CPI 10 tháng tăng chậm nhất kể từ năm 2016: Vẫn không thể chủ quan với áp lực lạm phát

TÀI CHÍNH Việt nAM
19:02 - 29/10/2021
CPI 10 tháng tăng chậm nhất kể từ năm 2016: Vẫn không thể chủ quan với áp lực lạm phát
0:00 / 0:00
0:00
Tính chung 10 tháng năm 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 10 tháng tăng 0,84%.

Dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1,81% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, chuỗi lưu thông hàng hóa phục hồi thúc đẩy giá lương thực thực phẩm giảm và giá thuê nhà tiếp tục xuống thấp trong khi nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm khi bước sang mùa thu - đông.

CPI 10 tháng đầu năm tăng chậm nhất kể từ năm 2016

CPI 10 tháng tăng chậm nhất kể từ năm 2016: Vẫn không thể chủ quan với áp lực lạm phát ảnh 1

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng 9.

Trong đó 3/11 nhóm hàng hóa dịch vụ tiêu dùng chính giảm giá bao gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-1,28%, làm CPI chung giảm 0,43 điểm phần trăm), nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 10/2021 giảm 0,26% (làm CPI chung giảm 0,05 điểm phần trăm), nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%, tập trung giảm ở giá điện thoại di động và phụ kiện điện thoại di động đối với các mẫu hàng cũ.

Mức giảm mạnh nhất đến từ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống do chỉ số giá nhóm lương thực tháng 10/2021 giảm 0,17%, giá thực phẩm giảm 2,05% so với tháng trước khi chuỗi lưu thông phục hồi, nguồn cung được bảo đảm, người dân không còn tâm lý mua gom tích trữ.

8/11 nhóm hàng hóa dịch vụ tiêu dùng tăng giá bao gồm nhóm giao thông tăng 2,51% (làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm), nhóm giáo dục tăng 0,25% (làm CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm), nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,19%, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,13%, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,04%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12% .

Sự tăng vọt mạnh nhất của giá hàng hóa nhóm giao thông chủ yếu do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới. Cụ thể giá xăng tăng 6,72%, dầu diezen tăng 8,72% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá vào các ngày 25/9/2021, 11/10/2021 và 26/10/2021, trong đó giá xăng A95 tăng 2.940 đồng/lít, xăng E5 tăng 2.970 đồng/lít, dầu diezen tăng 2.690 đồng/lít. Giá dịch vụ vận tải công cộng cũng tăng 0,08% so với tháng trước do giá xăng, dầu tăng.

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy đồng USD mạnh lên trên thị trường thế giới khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tuyên bố giữ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ kinh tế trong thời gian tới nhưng cảnh báo thu hẹp quy mô gói mua tài sản trị giá 120 tỷ USD từ cuối năm nay. Tính đến ngày 27/10/2021, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 93,97 điểm, tăng 1,1 điểm so với tháng trước.

Trong nước, tỷ giá USD trên thị trường tự do dao động quanh mức 22.914 VND đổi 1 USD khi lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo đảm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu. Trong tháng 10/2021, chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,06% so với tháng trước, giảm 1,2% so với tháng 12/2020 và giảm 1,48% so với cùng kỳ năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu mua bán ngoại tệ hạn chế. Bình quân 10 tháng năm 2021, chỉ số này giảm 0,94%.

Nguồn: SVB

Nguồn: SVB

Nhìn chung, tính bình quân 10 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng bình quân 10 tháng thấp nhất kể từ năm 2016.

Lạm phát cơ bản (tức CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục) tháng 10/2021 giảm 0,17% so với tháng 9 và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Bình quân 10 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung là 1,81%. Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và nhiên liệu tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 10 nói riêng và 10 tháng năm 2021 nói chung so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Giá nhiên liệu toàn cầu tăng vọt (Nguồn: FactSet)

Giá nhiên liệu toàn cầu tăng vọt (Nguồn: FactSet)

TS.Cấn Văn Lực: Không thể chủ quan với áp lực lạm phát

Trao đổi với MEKONG ASEAN về dữ liệu CPI tháng 10, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho hay: “Nhìn chung con số CPI do Tổng cục Thống kê công bố khá sát thực tế trong bối cảnh giá lương thực thực phẩm, vốn là bộ phận quan trọng trong cơ cấu CPI nói chung, giảm mạnh trong tháng qua khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, thúc đẩy chuỗi lưu thông và cung ứng phục hồi."

