COP26 đạt mốc lịch sử về chấm dứt nạn phá rừng toàn cầu

COP26 Phá rừng
14:42 - 02/11/2021
0:00 / 0:00
0:00
Tại hội nghị COP26 đang diễn ra tại Scotland, hơn 100 nhà lãnh đạo toàn cầu đã cam kết đẩy lùi hoàn toàn nạn phá rừng trên toàn thế giới vào năm 2030, đồng thời tài trợ gần 20 tỷ USD cho việc bảo vệ và phục hồi diện tích rừng trên trái đất.

Trong ngày 2/11, Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 ở Glasgow sẽ kết thúc với cam kết chấm dứt nạn phá rừng và ngăn chặn sự suy thoái đất vào năm 2030. Trong số các quốc gia ký kết có các nước như Brazil, Indonesia và Cộng hòa Dân chủ Congo vốn chiếm tới 85% diện tích rừng trên thế giới. Đây cũng là các quốc gia đã phải đối mặt với nạn phá rừng trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, người chủ trì hội nghị thượng đỉnh, cho biếPhát tất cả những thỏa thuận này đều hướng đến mục tiêu của Hiệp định Paris năm 2015 là giữ cho nhiệt độ nóng lên của Trái đất ở mức 1,5 độ C.

Cây cối tiếp tục bị chặt với quy mô công nghiệp, đặc biệt là ở Amazon. Ảnh: Reuters

Cây cối tiếp tục bị chặt với quy mô công nghiệp, đặc biệt là ở Amazon. Ảnh: Reuters

Cam kết tỷ đô

Tuyên bố về cam kết ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng và suy thoái đất vào năm 2030 bao gồm hứa hẹn đảm bảo quyền của người dân bản địa, đồng thời ghi nhận "vai trò của họ như những người bảo vệ rừng".

Trong vòng hai tuần nữa, cam kết này sẽ tiếp tục được thảo luận để đi tới xây dựng các kế hoạch tại từng quốc gia, nhằm ứng phó những tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Trong cam kết ngân sách gần 20 tỷ USD ​​sẽ bao gồm 12 tỷ USD tài trợ công từ 12 quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2025 và 7,2 tỷ USD tài trợ tư nhân mới huy động được. Ngoài ra, các lãnh đạo nhất trí thiết lập thêm một quỹ mới trị giá 1,5 tỷ USD để bảo vệ lưu vực rừng mưa nhiệt đới Congo, được mệnh danh là lá phổi xanh lớn thứ hai thế giới sau rừng Amazon.

Cùng với đó, hơn 30 tổ chức tài chính đã thỏa thuận tài trợ 8,7 nghìn tỷ USD cho bảo vệ và phục hồi diện tích rừng bao gồm Aviva, Schroders và Axa. Những tổ chức này cũng cam kết sẽ ngừng đầu tư vào các hoạt động liên quan đến phá rừng vào năm 2025.

5 quốc gia bao gồm Anh và Mỹ và một nhóm các tổ chức từ thiện toàn cầu cũng tuyên bố cung cấp bổ sung 1,7 tỷ USD để hỗ trợ người dân bản địa bảo tồn rừng và tăng cường quyền sở hữu đất đai của họ.

Niềm hy vọng trái đất

Tổng thống Indonesia Joko Widodo chia sẻ tại COP26 rằng sự giàu có về tài nguyên rừng nhiệt đới, rừng ngập mặn, biển và đất than bùn trên đất nước vạn đảo chính là chìa khóa để hạn chế biến đổi khí hậu. Trong một tuyên bố ông khẳng định: “Chúng tôi cam kết bảo vệ các 'bồn chứa carbon' quan trọng này như một tài sản thiên nhiên quý báu để dành tặng cho các thế hệ tương lai”.

Ngoài ra, Indonesia cũng kêu gọi tất cả các quốc gia cần hỗ trợ các dự án phát triển bền vững nhằm tăng cường sinh kế cho cộng đồng dân cư khu vực có rừng – đặc biệt là người dân bản địa, phụ nữ và các hộ sản xuất nhỏ.

Trong khi đó tại Brazil, Giám đốc điều hành Carolina Pasquali của tổ chức Greenpeace Brazil cho biết người dân bản địa đang kêu gọi cần được chung tay bảo vệ 80% diện tích rừng Amazon vào năm 2025. Theo bà khí hậu và thế giới tự nhiên không thể tự đáp ứng được thỏa thuận của COP26 mà cần có những hành động cụ thể.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cách tốt nhất để bảo vệ rừng trên toàn thế giới là đặt chúng dưới sự quản lý của người dân bản địa - những người có kiến ​​thức bảo tồn rừng qua nhiều thế hệ.

Điều phối viên tại Các tổ chức bản địa của lưu vực sông Amazon (COICA) Tuntiak Katan Jua cũng nhận định, nếu 80% những gì được đề xuất hướng đến hỗ trợ quyền đất đai cho cộng đồng bản địa và địa phương, nhân loại sẽ được chứng kiến sự đảo ngược đáng kể trong xu hướng hủy hoại tài nguyên thiên nhiên đang diễn ra hiện nay.

Tuy nhiên, những thảm rừng nhiệt đới trên thế giới vẫn đang bị chặt phá với quy mô công nghiệp. Quy mô phá rừng ở Amazon dưới thời chính phủ cực hữu của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cũng đang đặt ra hồi chuông cảnh báo.

Nghiên cứu cho thấy lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Brazil đã tăng 9,5% vào năm 2020 do nạn phá rừng ở Amazon. Gần một phần tư lượng khí thải carbon dioxide do con người tạo ra là do các hoạt động tàn phá thiên nhiên như khai thác gỗ, nạn phá rừng và canh tác nông nghiệp.

Do vậy, cam kết tỷ đô được các quốc gia nhất trí tại COP26 được hy vọng sẽ là dấu mốc quan trọng mang tính lịch sử trên con đường bảo vệ những cánh rừng quý giá và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu của toàn nhân loại.

Đọc tiếp