Đảm bảo đời sống, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề với người dân bị thu hồi đất

QUỐC HỘI Đất Đai
20:08 - 03/11/2023
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh - Ảnh: quọhoi.vn
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh - Ảnh: quọhoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Theo đại biểu Quốc hội, cần tăng cường chính sách đảm bảo ổn định đời sống và hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm với người dân khi bị thu hồi đất.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 3/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất cần đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với truyền thống văn hóa

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường, đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, sau khi được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật trình tại Kỳ họp lần này đã đảm bảo tiếp thu cơ bản các ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, nhân dân và cử tri.

Đại biểu cho biết, nhiều cử tri quan tâm đến nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh- tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Dự thảo Luật đã quy định cụ thể các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc phòng đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Theo đại biểu, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất phải bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.

Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Làm rõ phạm vi, đối tượng được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh bày tỏ đồng tình với các chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất ở Điều 108 và Điều 109.

Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn với quy định về 6 nội dung hỗ trợ chính sách và quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đối với các hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất.

"Có thể thấy dự thảo cũng có những quy định mới, rõ ràng, chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và đảm bảo hơn nữa quyền lợi của người có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, số liệu khảo sát cũng cho thấy trong số những nông dân có thay đổi việc làm, số người chuyển sang làm thuê là nhiều nhất và số người chuyển sang học nghề mới là ít nhất", đại biểu Thạch Phước Bình nêu rõ.

Cùng với đó, tiền bồi thường, bảo trợ từ đất cũng chưa được nông dân sử dụng đúng cách. Vì vậy, sau một thời gian họ sử dụng hết tiền, mất tư liệu sản xuất, mất việc làm, không có thu nhập.

Từ thực tế này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét làm rõ phạm vi, đối tượng hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi bị thu hồi đất để tránh tình trạng bỏ sót.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần có những quy định mang tính bắt buộc về việc mở lớp đào tạo nghề, đồng thời có những hướng dẫn chặt chẽ và chi tiết hơn Nghị định hướng dẫn thi hành để đảm bảo lớp học nghề được tổ chức nghiêm túc, có hiệu quả, đặc biệt cần được quy định rõ trong Luật về vấn đề quy hoạch và phát triển các làng nghề truyền thống.

"Đây có thể xem là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân bị thu hồi đất", đại biểu nhấn mạnh.

Phải hoàn thành dự án tái định cư mới bảo đảm chặt chẽ

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nêu ý kiến liên quan tới lập và thực hiện dự án tái định cư (Điều 110 dự thảo Luật).

Theo đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị quy định rõ trình tự, thủ tục lập Báo cáo tái định cư và triển khai quá trình tái định cư cũng như công tác giám sát thực hiện tái định cư.

Nữ đại biểu đoàn Bình Dương cho rằng, cần quy định báo cáo tái định cư phải được thực hiện cùng với báo cáo đánh giá tác động môi trường và báo cáo khả thi vì 3 báo cáo này đều phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới đủ cơ sở pháp lý tiến hành dự án, dù đó là dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh hay các dự án phát triển quỹ đất.

Mặc khác, việc lập báo cáo tái định cư phải giao cho tư vấn độc lập theo quy định của Luật Đấu thầu. Tư vấn này phải độc lập hoàn toàn về quyền lợi với những hộ bị thu hồi đất và độc lập với cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và chủ đầu tư dự án. Tư vấn này cũng phải đảm bảo chuyên môn để xác định giá thị trường đối với đất, nhà và tài sản trên đất bị thu hồi.

Ngoài ra, cần có tư vấn độc lập giám sát quá trình thực hiện đền bù, đảm bảo các nguyên tắc, quy định trong Báo cáo tái định cư và phương án phê duyệt được tuân thủ nghiêm ngặt, kể cả trong quá trình kiểm đếm, nhận tiền đền bù, di chuyển nơi ở mới và quá trình phục hồi kinh tế của các hộ bị ảnh hưởng, thu hồi đất.

"Làm tốt việc này sẽ tránh được khiếu kiện của người dân và đảm bảo tính bền vững của dự án", nữ đại biểu cho hay.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu cũng chỉ rõ, tại Khoản 1 có nêu: "UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất".

Tuy nhiên, không có quy định về việc phải hoàn thành khu tái định cư trước bao lâu hoặc trước thời gian người dân bàn giao đất cho Nhà nước. Nếu chỉ yêu cầu "thực hiện dự án tái định cư" thì chưa đủ, thay vào đó phải "hoàn thành dự án tái định cư" mới bảo đảm chặt chẽ.

"Nếu không hoàn thành khu tái định cư thì phải có phương án thay thế như các quỹ nhà và đất tái định cư sẵn có của địa phương nhằm kịp thời ổn định đời sống các hộ dân khi bàn giao đất để thực hiện dự án", đại biểu góp ý.

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.