Con người 'bắt tay' với máy móc để nông nghiệp phát triển bền vững

NÔNG NGHIỆP số hóa
16:08 - 30/05/2022
Con người 'bắt tay' với máy móc để nông nghiệp phát triển bền vững
0:00 / 0:00
0:00
Chuyên đề 2 Hội thảo quốc tế về Nông nghiệp hiệu quả cao tại Việt Nam 2022 ngày 29/5 tiếp tục thảo luận về những điều kiện áp dụng công nghệ cho nông nghiệp Việt Nam chuyển mình lên cách mạng 5.0, trong đó tập trung vào sự hợp tác giữa con người và máy móc.

Cách mạng 5.0 nhiều cơ hội và thách thức

Nêu ra yêu cầu cần thiết của việc nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tại hội thảo chuyên đề “Ứng dụng công nghệ 5.0 để đổi mới phát triển bền vững ngành nông nghiệp và chuỗi cung ứng nhằm nâng cao chất lượng, phân phối, và giá trị nông sản một cách hiệu quả tuần hoàn”, ngày 29/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh nhận định, cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đã đặt ra yêu cầu đưa hàm lượng công nghệ vào các sản phẩm và nông sản cũng không ngoại lệ.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, như tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thu hẹp diện tích canh tác, trái đất ấm lên, chênh lệch kinh tế ngày càng gia tăng… thì việc thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các ngành kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng là rất cấp thiết”, Thứ trưởng Doanh cho biết.

Thứ trưởng NN&PTNT Lê Quốc Doanh

“Tôi cho rằng cuộc cách mạng 5.0 là cơ hội to lớn đối với ngành nông nghiệp khi việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại song hành với người sản xuất và cụ thể ở đây là hàng chục triệu nông dân Việt Nam sẽ được tiếp cận, đào tạo nâng cao kỹ năng, trình độ và năng lực đủ để thích ứng với công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm nông sản đa giá trị kể cả về kinh tế cũng như xã hội, nâng cao thu nhập. Đây cũng là mục tiêu phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới”.

Cũng tại hội thảo, TS. Trần Phi Vũ, Chủ tịch mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam – Australia (NIC) cho biết, từ năm 2021, mạng lưới đã chọn nông nghiệp là ngành được chú trọng trong các chương trình đổi mới sáng tạo.

“Công nghệ cao đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra một nền nông nghiệp thông minh, tránh lãng phí bảo vệ tài nguyên môi trường, gia tăng giá trị nông sản một cách hiệu quả và tăng thu nhập cho người nông dân. Công nghệ luôn luôn biến đổi từng ngày và mạng lưới mong muốn luôn cập nhật các công nghệ tiên tiến từ các nước trên thế giới cho nền nông nghiệp Việt Nam”, ông Vũ cho biết thêm.

Nâng cấp từ cách mạng công nghiệp 4.0 lên 5.0

Lý giải từ tiến trình cách mạng công nghiệp từ 4.0 lên 5.0, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trong khi cách mạng công nghệ 4.0 là sự kết hợp giữa robot, trí thông minh nhân tạo, thiết bị kết nối mạng nhanh và dữ liệu lớn trong một môi trường sản xuất, thì ở cuộc cách mạng công nghệ 5.0 lại tập trung vào sự hợp tác giữa con người và máy móc, trí thông minh của con người sẽ hoạt động hài hòa với điện toán nhận thức, qua đó nâng cao kỹ năng của người công nhân, cung cấp giá trị gia tăng trong sản xuất dẫn đến tuỳ biến và cá nhân hóa các sản phẩm hàng hóa.

Theo ông Thắng, đổi mới sáng tạo từ những cuộc cách mạng công nghiệp kể trên chính là nền tảng của kinh tế tuần hoàn và cũng là một trong những yếu tố giúp nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Ảnh tác giả

“Kinh tế tuần hoàn không nên bị trói buộc bởi không gian, phạm vi nào đó mà còn cần phải có tính lan tỏa, mang tính xã hội, là nơi các tổ chức, doanh nghiệp nòng cốt dẫn dắt và các hộ nông dân tham gia. Để hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 hay 5.0 phù hợp nhất với đặc thù ngành nông nghiệp Việt Nam, không những cần sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp mà chính các nhà quản lý, bộ, ngành liên quan nắm vai trò rất quan trọng”.

