy ra khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ, trong khi nhiều thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển vẫn tăng cường gói hỗ trợ Covid-19 do diễn biến phức tạp của đại dịch. Việc chính phủ phát hành trái phiếu và Ngân hàng Trung ương mua lại tài sản thúc đẩy thanh khoản tràn vào thị trường, đưa lạm phát lên cao, tác động đến tỷ giá hối đoái”, ông Nghĩa giải thích.

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, do VND neo chặt với đồng USD, nên khi các loại tiền tệ khác mất giá trước đồng bạc xanh, đồng nghĩa nó cũng trượt giá so với đồng Việt Nam, từ đồng Won Hàn Quốc cho đến Yên Nhật Bản. Điều này vô hình chung gây khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam, do hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài bị đắt hơn tương đối, giảm sức cạnh tranh. Nhưng về cơ bản trước mắt, Việt Nam vẫn sẽ neo tỷ giá tiền đồng với đồng USD dựa trên cam kết tỷ giá với Bộ Tài chính Mỹ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.