Việt Nam nhập siêu gần 8 tỷ USD từ ASEAN

Việt nAM XUẤT KHẨU
11:36 - 29/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2022 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 431,9 tỷ USD, tăng 14,8%. Trong đó, Việt Nam nhập siêu từ khu vực ASEAN 7,9 tỷ USD.

Trong tháng 7/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 60,6 tỷ USD, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu ước đạt 30,32 tỷ USD trong tháng 7/2022, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt 27,8 tỷ USD). Khu vực kinh tế trong nước đạt 7,93 tỷ USD, giảm 8,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,3 tỷ USD, giảm 7,4%.

Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 216,3 tỷ USD, tăng 16,1% (năm 2021 đạt 186,4 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 56,9 tỷ USD, tăng 17% và chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 159,3 tỷ USD, tăng 15,7% và chiếm 73,7%.

7 tháng đầu năm 2022 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, có tới 5 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD. Bao gồm điện thoại và linh kiện đạt 33,6 tỷ USD, đây cũng là mặt hàng có trị giá lớn nhất trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đứng thứ 2 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 31,6 tỷ USD; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác đạt 24,9 tỷ USD; hàng dệt may đạt 22,1 tỷ USD; giày dép đạt 14 tỷ USD.

Về nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng đạt trị giá cao nhất, đạt 9,6 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm, mặt hàng này của Việt Nam đã xuất khẩu sang 40 thị trường, trong đó sang Mỹ đạt trị giá lớn nhất, ở mức 4,8 tỷ USD; tiếp theo là thị trường Trung Quốc, Nhật Bản…

Đối với mặt hàng thủy sản, trong 7 tháng đầu năm 2022 kim ngạch xuất khẩu đạt 6,6 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 trong nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tôm, cá tra và cá ngừ là ba mặt hàng xuất khẩu đạt tỷ trọng lớn nhất, lần lượt đạt 2,3 tỷ USD; 1,4 tỷ USD và 553 triệu USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc là 4 thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc – Hong Kong là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn từ Việt Nam, đạt 427,6 triệu USD; đứng thứ 2 là Mỹ đạt 356 triệu USD. Với mặt hàng cá ngừ, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đạt 300 triệu USD; đứng thứ 2 là khối EU, đạt 77 triệu USD; CPTPP đạt 68 triệu USD…

Ngoài gỗ và thủy sản, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ghi nhận có thêm 4 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Trong đó, cà phê đạt 2,5 tỷ USD; gạo đạt 2 tỷ USD; hàng rau quả đạt 1,9 tỷ USD; hạt điều đạt 1,7 tỷ USD.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,5%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Nhóm hàng nông nghiệp chế biến chiếm 88,7%, giảm 0,1 điểm phần trăm; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,7%, giảm 0,7 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 3,1%, tăng 0,4 điểm phần trăm.

Nhập khẩu hơn 200 tỷ USD hàng hóa trong 7 tháng đầu năm

Trong tháng 7/2022, Việt Nam nhập khẩu 30,3 tỷ USD hàng hóa, tăng 3.7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực có kinh tế trong nước đạt 10,7 tỷ USD, giảm 9,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,6 tỷ USD, giảm 4%.

Tính chung 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu ước đạt 215,5 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 76 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 139,5 tỷ USD, tăng 13,7%.

7 tháng đầu năm 2022 có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,6% tổng kim ngạch nhập khẩu. Đáng chú ý, mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện nhập khẩu tới 49,9 tỷ USD. Ngoài ra còn có máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 26,2 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 11,8 tỷ USD.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 7 tháng năm 2022,nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44%, giảm 0,8 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 50%, tăng 1 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6%, giảm 0,2 điểm phần trăm.

Xuất siêu gần 800 triệu USD trong 7 tháng đầu năm

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 7/2022, ước tính Việt Nam xuất siêu 21 triệu USD. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, ước tính Việt Nam xuất siêu 764 triệu USD (cùng kỳ năm 2021 nhập siêu 3,31 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,07 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 19,83 tỷ USD.

Về thị trường, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt 67,1 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đứng thứ 2 là Trung Quốc, đạt 30,4 tỷ USD, tăng 6,5%; Eu đạt 27,9 tỷ USD, tăng 22%...

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt 72,6 tỷ USD, tăng 14,8%; tiếp theo là Hàn Quốc, đạt 37,4 tỷ USD, tăng 23,9%...

Trong 7 tháng đầu năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 18,7 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu từ Trung Quốc 42,2 tỷ USD, tăng 21,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 23,5 tỷ USD, tăng 30,3%; nhập siêu từ ASEAN 7,9 tỷ USD, giảm 8,9%; nhập siêu từ Nhật Bản 769 triệu USD, giảm 13,9%.

Tin liên quan

Đọc tiếp