Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama bị liệt vào danh sách đen của Nga

Ngoại Giao Nga - Mỹ
08:54 - 20/05/2023
Xe của phái đoàn Mỹ đậu trước trụ sở Bộ Ngoại giao Nga ở Moscow ngày 12/10/2021 sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đến hội đàm với các quan chức Nga. Ảnh: Reuters
Xe của phái đoàn Mỹ đậu trước trụ sở Bộ Ngoại giao Nga ở Moscow ngày 12/10/2021 sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đến hội đàm với các quan chức Nga. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 19/5, Bộ Ngoại giao Nga công bố danh sách 500 công dân Mỹ bị cấm nhập cảnh vào nước này - trong đó bao gồm cựu Tổng thống Barack Obama cùng nhiều quan chức khác - như một động thái đáp trả lệnh trừng phạt của Washington.

Theo hãng tin RT dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga trong một tuyên bố ngày 19/5, “đã đến lúc Washington nhận biết rằng không một cuộc tấn công nào lên Nga có thể diễn ra mà không nhận lại phản ứng mạnh mẽ”.

Cơ quan này khẳng định: “Các nguyên tắc trừng phạt không thể tránh khỏi sẽ được áp dụng một cách nhất quán, dù đây là các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn hay các động thái phân biệt đối xử nhằm cản trở các hoạt động của công dân Nga”.

Do đó, danh sách đen gồm 500 công dân Mỹ đã được chính phủ Nga ban hành và sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Ngoài cựu Tổng thống Mỹ đảng dân chủ Barack Obama, danh sách đen này của Nga còn bao gồm nhiều thành viên Quốc hội, thống đốc và tổng chưởng lý của một số bang của Mỹ.

Các cựu quan chức đang nằm trong hội đồng quản trị của các tổ chức tư vấn nổi tiếng, các nhà thầu quân sự cung cấp vũ khí cho Ukraine, và thậm chí cả Cựu Giám đốc Điều hành Ủy ban Chống thông tin sai lệch Mỹ Nina Jankowicz cũng nằm trong danh sách này.

Những cái tên nổi bật khác trong danh sách đen của Nga là cựu Bộ trưởng Tài chính Ukraine Natalie Jaresko và cựu chuyên gia về Nga tại Hội đồng An ninh Quốc gia của Mỹ Fiona Hill.

Trong số các quan chức thuộc chính quyền Tổng thống Joe Biden, những người bị đưa vào danh sách đen của chính phủ Nga bao gồm Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Tài nguyên Năng lượng Geoffrey Pyatt (trước đây là đại sứ Mỹ tại Ukraine năm 2014), cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao và hiện là người đứng đầu Trung tâm Tham gia Toàn cầu James Rubin; Cố vấn Bộ Ngoại giao Derek Chollet và cố vấn cấp cao của Tổng thống Joe Biden Anita Dunn.

Bộ trưởng Lục quân và Không quân Mỹ Christine Wormuth và Frank Kendall cũng lọt vào danh sách này cùng với Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng Charles Q. Brown Jr.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nằm trong danh sách đen của Bộ Ngoại giao Nga. Ảnh: Getty Images

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nằm trong danh sách đen của Bộ Ngoại giao Nga. Ảnh: Getty Images

Xét về mặt tổng thể, danh sách trừng phạt này của Nga chủ yếu bao gồm những công dân Mỹ có liên hệ chặt chẽ với các think tank và tổ hợp công nghiệp - quân sự. Cụ thể, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và tướng thủy quân lục chiến James Mattis nhận trừng phạt từ chính phủ Nga góp mặt trong hội đồng quản trị của General Dynamics - tập đoàn hàng không và quốc phòng của Mỹ.

Trong khi đó, cựu giám đốc CIA George Tenet bị trừng phạt do là thành viên hội đồng quản trị của In-Q-Tel - nhà đầu tư chiến lược độc lập và phi lợi nhuận cho CIA và các cơ quan tình báo Mỹ.

Cựu đại sứ Mỹ tại Nga John Tefft cũng đồng thời chịu cấm vận từ Moscow với tư cách là thành viên cấp cao tại tổ chức phi lợi nhuận RAND Corporation. Danh sách này cũng có nhiều cái tên từ Quỹ Carnegie, Hội đồng Đại Tây Dương và các nhóm chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - một viện nghiên cứu chính sách của Mỹ có trụ sở tại Washington.

Danh sách này thậm chí còn có cả những cái tên của những người nổi tiếng như các MC truyền hình Jimmy Kimmel, Stephen Colbert, Seth Meyers, Rachel Maddow, Joe Scarborough cùng với cựu MC của kênh NBC Brian Williams.

Ngoài ra, hãng tin RT dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong danh sách còn xuất hiện “những quan chức trong chính phủ và các các nhân thuộc cơ quan thực thi pháp luật có liên quan trực tiếp đến việc đàn áp những người bất đồng chính kiến sau sự kiện Điện Capitol bị tấn công”.

Những cái tên đáng chú ý trong mục này bao gồm công tố viên quận Columbia Matthew Graves, Tổng chưởng lý Washington DC Karl Racine và Michael Byrd - sĩ quan cảnh sát đã bắn chết người biểu tình không vũ trang Ashli Babbitt trong cuộc tấn công điện Capitol ngày 6/1/2021.

Trước đó để trả đũa việc Đại sứ quán Mỹ tại Moscow rút thị thực cho các nhà báo Nga và ngăn cản những người này tháp tùng Ngoại trưởng Sergey Lavrov tới cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi tháng 4, chính phủ Nga đã từ chối cấp phép chuyến thăm Evan Gershkovich - phóng viên tờ Wall Street Journal bị buộc tội gián điệp - của Đại sứ quán Mỹ.

Đọc tiếp