Con gái ông Thaksin sẵn sàng tranh cử chức Thủ tướng Thái Lan

Bầu cử THÁI LAN
11:07 - 17/01/2023
Bà Paetongtarn Shinawatra, con gái út của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Ảnh: AFP
Bà Paetongtarn Shinawatra, con gái út của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Bà Paetongtarn Shinawatra, 36 tuổi, con gái út của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, cũng là cháu gái của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, tuyên bố sẵn sàng tranh cử vị trí đứng đầu chính phủ sau khi nhận được sự ủng hộ lớn từ cử tri.

"Đúng vậy, tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi muốn đảng Pheu Thai giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử để những lời hứa mà chúng tôi đã đưa ra với người dân sẽ được thực hiện", bà Paetongtarn Shinawatra nói với các phóng viên hôm 15/1, theo Reuters.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh phe đối lập tại Thái Lan đang tìm cách thực hiện mục tiêu giành lại quyền kiểm soát chính phủ sau cuộc đảo chính 8 năm trước.

Trong đó, đảng Pheu Thai nhận được nhiều ủng hộ từ tầng lớp người dân lao động ở nông thôn và thành thị. Đảng này đã giành được hầu hết các ghế trong cuộc bầu cử năm 2019 nhưng không thể thành lập chính phủ. Bà Paetongtarn sẽ ra tranh cử với tư cách đảng viên của đảng này.

Bà Paetongtarn tuyên bố sẵn sàng tranh cử chức Thủ tướng Thái Lan. Ảnh: Reuters

Bà Paetongtarn tuyên bố sẵn sàng tranh cử chức Thủ tướng Thái Lan. Ảnh: Reuters

Trong cuộc khảo sát hàng quý của Viện Quản lý Phát triển Quốc gia (NIDA) cuối tháng trước, bà Paetongtarn nhận được 34% sự ủng hộ từ 2.000 người trên 18 tuổi, đứng đầu trong danh sách, trong khi Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha nhận được 14,05%.

Nhiều người được hỏi trong cuộc thăm dò cho biết, họ thích chương trình nghị sự mà Pheu Thai đưa ra. Trong đó, đảng này cam kết sẽ tăng mức lương tối thiểu 70% vào cuối nhiệm kỳ 4 năm và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế lên mức trung bình 5% hàng năm nếu họ được bầu lên nắm quyền.

Ngoài ra, những thành tựu trước đây của các thành viên trong gia tộc Shinawatra cũng có sức hút lớn trong các cuộc bầu cử ở Thái Lan kể từ năm 2001 tới năm 2011. Ông Thaksin và em gái ông là bà Yingluck đã nhận được hàng chục triệu phiếu bầu từ tầng lớp lao động nghèo ở nông thôn và thành thị để trở thành thủ tướng nhờ vào những chính sách dân túy.

Ông Thaksin Shinawatra giữ chức Thủ tướng Thái Lan từ năm 2001, nhưng bị lật đổ sau cuộc đảo chính của quân đội vào năm 2006. Năm 2011, bà Yingluck Shinawatra trúng cử trở thành Thủ tướng Thái Lan nhưng cũng bị quân đội đảo chính và lật đổ vào năm 2014.

Các chính phủ được hai người lập ra sau các cuộc bầu cử này cũng đã đối mặt với việc bị đảo chính, hoặc bị đưa ra tòa xét xử. Ông Thaksin và bà Yingluck đang sống lưu vong ở nước ngoài để né tránh cáo buộc tham nhũng.

Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha. Ảnh: AP

Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha. Ảnh: AP

Trong khi đó, ông Prayuth Chan-o-cha, 68 tuổi, lên nắm chính phủ từ năm 2014, ban đầu với tư cách là lãnh đạo chính quyền quân sự và sau đó là Thủ tướng Thái Lan do Quốc hội bầu chọn sau cuộc bầu cử năm 2019.

Ông đã gia nhập đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất (Ruam Thai Sang Chart) vào tuần trước, để chuẩn bị tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5.

Tuy nhiên, ngay cả khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2023, ông Prayuth Chan-ocha chỉ có thể giữ chức Thủ tướng đến năm 2025. Hồi tháng 9/2022, Tòa án Hiến pháp đã phán quyết nhiệm kỳ của ông bắt đầu từ năm 2017. Hiến pháp Thái Lan quy định một thủ tướng không được tại vị tổng cộng quá 8 năm.

Ông Prayuth cho biết ông hy vọng sẽ tại vị thêm 2 năm nữa, sau đó ông sẽ tìm được người phù hợp kế nhiệm để hoàn thành trọn vẹn nhiệm kỳ 4 năm còn lại.

Tin liên quan

Đọc tiếp