Đan Mạch sẽ cấm việc đốt kinh Koran

Ngoại Giao Đan Mạch
14:59 - 26/08/2023
Hành vi đốt kinh Koran có thể bị phạt tới 2 năm tù theo dự luật mới của Đan Mạch. Ảnh: Reuters
Hành vi đốt kinh Koran có thể bị phạt tới 2 năm tù theo dự luật mới của Đan Mạch. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong thông báo chính thức ngày 25/8, chính phủ Đan Mạch cho biết sẽ hình sự hóa hành vi xâm phạm vật thể tôn giáo, một động thái nhằm làm dịu quan hệ với các quốc gia Hồi giáo sau hàng loạt vụ biểu tình đốt kinh Koran gần đây.

Theo New York Times trích dẫn dự luật do Bộ Tư pháp Đan Mạch công bố ngày 25/8, những người bị kết tội ngược đãi một đồ vật có ý nghĩa tôn giáo lớn có thể bị phạt tiền hoặc bị kết án lên tới 2 năm tù. Trước mắt, chính phủ nước này chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể mà luật này có thể có hiệu lực. Tuy nhiên, các quan chức kỳ vọng có thể ban hành chính sách vào cuối năm 2023 nếu thuận lợi thông qua Quốc hội.

Bộ trưởng Tư pháp Peter Hummelgaard mô tả đề xuất này là một “phát minh có mục tiêu” chống lại việc đốt Kinh Koran – một hành vi “gây tổn hại đến an ninh của người Đan Mạch cả ở nước ngoài và trong nước”. Tuy nhiên, động thái này vấp phải sự phản đối của một số chính trị gia. Những người này chỉ trích dự luật là một cuộc tấn công vào các biện pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận mạnh mẽ của đất nước.

Liên minh Tự do, nắm giữ 14 trong số 179 ghế trong Quốc hội, thậm chí còn thể hiện thái độ chỉ trích gay gắt khi tuyên bố đây là “một ngày buồn đối với người Đan Mạch nhưng là một ngày tốt lành đối với những kẻ cực đoan”.

Về phía Bộ trưởng Tư pháp, ông đưa ra cam kết rằng các “khuôn khổ rất rộng” cho quyền tự do ngôn luận tại Đan Mạch vẫn sẽ được duy trì kể cả khi chính sách này có hiệu lực.

Những tranh cãi này thể hiện rõ sự khó khăn mà chính phủ Đan Mạch cũng như nước láng giếng Thụy Điển đang gặp phải trong việc cân bằng giữa tôn trọng quyền tự do ngôn luận với hậu quả ngoại giao của những hành vi xúc phạm. Hồi tháng 7, chính phủ Thụy Điển cũng từng đề xuất các giải pháp tương tự như Đan Mạch nhưng bị các đảng cánh hữu bác bỏ do một số người cho rằng quyền tự do ngôn luận không thể bị xâm phạm.

Động thái của chính phủ Đan Mạch diễn ra trong bối cảnh liên tục có các cuộc biểu tình quy mô nhỏ nhằm phản đối đạo Hồi, thậm chí còn dẫn tới việc đốt kinh Koran trong khoảng thời gian gần đây. Riêng trong tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cho biết đã có hơn 170 cuộc biểu tình, trong đó có một số cuộc biểu tình đốt Kinh Koran, diễn ra ngay trước đại sứ quán của các quốc gia có đa số người Hồi giáo, ví dụ như Saudi Arabia.

Những động thái trên khiến nhiều chính phủ của các quốc gia Hồi giáo đưa ra những lời lên án gay gắt và khiến quan hệ các bên trở nên căng thẳng. Hồi cuối tháng 7, Ngoại trưởng Đan Mạch và Thụy Điển đều có những động thái thông báo tới tất cả 57 quốc gia trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), trong đó giải thích quyền hội họp, và lên án các hành vi bài Hồi giáo cũng như cam kết tiếp tục đối thoại để tìm ra giải pháp.

Tin liên quan

Đọc tiếp