71% doanh nghiệp gỗ giảm đơn hàng cuối 2022 do lạm phát tăng cao

Gỗ XUẤT KHẨU
08:57 - 29/07/2022
Doanh nghiệp gỗ lo đơn hàng xuất khẩu cuối năm.
Doanh nghiệp gỗ lo đơn hàng xuất khẩu cuối năm.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho biết, khảo sát 52 doanh nghiệp ngành gỗ cho thấy một bức tranh thị trường rất ảm đạm khi các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, nguyên liệu đầu vào cũng như lạm phát thế giới tăng cao.

Tại Hội nghị giao ban ngành gỗ quý III/2022, ngày 28/7, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Forest Trends công bố kết quả khảo sát nhanh đối với 52 doanh nghiệp ngành gỗ trong 2 tuần vừa qua về tình hình sản xuất và xuất khẩu.

Kết quả khảo sát cho thấy, trong 45 doanh nghiệp hiện xuất khẩu đi Mỹ có 33 doanh nghiệp cho biết doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 doanh nghiệp cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ (11%).

Xu thế tương tự đối với thị trường EU, trong số 38 doanh nghiệp tham gia thị trường này có tới 24 doanh nghiệp cho biết doanh thu hiện giảm trên 41% so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 doanh nghiệp cho biết nguồn thu tăng, ở mức 14%.

Tại thị trường Anh, trong 25 doanh nghiệp tham gia thị trường này thì 17 doanh nghiệp thông báo có nguồn thu giảm, ở mức trên 41%.

Tính chung trong tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát thì có khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu sẽ giảm trong cả năm 2022.

Đánh giá về tình hình ngành gỗ tại hội nghị, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng, các con số từ khảo sát cho thấy một bức tranh về thị trường rất ảm đạm. Các doanh nghiệp hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào.

Nhiều doanh nghiệp cũng đang tiến hành các biện pháp giảm thiểu khắc phục, bao gồm giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường và một số biện pháp khác.

Ảnh tác giả

“Thị trường thế giới đang chứng kiến những thay đổi vĩ mô vô cùng lớn. Các nguyên nhân chính dẫn đến các thay đổi này bao gồm đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga – Ukraina, mức lạm phát cao tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, khu vực đồng tiền chung Châu Âu và Anh. Các nguyên nhân này dẫn đến giá tiêu dùng tăng mạnh, lạm phát ở mức cao”.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam

Lấy ví dụ trong tháng 5 vừa qua, giá tiêu dùng tại Mỹ tăng 8,6% so với một năm trước đó, tại Anh chỉ số giá tiêu dùng tăng 9,1%, tại khu vực đồng tiền chung EU tăng 8,6%. Các ngân hàng thương mại thực hiện tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát, hàng hóa trở nên đắt đỏ, dẫn đến cầu tiêu dùng về các sản phẩm không thiết yếu giảm.

Trong bối cảnh đó, ông Lập cho biết ngành chế biến xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế. Các thị trường chính xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, Châu Âu, Anh đang lạm phát và trải qua sự sụt giảm về nhu cầu rất lớn. Điều này hiện tác động tiêu cực trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành hiện nay.

Cần kết hợp các nhóm giải pháp đưa ngành gỗ vượt thế khó

Nhìn nhận vào thực trạng các thị trường xuất khẩu như Mỹ, Anh, EU và thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ông Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Forest Trends đã đưa ra các đề xuất giải pháp giúp các doanh nghiệp gỗ duy trình sản xuất kinh doanh, góp phần duy trì mục tiêu về xuất khẩu mà Chính phủ đã đưa ra.

Trong đó, đối với nhóm kiến nghị về ngân hàng, ông Phúc cho rằng cần có các biện pháp giãn nợ, giảm lãi suất; gia hạn các khoản vay đến hạn; cho vay tồn kho, tín chấp và tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi

Về nhóm kiến nghị về thuế, phí cần giảm, chậm thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân; giảm tiền thuê đất, hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất nhằm trả vốn cho doanh nghiệp và giảm chi phí xuất khẩu container cảng biển.

Ngoài ra, theo ông Phúc cũng cần có sự bình ổn giá cả; giảm thanh, kiểm tra cũng như hỗ trợ công nhân, gia hạn thời gian đóng bảo hiểm xã hội và thiết kế các gói cứu trợ.

“Các hiệp hội trong ngành tăng cường cập nhật thông tin thị trường thường xuyên thông qua các đánh giá, hội thảo, báo cáo. Cùng với đó là kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số, cải tiến công nghệ. Các hiệp hội cũng nên tính đến việc liên kết với nhau nhằm để giảm giá thành và tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường”, ông Phúc đề xuất.

Riêng về các tồn tại của ngành, bao gồm tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu rừng trồng, làm nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng nhất cho các hợp phần như đồ gỗ, dăm, ván ép, viên nén hiện nay, theo ông Phúc cần nhanh chóng nhất thể hóa giữa các khung cơ chế chính sách (Thông tư 27, công văn, thông tư của Bộ Tài chính) để đơn giản hóa các yêu cầu và thủ tục xác nhận gỗ nguyên liệu rừng trồng của hộ gia đình.

“Xuyên suốt xác nhận của cơ quan hải quan (đầu ra – đầu vào của doanh nghiệp xuất khẩu) đến cơ quan thuế chấp nhận thông tin từ hải quan. Nếu cần sẽ có thêm sự xác nhận của cơ quan thứ ba. Đặt ra cơ chế xử phạt đối với các bên trung gian thu mua nguyên liệu không nộp thuế với nguyên tắc ai sai người đó chịu”, đại diện Forest Trends nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp