Còn nhiều tiềm năng cho nông sản Việt tại thị trường Mexico

Giao thương Mexico
18:43 - 10/06/2022
Còn nhiều tiềm năng cho nông sản Việt tại thị trường Mexico
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 10/6, Bộ NN&PTNT có buổi làm việc với Đại sứ Mexico tại Việt Nam, trong đó 2 bên đều đánh giá cao tiềm năng xuất khẩu của hai quốc gia, trong đó có nông sản.

Tại buổi làm việc, Đại sứ Alejandro Negrin Munoz nhận định quan hệ Việt Nam – Mexico đã có những tiến triển lớn. Mexico hiện là đối tác thương mại lớn của Việt Nam tại khu vực Mỹ La tinh và là thị trường nhập khẩu nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam.

Ông Alejandro Negrin Munoz tin tưởng tiềm năng thương mại nông sản giữa 2 quốc gia còn rất lớn. Ông cũng hy vọng Thỏa thuận đối tác toàn diện giữa Việt Nam – Mexico sớm được ký kết để thể hiện rõ cam kết giữa hai quốc gia.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh tiếp Đại sứ Mexico tại Việt Nam Ông Alejandro Negrin Munoz. Ảnh: mard.gov.vn

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh tiếp Đại sứ Mexico tại Việt Nam Ông Alejandro Negrin Munoz. Ảnh: mard.gov.vn

Tại cuộc gặp, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam – Mexico phát triển tốt đẹp những năm vừa qua. Mexico là nước lớn có vị thế quan trọng ở khu vực Mỹ La tinh. Hai nước có nhiều cơ hội về phát triển thương mại nông sản. Sản phẩm nông sản của hai nước ít cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ trợ lẫn nhau.

Những năm qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mexico ngày càng phát triển. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đều tăng trưởng dương và cán cân thương mại luôn nghiêng về phía Việt Nam.

Theo Thứ trưởng, quan hệ giữa hai nước cần được thúc đẩy hơn nữa, trước hết là ký kết các văn kiện tạo hành lang pháp lý để thực hiện. Hiện hai bên đang đàm phán ba thỏa thuận gồm: Hợp tác kiểm dịch thú y, Hợp tác Kiểm dịch bảo vệ thực vật và Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Mexico xem xét dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu tôm Việt Nam vì đây là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tới nhiều nước phát triển.

Năm 2013, để bảo vệ ngành công nghiệp nuôi tôm trong nước, Mexico đã ngừng nhập khẩu sản phẩm tôm sú, tôm thẻ chân trắng từ 4 nước châu Á, bao gồm Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Đến hiện tại, lệnh cấm này vẫn có hiệu lực.

Dư địa cho hàng hóa Việt Nam tại Mexico

Theo Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,9 tỷ USD hàng hóa sang Mexico, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu chính sang thị trường này là mặt hàng công nghiệp, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng.

Đối với mặt hàng nông sản, hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm 2022, cà phê dù chỉ đạt hơn 12 triệu USD nhưng so với cùng kỳ năm 2021, mặt hàng này có mức tăng trưởng vượt trội, đây cũng là mặt hàng có mức tăng trưởng kim ngạch cao nhất, đạt mức hơn 4.600% (năm 2021 đạt khoảng 300.000 USD).

Ngoài cà phê, thủy sản trong kỳ này cũng tăng trưởng khả quan, đạt mức 59 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước (năm 2021 đạt 37 triệu USD).

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng chính là nguyên liệu, các mặt hàng công nghiệp. Trong đó, nhập khẩu máy vi tính, SP điện tử và linh kiện đạt kim ngạch cao nhất, ở mức 209 triệu USD, tăng 117% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt 95,9 triệu USD); tiếp đến là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 41 triệu USD, tăng 12% (năm 2021 đạt 36,6 triệu USD).

Việt Nam và Mexico hiện đều là thành viên của Hiệp định CPTPP. Việc tận dụng ưu đãi về thuế quan từ hiệp định này chính là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy thương mại giữa 2 quốc gia. Cụ thể, phía Mexico cam kết sẽ xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay từ ngày 14/1/2018, sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Một số mặt hàng Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi thuế trong CPTPP để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mexico bao gồm cá tra, cá basa, cá ngừ, gạo và hàng dệt may. Mỗi năm, Mexico nhập khẩu khoảng 900.000 tấn gạo, 1,8 tỷ USD hàng dệt may và 1,1 tỷ USD hàng giày dép các loại.

Những năm gần đây, Mexico đang thực hiện đẩy mạnh chiến lược mở cửa nền kinh tế. Mặt khác, để hỗ trợ chính sách mở cửa, trong những năm qua, Mexico đã thực hiện nhiều điều chỉnh quan trọng trong Luật Hải quan như đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hóa, áp dụng cửa sổ điện tử nhằm tự động hóa nhiều thủ tục ngoại thương.

Đối với các biện pháp vệ sinh an toàn động thực vật, Mexico đã xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử để các bên liên quan có thể tiếp cận yêu cầu về vệ sinh an toàn động thực vật. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thúc đẩy vào thị trường này.

Song song với các doanh nghiệp cũng cần lưu ý một số điểm khi xuất khẩu vào thị trường Mexico như cần tìm hiểu thị trường để đánh giá nhu cầu đối với sản phẩm của doanh nghiệp, xác định lợi thế cạnh tranh, nắm vững những ưu đãi mà sản phẩm Việt Nam được hưởng tại thị trường xuất khẩu.

Mặt khác, cần nghiên cứu về nhập khẩu hàng hóa, thuế, thủ tục hải quan, đặc biệt các quy định phi thuế quan như SPS (kiểm dịch động thực vật) và TBT (các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, dán nhãn)…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng cần chủ động hơn nữa tìm hiểu về Hiệp định CPTPP, hiểu sâu, rõ hơn về thuế nhập khẩu ưu đãi; sử dụng những nền tảng thương mại điện tử để giao lưu, kết nối hợp tác với các doanh nghiệp Mexico.

Đọc tiếp