Cơ hội thu hút đầu tư từ Đan Mạch vào lĩnh vực năng lượng

ĐẦU TƯ Bắc Âu
17:40 - 30/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết các nước Bắc Âu đang có xu hướng chuyển dịch thương mại, đầu tư để không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường truyền thống. Do đó, châu Á bao gồm Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến thu hút.

Ngày 29/7, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị "Giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 7/2022", nhằm nắm bắt thông tin thị trường, những kiến nghị từ phía các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các địa phương và hiệp hội ngành hàng để có thể những tính kế hoạch xử lý, điều chỉnh phù hợp nhằm thúc đẩy, xúc tiến thương mại cho ngành xuất khẩu Việt Nam nửa cuối năm 2022.

Tại hội nghị, các cơ quan thương vụ, một số địa phương và hiệp hội ngành hàng đã có những báo cáo tóm lược về tình hình thương mại giữa Việt Nam và thị trường nước sở tại, những thuận lợi, khó khăn doanh nghiệp cần lưu ý trong thời gian tới để đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu bền vững.

Thu hút đầu tư trực tiếp từ Đan Mạch vào Việt Nam

Trong đó, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, IceLand, Na Uy, Latvia) cho biết, cuộc xung đột Nga – Ukraine và việc thiếu nhiên nguyên liệu trên toàn thế giới cũng gây ra tình hình lạm phát, giá năng lượng tăng cao tại các quốc gia này và buộc họ phải có những chính sách để chống lại những ảnh hưởng này.

Tuy nhiên, ảnh hưởng này không quá nghiêm trọng do phần lớn các quốc gia Bắc Âu đều đang rất tích cực trong việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, giảm phát thải, đặc biệt là Đan Mạch. Đây là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực xanh với là một trong những nước có mục tiêu khí hậu tham vọng nhất thế giới.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, IceLand, Na Uy, Latvia) phát biểu tại Hội nghị từ điểm cầu trực tuyến.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, IceLand, Na Uy, Latvia) phát biểu tại Hội nghị từ điểm cầu trực tuyến.

Dù vậy, cuộc xung đột này cũng khiến doanh nghiệp tại các quốc gia này phải nhìn nhận lại thị trường. Theo đó, các nước Bắc Âu đang có xu hướng chuyển dịch thương mại, đầu tư để không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường truyền thống. Châu Á, nơi có nguồn nhân công dồi dào và còn nhiều dư địa để đầu tư là một trong những điểm đến mới của các quốc gia này.

Tại cuộc hội nghị, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển kiến nghị, bên cạnh việc xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường Bắc Âu. Trong nửa cuối năm 2022, Thương vụ sẽ hướng tới thu hút đầu tư trực tiếp từ các quốc gia này vào Việt Nam, đặc biệt tại lĩnh vực chuyển đồi năng lượng xanh, tái tạo, hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải về 0 tại COP26.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, hiện nay nhiều doanh nghiệp tại Đan Mạch đang rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2022, nếu chỉ tính số vốn đăng ký mới thì Đan Mạch đang là quốc gia đầu tư nhiều thứ 3 vào Việt Nam, sau Singapore và Nhật Bản. Cụ thể, với dự án đầu tư nhà máy mới của Lego với vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD đã giúp nâng tổng vốn đầu tư trực tiếp từ Đan Mạch vào Việt Nam lên 1,32 tỷ USD, chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư.

Ngoài ra, hiện đã có 31 tập đoàn, doanh nghiệp đăng ký tháp tùng Thái tử và Công nương Đan Mạch trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 1/11 - 2/11 tới đây. Trong đó, ngoài các doanh nghiệp lớn và có tiếng tăm như Lego, hiện có 3 quỹ tín dụng và đầu tư lớn cũng đăng ký tháp tùng. Có thể nói đây là tín hiệu cho thấy sự chuyển dịch đầu tư của Đan Mạch vào các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

Gia tăng sự hiện diện của hàng Việt tại Bắc Âu

Về tình hình thương mại song phương, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực Bắc Âu (trừ Phần Lan) đạt 1,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này đạt 1,1 tỷ USD tăng 25%.

Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Điển đạt 811 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 635 triệu USD, tăng 18% và nhập khẩu từ Thụy Điển 176 triệu USD, tăng 0,5%.

Với thị trường Đan Mạch, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 382 triệu USD, tăng 24%. Việt Nam xuất khẩu sang Đan Mạch đạt 271 triệu USD, tăng 49% và nhập khẩu từ Đan Mạch đạt 110 triệu USD, giảm 13%.

Ngoài ra, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Na Uy đạt 263 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Na Uy đạt 71,5 triệu USD, tăng 7% và nhập khẩu từ Na Uy đạt 191 triệu USD, tăng 7%. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Na Uy, nước này nhập khẩu từ Việt Nam chỉ trong 6 tháng đầu năm đã đạt hơn 440 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021, lớn hơn gấp 6 lần so với số liệu của Tổng cục Hải quan.

Theo bà Thúy, sau những biến cố liên tiếp của thị trường như chiến tranh thương mại, đại dịch, xung đột quân sự… các nước trên thế giới đều nhận ra rằng không thể phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống. Bắc Âu hay Việt Nam đều không nằm ngoài xu hướng này, mà phải mở rộng để đa dạng hóa nguồn cung và thị trường. Vì vậy, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội các nước đang chuyển dịch thương mại để kéo đầu tư về Việt Nam và để mở rộng thị trường hàng hóa của chúng ta ra thế giới.

Tháng 5 vừa qua, EU đã ban hành Quy định về việc tuân thủ mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ sâu tối đa trên các sản phẩm nông sản nhập khẩu vào khối này. Thực hiện qui định của EU, Na Uy đã triển khai Chương trình giám sát quốc gia và Cơ quan An toàn Thực phẩm Na Uy đã tiến hành kiểm tra một số loại sản phẩm thực phẩm về dư lượng thuốc trừ sâu, mức dư lượng tối đa (MRL) tại Na Uy.

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, 3 mẫu gạo của Việt Nam khi kiểm tra đã vượt quá dư lượng cho phép và bị yêu cầu đăng thu hồi thông qua các phương tiện truyền thông. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh gạo Việt Nam và gạo Việt Nam sẽ bị tăng cường kiểm tra trong thời gian tới. Do vậy, Thương vụ đã đề nghị các địa phương, hiệp hội cảnh báo doanh nghiệp để tránh hiệu ứng domino của thị trường.

Đan Mạch và Bắc Âu nói chung có thế mạnh về phát triển năng lượng tái tạo.

Đan Mạch và Bắc Âu nói chung có thế mạnh về phát triển năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường Bắc ÂU trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiến nghị doanh nghiệp cần tăng cường quảng bá để tăng sự hiện diện của hàng Việt Nam tại thị trường. Thương vụ cho rằng chỉ cần người tiêu dùng biết đến hàng Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu nhiều hàng Việt Nam thì cho dù không nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam mà thông qua các đầu mối tại các nước EU khác cũng giúp tăng kim ngạch xuất khẩu nói chung của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thương vụ khuyến khích doanh nghiệp chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Đồng thời thu hút các tập đoàn bán lẻ lớn của Bắc Âu, vốn có sẵn mạng lưới phân phối toàn cầu, về Việt Nam đầu tư sản xuất rồi xuất khẩu ngược lại vào hệ thống phân phối của họ. Như vậy, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng được kênh phân phối của các tập đoàn này, không chỉ tăng đầu tư, tăng kim ngạch xuất khẩu sang các nước Bắc Âu, mà còn tăng xuất khẩu sang các nước khác.

Tin liên quan

Đọc tiếp