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam

Cùng đưa ra ý kiến về lộ trình chuyển đổi từ cách mạng công nghệ 4.0 lên 5.0, đại diện từ Bộ NN&PTNT, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ cho biết, bên cạnh việc xây dựng các cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình mặc định trong thời gian dài, cần có sự thích ứng với sự thay đổi của kế hoạch giai đoạn 1 năm, 3 năm hoặc 5 năm để điều chỉnh chính sách phù hợp.

Bên cạnh đó, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách Phát triển Nông nghiệp, nông thôn, Bộ NN&PTNT cho rằng cần có các nhóm chính sách để thúc đẩy sự chuyển đổi này. Yếu tố đầu tiên ông nhắc đến là về vấn đề vĩ mô – chính sách Nhà nước. Hiện nay, về khía cạnh quốc gia, chúng ta đã có một chiến lược chung phát triển chuyển đổi số tập trung cả ba nhóm kinh tế – xã hội – con người. Bức tranh chuyển đổi số đã có sự thẩm thấu ngay từ chiến lược của nhà nước.

Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, trong đó xác định một mảng vô cùng quan trọng: khoa học – công nghệ. “Đây là nền tảng để tạo sự tăng trưởng, nâng cao hiệu quả công việc trong thời gian tới. Mặc dù có những lợi thế về đất, nước và lao động, Việt Nam không thể duy trì mãi mãi các nguồn lợi này”, ông Thắng nhấn mạnh.

Ứng dụng công nghệ vào nâng quả hiệu quả trồng lúa ĐBSCL

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Phạm Vũ Bằng, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo Đại học Trà Vinh đã dẫn chứng về dự án thí điểm ứng dụng cảm biến tự động, nâng cao hiệu quả trồng lúa Đồng bằng Sông Cửu Long do Word Bank tài trợ, được triển khai ở 3 tỉnh: An Giang, Trà Vinh, Cần Thơ trong thời gian 2 năm (9/2017 – 9/2019).

“Đây là dự án đầu tiên được triển khai quy mô lớn ở các đồng ruộng của Đồng bằng Sông Cửu Long. Khi canh tác lúa, nguồn phát thải khí nhà kính lớn ở Việt Nam tạo ra từ đây, chiếm đến 46% lượng phát thải khí nhà kính ngành thực phẩm ở Việt Nam. Đây là lý do mà dự án ra đời”, ông Bằng cho biết.

Thiết bị cảm biến đo lường mực nước nâng cao hiệu quả trồng lúa Đồng bằng Sông Cửu Long

Thiết bị cảm biến đo lường mực nước nâng cao hiệu quả trồng lúa Đồng bằng Sông Cửu Long

Theo ông Bằng, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh những kỹ thuật canh tác thông minh, tối ưu hóa nước tưới tiêu trong canh tác lúa. Tưới khô ướt xen kẽ là một trong những giải pháp tối ưu nhất giảm chi phí, giảm 30% lượng nước cần dùng và đặc biệt giảm đến 90% phát thải khí nhà kính.

Để nâng cao độ phủ công nghệ, cần có một công cụ cảm biến để người nông dân đo lường được mực nước, tiết kiệm thời gian, công sức lao động. Khi lắp các ống cảm biến, người nông dân hoàn toàn dễ dàng theo dõi qua điện thoại thông minh về các số liệu chính xác được ống cảm biến báo về.

“Kết quả, trong 2 năm triển khai dự án, tiết kiệm được 30 – 40% lượng nước so với cách quan sát thủ công, giảm 25% chi phí tưới tiêu, năng suất trồng lúa tốt hơn so với các thửa ruộng sản xuất thông thường”, TS. Phạm Vũ Bằng thông tin.

Từ dẫn chứng về ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả trồng lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, ông Bằng cho rằng, bài học kinh nghiệm để nâng cao hàm lượng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là người nông dân cần có kiến thức thông qua việc đẩy mạnh khuyến nông và sự hỗ trợ của khu vực công.

Tin liên quan

Đọc tiếp