Con đường phục hồi của du lịch thế giới vẫn còn xa

DU LỊCH THẾ GIỚI
17:56 - 15/12/2021
Con đường phục hồi của du lịch thế giới vẫn còn xa
0:00 / 0:00
0:00
Tuy ngành du lịch năm 2021 đã có những dấu hiệu khởi sắc nhất định, nhưng sự hồi phục hoàn toàn trên diện rộng vẫn còn cách rất xa khi các nền kinh tế có sự khác biệt trong tốc độ thích ứng với “bình thường mới”.

Hiện hầu hết các dự báo đều ước tính ngành du lịch chỉ có thể hồi phục hoàn toàn vào năm 2024. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, Caribbe là ví dụ điển hình của một khu vực đang “phục hồi với tốc độ nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác trên toàn cầu”. Sau sự tàn phá của các cơn bão Irma và Maria năm 2017, đây chính là một tín hiệu tích cực với quá trình phục hồi kinh tế kéo dài nhiều năm của khu vực đầy nắng gió này.

Trong năm 2021, đóng góp của ngành du lịch vào tăng trưởng GDP toàn cầu đạt mức trung bình 30%, trong khi con số này lên tới 47% tại vùng Caribbe. Mức chênh lệch này tương đương 12 tỷ USD cho các nền kinh tế tại đây. Nếu được duy trì, Caribbe có thể phá kỷ lục của năm 2019 ngay trong năm sau.

Ngành du lịch Mỹ cũng đang có tốc độ hồi phục tốt hơn dự kiến dù tốc độ giữa các khu vực trong quốc gia này là khác nhau. Jan Freitag, Phó chủ tịch cấp cao của công ty phân tích dữ liệu STR, cho biết các địa điểm có biển hoặc núi thường sẽ hoạt động rất tốt. Tính đến 27/11, dữ liệu từ STR cho thấy 41/131 thị trường khách sạn ở Mỹ đã vượt mốc doanh thu năm 2019 trên mỗi phòng trống.

Florida Keys, điểm du lịch có khí hậu nhiệt đới không yêu cầu cách ly, là một trong những nơi thắng đậm nhất. So với năm 2019, tăng trưởng tỉ lệ đặt phòng của nơi này đạt mức 144%. Các địa điểm du lịch khác của Mỹ cũng chứng kiến mức tăng trưởng tích cực bao gồm Gatlinburg của bang Tennessa, Bãi biển Daytona tại Florida và Myrtle Beach thuộc bang South Carolina.

Những câu chuyện tương tự cũng xảy ra tại thị trường châu Âu. Địa điểm du lịch hàng đầu của khu vực là Riviera đã đạt mức tăng trưởng 192% so với năm 2019. Cả ở các nước châu Âu và Mỹ, những địa điểm sang trọng như Amangiri, Blackberry Farm và Ranch ở Rock Creek đều chứng kiến sự tăng trưởng chưa từng thấy. Khách sạn càng sang trọng thì càng có triển vọng tích cực.

Tuy nhiên, các mặt trái vẫn luôn tồn tại. Sự tăng trưởng tích cực, thậm chí đạt mức kỉ lục không hề đồng đều giữa các nơi và các nền kinh tế trên thế giới.

Tại Mỹ, San Francisco chỉ đạt 34% mức doanh thu khách sạn so với năm 2019. Các địa điểm khác như Boston, New York và Washington đều chỉ đạt mức tăng trưởng bằng khoảng một nửa con số năm 2019. Tại châu Âu, các số liệu thống kê năm 2021 gần như không có nhiều sự thay đổi so với năm 2020 như ngành du lịch đã kỳ vọng.

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tính đến tháng 11, khu vực này chỉ ghi nhận 5% lượng khách quốc tế so với năm 2019 do các quy định thắt chặt đi lại của chính phủ. Các quốc gia lớn trong khu vực như Australia, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn chưa mở cửa trở lại cho khách du lịch quốc tế. Một số quốc gia khác như Singapore và Thái Lan thì đã có động thái mở cửa trở lại trong những tháng gần đây. Tuy nhiên vì biến thể mới Omicron, Singapore phải sửa đổi lại chính sách của mình.

Ngành du lịch Trung Quốc cũng có những thay đổi đáng kể. Do chính sách zero-covid, những du khách có tiền nhưng không thể ra nước ngoài đã quyết định chuyển sang du lịch nội địa. Nhưng không phải quốc gia nào cũng có dân số đủ đông và đủ giàu để bù đắp cho du lịch quốc tế như nước này.

Các khu nghỉ dưỡng 1.000 USD một đêm tại Indonesia hay Thái Lan không được xây dựng để hướng tới phân khúc du khách nội địa. Hơn nữa, sự tiếp cận vaccine không bình đẳng tại các quốc gia này cũng cản trở khả năng kiểm soát dịch và mở cửa biên giới một cách an toàn.

Sự ảm đạm của du lịch thế giới cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới miền nam châu Phi, nơi các công viên thú safari đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn thiên nhiên. Dereck Joubert, nhà làm phim tài liệu về động vật hoang dã của National Geographic và nhà đồng sáng lập của tổ chức bảo tồn Great Plains Conservation cho biết bất kì sự gián đoạn nào cũng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới tiến trình hồi phục của tổ chức, vốn đã tốn từ 6 đến 7 năm nữa. Nếu không có doanh thu từ du lịch thì các nhà điều hành công viên safari không thể đóng góp cho các dự án bảo tồn tự nhiên trong khu vực.

Ông Joubert chia sẻ những thiệt hại đối với tự nhiên là rất khó để tính toán cụ thể; đồng thời bổ sung: “Có thể phải tốn đến một năm nữa chúng ta mới có thể phát hiện ra mình đã mất những gì”.

Đọc tiếp