Còn nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Mỹ nửa cuối năm 2022

XUẤT KHẨU MỸ
08:04 - 01/08/2022
Quả vải tươi của Việt Nam được bày bán tại 2 hệ thống siêu thị Safeway và Albersons. Ảnh: moit.gov.com
Quả vải tươi của Việt Nam được bày bán tại 2 hệ thống siêu thị Safeway và Albersons. Ảnh: moit.gov.com
0:00 / 0:00
0:00
Mỹ đang phải đối mặt với lạm phát cao kỷ lục gây suy giảm nhu cầu tiêu dùng, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tín hiệu tích cực cho thấy tiềm năng xuất khẩu vào thị trường này trong nửa cuối năm 2022.

Việc Mỹ đối mặt với lạm phát cao khi đang phục hồi sau đại dịch Covid-19 đã tác động tới hoạt động kinh doanh, thị trường tiêu dùng nhóm hàng may mặc, giày dép, đồ gỗ…, vốn là những mặt hàng thuộc nhóm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại các thị trường ngoài nước tháng 7/2022 của Bộ Công Thương, ông Trần Đức Thắng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, chi nhánh San Francisco nhận định, việc kinh tế Mỹ gặp áp lực sẽ khiến nhu cầu hàng hóa tại quốc gia này giảm đi, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ.

Tuy vậy, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đánh giá mức ảnh hưởng sẽ không quá nặng nề vì các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có một bộ phận là hàng nhu yếu phẩm vốn có nhu cầu tiêu dùng vẫn cao.

Bên cạnh đó, tình hình tồn kho hiện nay của các doanh nghiệp phân phối của Mỹ đang ở mức thấp, vì vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp này sẽ gia tăng việc nhập hàng hóa để chuẩn bị cung ứng cho thị trường. Đây có thể xem là tín hiệu tốt cho việc xúc tiến thương mại của doanh nghiệp Việt sang thị trường này trong nửa cuối năm 2022.

Vẫn có những điểm sáng tích cực cho xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ

Bên cạnh đó, dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh và căng thẳng địa chính trị, 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch song phương giữa Việt Nam và Mỹ vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ổn định. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 64 tỷ USD, tăng trưởng 20%, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam sau Trung Quốc, nhưng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 56,6 tỷ USD, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 7,55 tỷ USD, giảm nhẹ 2,4%.

Hiện Việt Nam là đối tác lớn thứ 7 của Mỹ, chiếm 2,6% trong tổng kim ngạch thương mại của Mỹ với thế giới. Trong đó, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 6 vào Mỹ, chiếm 3,9% kim ngạch xuất khẩu của các nước sang Mỹ và là nước có thặng dư thương mại lớn thứ 3 với Mỹ, đạt 49 tỷ USD.

Một bước tiến lớn trong việc gia tăng thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, đó là chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco thông báo, sau một khoảng thời gian nỗ lực làm việc, hiện trái vải tươi của Việt Nam đã được đưa vào bày bán tại Safeway và Albersons tại các tiểu bang Washington, Oregon và California. Trái vải tươi này được xuất khẩu bởi Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Rồng Đỏ và do công ty Dragonberry Produce của Mỹ phân phối.

Safeway và Albersons là 2 hệ thống siêu thị 2 hệ thống siêu thị lớn nhất bờ Tây nước Mỹ, trong đó, Safeway có 773 cửa hàng, Albersons có trên 340 cửa hàng với mức bao phủ rộng lớn. Theo Dragonberry Produce, hiện nay còn 2 container vải tươi khác đi bằng đường biển cũng đang trên đường cập cảng Mỹ và tiếp tục được tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị nói trên, với giá bán là 4,99 USD/túi 430 grams.

Quả vải tươi của Việt Nam được bày bán tại 2 hệ thống siêu thị Safeway và Albersons. Ảnh: moit.gov.com

Quả vải tươi của Việt Nam được bày bán tại 2 hệ thống siêu thị Safeway và Albersons.

Ảnh: moit.gov.com

Kết quả này là nhờ sự nỗ lực, chung tay thúc đẩy của chi nhánh Thương vụ tại San Francisco, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, và các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước và các doanh nghiệp Mỹ nhằm thúc đẩy tiêu thị các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông sản tươi Việt Nam tại các bang bờ Tây của Mỹ. Bởi trước đó, phần lớn nông sản tươi, hoa quả Việt Nam xuất khẩu mới chỉ tiếp cận được hệ thống chợ và siêu thị nhỏ phục vụ người tiêu dùng gốc Á.

Nhằm thúc đẩy sự hợp tác thương mại giữa hai nước, đặc biệt với các bang bờ Tây của Mỹ, trong thời gian tới Thương vụ Việt Nam chi nhánh San Francisco sẽ hỗ trợ thúc đẩy tổ chức chương trình làm việc của Thống đốc bang Oregon tại Việt Nam nhằm ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa Bộ Công Thương và bang Oregon.

MOU này sẽ có nội dung về thương mại song phương đối với hàng hóa và dịch vụ, thực phẩm chế biến và thương mại hàng hóa nguyên liệu; năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường; thương mại và logistics; tăng cường phát triển thương mại 2 chiều, chuyển giao công nghệ và đầu tư trực tiếp trên các lĩnh vực quan trọng của 2 bên.

Đồng thời Bộ Công Thương trao đổi nhằm phối hợp với bang Oregon tổ chức Diễn đàn thương mại Việt Nam – Mỹ năm 2022 tại TP HCM; mời bang Oregon là khách danh dự tại Hội chợ Vietnam Food Expo 2023; trao đổi tổ chức Ngày Việt Nam hoặc Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam tại Oregon trong năm 2023.

Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam chi nhánh San Francisco cũng đang thúc đẩy ký kết MOU giữa Bộ Công Thương và bang Utah, nhằm đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực sản xuất tiên tiến; năng lượng; thương mại. Đồng thời, Thương vụ hỗ trợ tổ chức Hội thảo giới thiệu môi trường kinh doanh của Việt Nam tại Colorado và tiếp đón, tổ chức chương trình của các đoàn công tác của các tỉnh, doanh nghiệp sang bờ Tây làm việc, phát triển thị trường.

Ông Trần Đức Thắng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, chi nhánh San Francisco.

Ông Trần Đức Thắng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, chi nhánh San Francisco.

Về nhiệm vụ thông tin, dự báo thị trường trong nửa cuối năm 2022, Thương vụ sẽ tiếp tục nắm bắt, phân tích, đánh giá các chính sách của Mỹ và ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế Việt Nam – Mỹ. Nghiên cứu và nắm vững nhu cầu, thị hiếu của thị trường và thông tin sớm nhất cho các bộ, ngành, địa phương, ngành hàng, doanh nghiệp trong nước để sớm có những điều tiết trong sản xuất, xuất khẩu phù hợp thị trường.

Phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng trong nước tổ chức các đoàn doanh nghiệp sang Mỹ tham dự các Hội chợ lớn chuyên ngành trong các lĩnh vực: may mặc, da giày, đồ gỗ, thực phẩm chế biến…

Thương vụ cũng sẽ tăng cường kết nối hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp nền tảng; hỗ trợ đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước; kết nối, thu hút đầu tư trong sản xuất, cung ứng vật tư, thiết bị nhằm phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.

Tin liên quan

Đọc tiếp