"Thứ hai là sự giảm giá điện một phần do chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Thứ ba là đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu mạnh nhất vào ngày 26/10 vừa qua chưa gây ảnh hưởng đến CPI do dữ liệu đã được Tổng cục Thống kê chốt trước đó. Một lý do khác khiến CPI giảm trong tháng 10 là nhu cầu tiêu dùng cho đến nay vẫn tương đối yếu do quan ngại của người dân về diễn biến phức tạp của dịch bệnh và nhiều yếu tố khác”, ông Lực nói.

TS. Cấn Văn Lực đánh giá lạm phát năm nay cơ bản đến từ yếu tố chi phí đẩy khi giá cả một số mặt hàng, đặc biệt là nhiên nguyên vật liệu tăng, từ xăng dầu cho đến than và gas.., chứ không đến từ yếu tố tiền tệ. Bình quân cả năm dự báo giá dầu thô tăng 50-55% so với năm 2020. Tác động từ mức tăng giá nhiên liệu có thể đẩy lạm phát tại Việt Nam tăng khoảng 0,2-0,3%, do nền kinh tế Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào xăng dầu. Ngoài ra, giá các mặt hàng nông sản, sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng cũng tăng mạnh, có thể gây tác động lớn đến lạm phát trong dài hạn.

“Lạm phát từ đầu năm đến nay vẫn ở mức thấp, cụ thể dưới 1%, đến từ yếu tố chi phí đẩy. Cung tiền về cơ bản có tăng nhưng không tăng mạnh. Theo tính toán của chúng tôi, vòng quay đồng tiền năm nay chỉ ở mức khoảng 0,6-0,7 lần, thấp hơn nhiều so với mức 2 lần ở thời kỳ cao điểm”, ông Lực nói.

Ảnh tác giả

“Hiện tại, tác động chưa quá ghê gớm do nhà sản xuất, nhà nhập khẩu chưa dám chuyển ngay mức tăng giá đầu vào vào giá bán cuối cùng do sức cầu còn yếu và vòng quay đồng tiền còn chậm. Tuy nhiên, không thể chủ quan vì áp lực lạm phát sẽ ngày càng tăng lên khi nền kinh tế phục hồi”

TS.Cấn Văn Lực

Nhận định về dài hạn, TS.Cấn Văn Lực cho hay: “Theo tính toán của chúng tôi, đến hết năm nay, lạm phát có thể ở mức 2,3-2,5%. Năm tới, lạm phát có thể tăng lên khoảng 3,5-3,7% khi nền kinh tế phục hồi và sức cầu mạnh mẽ trở lại. Nhìn chung, mức lạm phát như vậy vẫn là con số chấp nhận được, không gây rủi ro lớn với nền kinh tế và vẫn dưới mức mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra”.

Cầu hàng hóa hiện còn yếu (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Cầu hàng hóa hiện còn yếu (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Bàn về diễn biến tỷ giá hối đoái, ông Lực nhận định: “Tỷ giá năm nay diễn biến hơi bất thường so với những năm trước. Đồng Việt Nam đang tăng giá so với đồng USD trong khi đồng USD cũng tăng giá, trong khi thông thường trong bối cảnh kinh tế ảm đạm như vậy, đồng Việt Nam thường mất giá khoảng 1-2% so với USD. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này: một là do mặc dù nhập siêu nhưng dòng FDI và kiều hối vẫn đổ về tương đối tích cực, hai là do NHNN điều chỉnh phương thức điều hành tỷ giá, ngừng mua ngoại tệ kỳ hạn, quay trở lại mua ngoại tệ giao ngay trong bối cảnh Việt Nam đạt được thỏa thuận về tỷ giá với Bộ Tài chính Mỹ”.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.