Cuộc khủng hoảng tín dụng của Nga dấy lên bóng ma vỡ nợ

TÀI CHÍNH NGA
13:17 - 02/03/2022
Đồng RUB đã trượt giá so với đồng USD trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây được thắt chặt. Ảnh: Reuters
Đồng RUB đã trượt giá so với đồng USD trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây được thắt chặt. Ảnh: Reuters
Các biện pháp trừng phạt tài chính quốc tế chống lại Nga đang khiến nước này rơi vào khủng hoảng tín dụng. Trong đó, những hạn chế của phương Tây đối với khả năng tiếp cận ngoại tệ của Moscow đang gây ra lo ngại về việc nước này sẽ vỡ nợ.

Trong cuộc họp trực tuyến hôm 1/3, nhóm các Bộ trưởng tài chính và Chủ tịch ngân hàng trung ương của G7 đã nhất trí có hành động nhanh chóng hơn để đáp trả các chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Các lãnh đạo G7 khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng, bao gồm loại bỏ ngân hàng trung ương Nga khỏi nguồn dự trữ ngoại tệ, đã tạo ra tác động lớn đến kinh tế và tài chính nước Nga.

Riêng trong ngày 28/2, lợi tức trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp của Nga đã tăng mạnh ở châu Âu. Giá của khoản nợ chính phủ bằng USD đến hạn thanh toán vào năm 2047 đã giảm hơn một nửa chỉ trong một ngày, trong khi lợi suất tăng lên 18% từ mức 8% vào cuối tuần trước.

Mọi người xếp hàng bên ngoài chi nhánh của ngân hàng quốc doanh Nga Sberbank ở Prague, CH Czech để rút tiền tiết kiệm và đóng tài khoản vào ngày 25/2. Ảnh: AFP

Mọi người xếp hàng bên ngoài chi nhánh của ngân hàng quốc doanh Nga Sberbank ở Prague, CH Czech để rút tiền tiết kiệm và đóng tài khoản vào ngày 25/2. Ảnh: AFP

Kể từ khi hứng chịu đòn kinh tế nặng nề từ các lệnh trừng phạt sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, Moscow tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng thủ tài chính. Nga đã giảm nợ nước ngoài xuống dưới 500 tỷ USD, từ mức hơn 700 tỷ USD và tăng dự trữ ngoại tệ. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt khiến phần lớn tài sản đó bị đóng băng, ngăn cản việc sử dụng chúng để tăng giá trị cho đồng RUB và khiến nợ USD trở nên nặng nề hơn nhiều.

Nga đang có khoản nợ ước tính 33 tỷ USD, một phần lớn trong số đó sẽ đáo hạn vào tháng 4 năm nay. Ngoài ra, khoảng 30% trong tổng số 135 tỷ USD nợ phải trả bên ngoài sẽ đến hạn thanh toán trong vòng một năm tới.

Các biện pháp siết chăt tài chính của Mỹ và các nền kinh tế lớn khác đối với việc mua trái phiếu chính phủ Nga khiến việc đảo nợ này trở nên khó khăn hơn. Hầu hết các bên tham gia thị trường cũng sẽ tránh trái phiếu doanh nghiệp Nga.

Ngoài ra, các khoản hoán đổi rủi ro vỡ nợ tín dụng 5 năm đối với khoản nợ công của Nga đã tăng gần gấp ba lần từ cuối tuần trước lên hơn 15% vào hôm 28/2. Mức tăng này cao hơn nhiều so với con số 6% được ghi nhận sau khi Nga sáp nhập Crimea. Trước tình hình này, nhiều nhà đầu tư có thể thấy nguy cơ Nga vỡ nợ là rất cao. Đây cũng lần đầu tiên tài chính Nga bị "báo động" vỡ nợ, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998.

Không chỉ các tổ chức tài chính ở Nga đang cảm thấy căng thẳng trước sức nóng của cuộc khủng hoảng tín dụng, người dân Nga cũng cảm thấy lo lắng và hoảng loạn tập trung tại các máy ATM ở Moscow để rút tiền dự trữ.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina cũng thừa nhận rằng: "Hệ thống ngân hàng Nga hiện đang trải qua thâm hụt thanh khoản cơ cấu". Cơ quan này đã tăng hơn gấp đôi lãi suất cơ bản, từ 9,5% lên 20% trong bối cảnh đồng RUB liên tục bị trượt giá (có thời điểm giảm 30%) trước các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Tỉ giá hối đoái của đồng RUB đã lao dốc xuống mức thấp kỷ lục là 119,50 RUB/USD.

Đặc biệt, khi các ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT, nước này sẽ khó tiếp cận ngoại tệ. Nếu đồng RUB tiếp tục mất giá, nỗi lo ngại lạm phát có thể khiến người gửi tiền bỏ đồng này để mua các tài sản được coi là an toàn hơn, chẳng hạn như hàng hóa hoặc các loại tiền tệ khác. Tuy nhiên, một vòng luẩn quẩn vẫn diễn ra và vấn đề tài chính nước Nga chưa thể vực dậy ngay.

Các biện pháp trừng phạt có thể là "một con dao hai lưỡi", khi chúng có thể gây ra thiệt hại cả cho Nga và những chủ những khoản nợ công của Nga. Có thể kể đến là BlackRock - nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới có trụ sở tại New York (Mỹ) sẽ bị thiệt hại nặng nề nếu Moscow vỡ nợ. Trước đó, vụ vỡ nợ năm 1998 của Nga đã đẩy quỹ đầu cơ phòng hộ của Mỹ Long-Term Capital Management (LTCM) đến bờ vực sụp đổ, kéo theo với những hậu quả lan rộng đối với thị trường tài chính toàn cầu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.